Tổng số lượt xem trang

Tổng hợp các mức phạt khi lái xe trong tình trạng say xỉn

 

Mỗi dịp tết, số người uống rượu và lượng rượu tiêu thụ lại tăng đột biến. Tuy nhiên, những hệ lụy tiêu cực cho xã hội từ rượu cũng là vấn đề gây nhức nhối xã hội trong nhiều năm nay.

Theo TS. LS Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng luật Chính Pháp, từ những hệ lụy tiêu cực do sử dụng rượu bia trong những năm qua, Việt Nam đã ban hành Luật phòng chống tác hại rượu bia năm 2019 có hiệu lực kể từ 01/01/2020 để tăng cường công tác quản lý việc sản xuất, mua bán, sử dụng rượu bia ở Việt Nam.

Tổ chức cá nhân vi phạm pháp luật về phòng chống tác hại rượu bia thì tùy vào tính chất, mức độ của hành vi vi phạm. Tùy vào hậu quả xảy ra, người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tổng hợp các mức phạt khi lái xe trong tình trạng say xỉn - 1

Người dân vui chơi dịp Tết cần nắm rõ luật để tránh bị phạt.

Đối với hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến rượu bia mà chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng, chưa được xác định là nguy hiểm cho xã hội thì người vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP và Nghị định 117/2020/NĐ-CP.

Mức phạt phổ biến liên quan đến nồng độ cồn tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP:

Đối với người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô có một trong các hành vi:

- Điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở. (Điểm c khoản 6 Điều 5)

Mức xử phạt: Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng.

Hình thức xử phạt bổ sung: Bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 10 tháng đến 12 tháng.

- Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở. (Điểm c khoản 8 Điều 5)

Mức xử phạt: Phạt tiền từ 16.000.000 đồng đến 18.000.000 đồng.

Hình thức xử phạt bổ sung: Bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 16 tháng đến 18 tháng.

- Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở; Không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ. (Điểm a, b khoản 10 Điều 5)

Mức xử phạt: Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng.

Hình thức xử phạt bổ sung: Bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng.

Như vậy, với người lái xe ô tô và các loại xe tương tự như xe ô tô mà vi phạm nồng độ cồn thì mức xử phạt hành chính cao nhất lên tới 40.000.000 đồng và tước giấy phép lái xe tới 24 tháng. Nếu gây tai nạn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng thì đây là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự với hình phạt có thể tới 10 năm tù.

Đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy có một trong các hành vi:

- Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở. (Điểm c khoản 6 Điều 6)

Mức xử phạt: Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng

Hình thức xử phạt bổ sung: Bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 10 tháng đến 12 tháng.

- Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở. (Điểm c khoản 7 Điều 6)

Mức xử phạt: Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.

Hình thức xử phạt bổ sung: Bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 16 tháng đến 18 tháng.

- Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở; Không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ. (Điểm e, g khoản 8 Điều 6)

Mức xử phạt: Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng.

Hình thức xử phạt bổ sung: Bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng.

Như vậy, với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy mà vi phạm về nồng độ cồn thì mức phạt tiền cao nhất có thể tới 8.000.000 đồng và bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe tới 24 tháng, nếu gây tai nạn giao thông hậu quả nghiêm trọng thì mức hình phạt thấp nhất là 03 năm tù, mức cao nhất có thể tới 10 năm tù theo khoản 2, Điều 260 BLHS.

Thế Hưng

Bài tiếp theo
« Prev Post
Bài trước
Next Post »

Nghi son