Tổng số lượt xem trang

Trà Vinh: Đấu tranh, phản bác âm mưu chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, tôn giáo

 Kích động, chia rẽ, gây hận thù giữa các dân tộc, tôn giáo là âm mưu thâm độc lâu đời và không bao giờ từ bỏ của các thế lực thù địch, phản động nhằm phá hoại khối đại đoàn kết và làm suy yếu một quốc gia, dân tộc trong đó có Việt Nam.

Trò chơi dân gian trong lễ hội của dân tộc Khmer

Trong công cuộc đấu tranh chống kẻ thù xâm lược, cho đến quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, các thế lực thù địch chưa bao giờ từ bỏ âm mưu, thủ đoạn kích động, gây chia rẽ và hận thù giữa các dân tộc, tôn giáo trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, mục đích của chúng là nhằm làm tan rã khối đại đoàn các kết dân tộc, để làm suy yếu khả năng đấu tranh, chống lại kẻ thù xâm lược của dân tộc Việt Nam vốn có truyền thống đoàn kết, yêu nước.

Khi quân Pháp đặt chân xâm lược trên mảnh đất Trà Vinh, họ vấp phải nhiều cuộc kháng chiến của quân, dân các dân tộc anh em của tỉnh, để đối với với phong trào kháng chiến, thực dân Pháp và tay sai đã thực hiện thủ đoạn hết sức thâm độc là “chia để trị“. Họ đã khai thác những nét khác biệt về phong tục, tập quán, xuyên tạc sự thật lịch sử… để phá hoại khối đoàn kết dân tộc Kinh – Khmer – Hoa. Bên cạnh đó, họ còn thực hiện các thủ đoạn gây chia rẽ các cộng đồng tôn giáo, họ đã lợi dụng “một số chức sắc phản động trong đạo Cao Đài phái Tây Ninh, một số chức sắc trong đạo Thiên Chúa Giáo, lợi dung sinh hoạt tôn giáo để tuyên truyền nói xấu cách mạng, xuyên tạc chính sách Việt Minh, dụ dỗ những người nhẹ dạ cả tin đi làm tay sai cho thực dân Pháp(1).

Trong giai đoạn đế quốc Mỹ xâm lược, ở tỉnh Trà Vinh, để gây khó khăn cho việc tập hợp lực lượng cách mạng đấu tranh chống Mỹ – Ngụy, Mỹ – Ngụy đã ra sức kích động tâm lý dân tộc, lợi dung sơ hở, gây mâu thuẫn và nghi nghờ làm mất đoàn kết trong một bộ phận người Kinh và người Khmer. Cơ quan tình báo Mỹ (CIA) đã ra sức hỗ trợ cho các tổ chức chính trị phản động (trong đó có tổ chức “Khmer Sêrây”) ngấm ngầm hoạt động chống phá cách mạng, đòi thành lập “Khu trự trị Khmer” ở miền Tây Nam Bộ. Thâm độc hơn, chúng không chỉ tìm cách gây chia rẽ khối đoàn kết dân tộc Kinh – Khmer – Hoa mà còn gây chia rẽ nội bộ Phật giáo Nam tông Khmer theo phái Thêravada và phái Khêmaranikai, gây chia rẽ giữa Phật giáo, Thiên chúa giáo, đạo Cao đài, v.v…(2)

Chiến tranh kết thúc, đất nước được thống nhất, nhưng các thế lực thù địch vẫn không từ bỏ dã tâm thực hiện mưu đồ phá hoại khối đoàn kết các dân tộc, tôn giáo của nước ta nói chung và ở Trà Vinh nói riêng. Bất kỳ một sự kiện nào có liên quan đến vấn đề dân tộc, tôn giáo như vụ việc một số đối tượng tu học ở chùa Khmer trong tỉnh gây rối ở công an huyện Tiểu Cần; Tình hình liên quan việc đòi đất của các cơ sở tôn giáo; xô xát giữa Mục sư Tin lành với sư cả và phật tử của một số chùa trong tỉnh; hoặc vấn đề tranh chấp, giải quyết tranh chấp đất đai có liên quan đến đồng bào Khmer … họ đều rêu rao, dựng chuyện là Việt Nam đàn áp dân tộc (đàn áp người Khmer Krom), đàn áp tôn giáo… Ví dụ, ngày 04/4/2009, có một thanh niên người dân tộc Khmer tên Thạch Thanh Nô ở Trà Cú, Trà Vinh, do uống rượu say tự đâm vào gốc cây Sầu Đâu bên đường tử vong, nhưng qua một số đối tượng thì thông tin được gửi đến một số trang web, e-mail và các cơ quan truyền thông, ngôn luận, tổ chức cá nhân trong và ngoài nước xuyên tạc rằng “Thạch Thanh Nô là chấp sự của Hội thánh Tin Lành Đấng Christ bộ tộc Khmer – Krom, trên đường về nhà sau khi thờ phượng thì bị “lực lượng Công an và du kích chặn đường” đánh “gãy hai xương đùi và bể bọng đái” chết trên đường đi cấp cứu“. Một vụ việc khác nữa là chiến sĩ Huỳnh Chung ở Châu Thành, Trà Vinh đột quỵ khi đang thực hiện nghĩa vụ quân sự tại 01 đơn vị thuộc Quân khu 9 (ngày 11/01/2019), trong khi chờ đợi kết quả khám nghiệm tử thi những trang chủ facebook của các phần tử, tổ chức thù địch lại đưa tin rầm rộ về vấn đề này với ý vu cáo “người Việt giết người Khmer” nhằm gây mất đoàn kết trong đồng bào dân tộc…v.v.

Trong những năm gần đây, họ đã móc nối, lôi kéo một số phần tử xấu tham gia hội nhóm Kampuchea Khmer Krom, thực hiện các hoạt động chống phá ta ở nhiều lĩnh vực, đặt biệt là lĩnh vực dân tộc, tôn giáo. Để tạo dựng ngọn cờ, khuếch trương thanh thế, tập hợp lực lượng, chúng không ngừng ra sức tuyên truyền xuyên tạc về tình hình dân tộc, tôn giáo. Các đối tượng này lợi dụng việc phá bỏ cổng chào tỉnh Trà Vinh (do bị hư hỏng nặng, sẽ gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông); việc không đưa mục dân tộc, tôn giáo vào căn cước công dân; bịa đặt thông tin chính quyền không cho người dân tổ chức các trò chơi dân gian nhân dịp lễ Chôl Thnăm Thmây năm 2023,… để đưa ra luận điệu xuyên tạc rằng “chính quyền người Việt muốn xã bỏ văn hóa của người Khmer“, muốn thực hiện chính sách “đồng hóa dân tộc Khmer“. Để lôi kéo, kích động nhiều người tham gia Hội nhóm của chúng, các đối tượng xấu trên địa bàn tỉnh tuyên truyền công khai tài liệu được cho là “Quyền các dân tộc bản địa“; “Ánh Sáng quyền tự quyết“, nội dung quyển sách hoàn toàn bịa đặt, xuyên tạc về vấn đề dân tộc, tôn giáo ở khu vực Tây Nam Bộ nói chung và Trà Vinh nói riêng với luận điều vu cáo xuyên tạc rằng người Kinh phân biệt đối xử, đàn áp người Khmer, các quyền cơ bản của người Khmer bị hạn chế rất nhiều. Đồng thời, công khai thách thức chính quyền việc tuyên truyền, treo cờ của tổ chức phản động Kampuchea Khmer Krom (KKK) ở nhà, nhân các dịp lễ; xuyên tạc “Lịch sử vùng đất Nam bộ – Việt Nam” và hàng làm làm lễ kỷ niệm ngày Khmer mất đất 4/6.

Đặc biệt, trong thời gian gần đây, nhóm đối tượng này thường xuyên liên hệ gặp gỡ với các nhân viên của Ủy Ban tự do tôn giáo Hoa Kỳ tại Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ ở thành phố Hồ Chí Minh để đưa cho các nhân viên này cái gọi là sự đàn áp của chính quyền đối với “người Khmer Krom“. Đề nghị Ủy ban tự do về tôn giáo ở Hoa Kỳ can thiệp giúp đỡ người Khmer Krom.

Thực hiện Chỉ thị 68-CT/TW ngày 18/4/1991 của Ban Bí thư về công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khmer và nhiều chủ trương, chính sách về phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc thiểu số của Trung ương, từ 1992 đến nay, Tỉnh ủy đã ban hành nhiều nghị quyết như: Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 13/10/1992 về công tác trong vùng đồng bào dân tộc Khmer; Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 10/10/2003 về phát triển toàn diện vùng đồng bào Khmer; Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 9/9/2011 về phát triển toàn diện vùng đồng bào Khmer giai đoạn 2011 – 2015; Kết luận số 01-KL/TU ngày 16/6/2016 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU; Kế hoạch số 81-KH/TU ngày 23/4/2018 thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường công tác ở vùng đồng bào Khmer trong tình hình mới, Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 08/10/2021 về tiếp tục phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc Khmer giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030.

Thực tế cho thấy, từ khi ra đời và trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, vấn đề dân tộc, công tác dân tộc và đoàn kết các dân tộc luôn được Đảng ta xác định có vị trí chiến lược quan trọng trong cách mạng nước ta, quan điểm nhất quán, xuyên suốt của Đảng ta trong công tác dân tộc và chính sách dân tộc là: “các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển”. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt…” Người khẳng định: “Chúng ta phải thương yêu nhau, phải kính trọng nhau, phải giúp đỡ nhau để mưu cầu hạnh phúc chung của chúng ta và con cháu chúng ta”, hay trong kho tàng ca dao, tục ngữ Việt Nam có câu “Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn“. Điều đó khẳng định trong quá trình dựng nước, giữ nước và xây dựng đất nước, cộng đồng các dân tộc Việt Nam luôn giữ vững truyền thống thương yêu, đoàn kết, bình đẳng, tôn trọng và giúp đỡ lẫn nhau để phát triển bền vững, với những minh chứng cụ thể để phản bác lại các luận điệu vu khống, xuyên tạc của các thế lực thù địch sau đây:

Thứ nhất, đồng bào dân tộc Khmer luôn được đối xử bình bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển kinh tế.

Thực hiện Chỉ thị 68-CT/TW ngày 18/4/1991 của Ban Bí thư về công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khmer và nhiều chủ trương, chính sách về phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc thiểu số của Trung ương, từ 1992 đến nay, Tỉnh ủy Trà Vinh đã ban hành nhiều nghị quyết về nội dung này.

Tỉnh đã triển khai đầy đủ có hiệu quả các hính sách chăm lo đời sống vật chất cho đồng bào Khmer như: Có hàng trăm mô hình, dự án hỗ trợ trong phát triển sản xuất, hỗ trợ đất sản xuất với số tiền hàng trăm tỉ đồng thuộc các chương trình, dự án của Trung ương và địa phương. Tỷ lệ hộ nghèo người Khmer được kéo giảm hàng năm 5,23%, từ 31,8% năm 2010, đến tháng 6/2023 tỷ lệ hộ Khmer nghèo (theo chuẩn mới) chiếm 3,61%); hộ cận nghèo 5,87%); nhiều hộ đã vươn lên khá, giàu, mua sắm được tư liệu sản xuất, phương tiện sinh hoạt gia đình, bộ mặt nông thôn trong vùng đồng bào dân tộc ngày cành khởi sắc.

Thứ hai, bản sắc văn hóa dân tộc Khmer được bảo tồn và phát huy và được tôn trọng.

Quan tâm, thực hiện có hiệu quả công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc như: tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây, lễ Sêne Đôl ta, lễ hội Ok – Om – Bok …; nghi lễ dân gian đặc trưng như: lễ Cầu mưa, lễ Cầu an, lễ Cúng Neak Tà…; nghi lễ truyền thống của Phật giáo như: lễ Phật đản, lễ Nhập hạ, lễ Xuất hạ, lễ Xuất gia, lễ Dâng y… Các giá trị văn hóa truyền thống trong các lễ nghi liên quan đến việc cưới, việc tang, lễ hội được bảo tồn, phát huy thêm những yếu tố phù hợp với cuộc sống hiện đại.

Quan tâm thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống tốt đẹp của đồng bào Khmer, các loại hình nghệ thuật truyền thống trước đây gần có nguy cơ bị mai một, nay có điều kiện phục hồi và phát triển như ngũ âm, Sa dăm, Rô băm (kịch múa), Dù kê (kịch hát). Việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer còn được thực hiện thông qua chủ trương đẩy mạnh phát triển phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng trong vùng có đông đồng bào Khmer: toàn tỉnh hiện có 112 đội dàn nhạc ngũ âm, 95 đội trống Chhaydam, 35 đội múa Chằn – Khỉ, trên 100 đội nhạc tân, 40 đội bóng chuyền, 8 đội ghe Ngo, các trò chơi dân gian của đồng bào dân tộc trong các lễ hội được phục hồi và ngày càng phát triển. Đoàn nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh được đầu tư và phát triển. Thông qua các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, các loại hình văn hóa, nghệ thuật truyền thống, các trò chơi dân gian trong các dịp lễ, tết của đồng bào Khmer được bảo tồn, phát huy, bổ sung thêm các yếu tố hiện đại, nhưng vẫn đậm bản sắc dân tộc.

Các tác phẩm văn học, văn nghệ Khmer được bảo tồn, phát triển, công tác sưu tầm, bảo tồn các hình thức văn hóa vật thể và phi vật thể được quan tâm đầu tư về kinh phí. Đến nay, Nhà Bảo tàng Văn hóa Khmer tỉnh được duy tu, sửa chữa và trưng bày trên 1.000 hiện vật có giá trị, phục vụ cho nhu cầu tham quan, học tập nghiên cứu, cũng như lưu giữ những giá trị văn hóa vật chất và tinh thần cho đồng bào Khmer. Hiện nay, đồng bào Khmer có 03 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia: Nghệ thuật Chầm riêng Chà Pây, lễ hội Ok – Om – Bok và Nghệ thuật Rô – Băm, 06/16 di tích cấp quốc gia và 16/37 di tích cấp tỉnh là di sản văn hóa của đồng bào Khmer. Hiện nay, tỉnh đang triển khai Dự án làng văn hóa dân tộc Khmer tỉnh Trà Vinh gắn với di tích Chùa Âng – Ao Bà Om và di tích Bờ lũy – Chùa Lò Gạch, tạo thành quần thể văn hóa, du lịch với mục tiêu vừa phát triển du lịch vừa bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào Khmer.

Việc bảo tồn và phát triển ngôn ngữ, chữ viết của đồng bào Khmer cũng được quan tâm triển khai thực hiện tốt thông qua việc dạy và học chữ Khmer ở 121 điểm trường, 134/143 chùa; hiện tỉnh có 08 trường phổ thông dân tộc nội trú, hình thành Khoa Ngôn ngữ – Văn hóa – Nghệ thuật Khmer Nam bộ (nay là TrườngNgôn ngữ – Văn hóa – Nghệ thuật Khmer Nam Bộ và Nhân văn) thuộc Trường Đại học Trà Vinh, thành lập Trường Trung cấp Pali – Khmer. Ngoài ra, tỉnh có 1 từ Báo chữ Khmer phát hành 02 kỳ/tuần, phát hành đến 143/143 chùa Khmer, 2 tờ nội san chữ Khmer; 1 chương trình phát thanh và 1 chương trình truyền hình với nhiều loại hình thông tin, văn hóa, văn nghệ bằng tiếng Khmer (60 phút phát hình và 90 phút phát thanh/ngày).

Bên cạnh đó, các giá trị văn hóa vật chất và tinh thần của đồng bào Khmer được tôn trọng và lan tỏa và đón nhận bởi cộng đồng các dân tộc khác trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước một cách chan hòa, đoàn kết, đầy tình yêu thương lẫn nhau.

Thứ ba, các tôn giáo tín ngưỡng được tôn trọng và phát triển.

Hiện toàn tỉnh có 465 cơ sở tín ngưỡng với các loại hình như: Thờ thành hoàng, thờ anh hùng dân tộc, thờ tổ tiên, thờ mẫu…; về tôn giáo có 09 tôn giáo như: Phật giáo, Công giáo, Cao Đài, Tin Lành, Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam, Hồi giáo, Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Bửu Sơn Kỳ Hương và Phật giáo Hòa Hảo, với 4.373 chức sắc, chức việc, nhà tu hành và 596.925 tín đồ, chiếm 59,15% so với dân số chung của tỉnh. Xây dựng 68 công trình tôn giáo, trong đó có 11 cơ sở tôn giáo mới.

Quyền tự do tín ngưỡng, tôn của người dân được đảm bảo: thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người theo quy định tại điều 24 Hiến pháp (năm 2013) và Điều 3 Luật tín ngưỡng, tôn giáo, tạo điều kiện, giúp đỡ, tổ chức, cá nhân tôn giáo hoạt động theo hiến chương, điều lệ của tổ chức tôn giáo được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận và quy định của pháp luật hiện hành của Nhà nước, cụ thể như:

Đời sống của đồng bào có đạo trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển, các hoạt động tôn giáo diễn ra sôi động như: Phật giáo là Đại lễ Phật Đản; việc tổ chức lễ dâng y cà sa chùa Phật giáo Nam tông đều diễn ra ổn định, theo nghi thức tôn giáo phù hợp với truyền thống văn hóa của dân tộc; với đồng bào theo đạo Công giáo ngoài các hoạt động đăng ký hàng năm còn tổ chức một số hoạt động củng cố đức tin, tổ chức tĩnh tâm; hoạt động của các tổ chức hệ phái Cao đài tổ chức Hội thánh thường niên nhơn sanh toàn phái và các lớp hạnh đường tuân thủ quy định của Pháp luật, gắn bó với truyền thống văn hóa dân tộc, tín đồ Cao đài tham gia tích cực các phong trào ở địa phương, góp phần cùng nhân dân thực hiện tốt chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta; Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam với hoạt động chủ yếu là khám chữa bệnh, trong các hoạt động này đều chấp hành tốt chủ trương của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước.

Thứ tư, các dân tộc trên địa bàn tỉnh Trà Vinh được bình đẳng về chính trị.

Tỉnh Trà Vinh có trên 1 triệu dân, trong đó đồng bào Khmer chiếm 32%, dân tộc Hoa gần 1% dân số toàn tỉnh. Thực hiện chính sách phát triển toàn diện trong đồng bào dân tộc Khmer, cũng như quan điểm bình đẳng về các quyền đối với cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Ngoài các chính sách hỗ trợ, giúp đỡ phát triển về kinh tế, văn hóa, xã hội thì việc thực hiện quan điểm bình đẳng về quyền chính trị của các dân tộc, Trà Vinh luôn chú trọng công tác phát triển cán bộ, đảng viên là người dân tộc. Cụ thể, đến năm 2022, đội ngũ cán bộ, công chức dân tộc Khmer trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở 4.443 đồng chí, chiếm tỷ lệ 20,8%, trong đó, cán bộ dân tộc giữ chức danh lãnh đạo, quản lý 560 đồng chí, chiếm tỷ lệ 12,6% (cấp tỉnh 78 đồng chí, chiếm tỷ lệ 13,92%, cấp huyện 133 đồng chí, chiếm tỷ lệ 23,75%, cấp xã 349 đồng chí, chiếm tỷ lệ 62,32%). Trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, năng lực thực tiễn, ý thức trách nhiệm, chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ dân tộc Khmer không ngừng nâng lên, đáp ứng ngày càng cao yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị chung của tỉnh. Đến tháng 6/2023, toàn tỉnh có 8.133 đảng viên là người dân tộc Khmer chiến 17,4% tổng đảng viên toàn tỉnh; có 173 đảng viên là người Hoa chiếm 0,37% dân số.

Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới, ngày 17/11/2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hàng Đề án số 05-ĐA/TU về tạo nguồn quy hoạch, bố trí, sử dụng cán bộ nữ, cán bộ dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh, với mục tiêu đến năm 2030, tỉ lệ cán bộ trong đồng bào Khmer phải được cơ cấu hợp lý và cao hơn hiện nay. Đồng thời, quan tâm đến chất lượng công tác giảng dạy của các Trường Dân tộc Nội trú để tạo nguồn đào tạo cán bộ dân tộc. Tạo điều kiện cho con, em người dân tộc, nhất là những sinh viên mới ra trường được tuyển dụng vào làm việc ở các ngành, các cấp theo đúng chuyên ngành đào tạo, nhằm phát huy tốt năng lực, trí tuệ của thế hệ trẻ người dân tộc và tạo nguồn cho đội ngũ cán bộ kế thừa. Nghiên cứu ban hành chính sách ưu tiên về tuyển dụng hoặc thi nâng ngạch công chức cho đối tượng là nữ, dân tộc; thực hiện chế độ cử tuyển trong đào tạo, tuyển dụng và bổ nhiệm công chức là người dân tộc, nữ.

Điều đó cho thấy, ngoài các quyền cơ bản khác thì quyền bình đẳng về chính trị đối với đồng bào Khmer, Hoa luôn được quan tâm thực hiện tốt.

Từ những phân tích trên cho thấy, luận điệu, vu cáo, xuyên tạc Đảng và Nhà nước ta thực hiện chính sách “độc tài cai trị”, “đàn áp tôn giáo”, “đàn áp dân tộc”, “phân biệt đối xử với người Khmer Krom” để từ đó đưa ra chiêu bài đòi “tự do tôn giáo”, đòi “quyền tự quyết” ,“quyền tự trị cho từng dân tộc”,  là hoàn toàn phi lý và ngược lại với những gì đã và đang diễn ra trên thực tế nhằm lôi kéo, kích động đồng bào tham gia vào các hoạt động chống phá, hòng phá hoại khối đại đoàn kết các dân tộc của Việt Nam, phá hoại sức mạnh của dân tộc. Vì vậy, đồng bào Khmer, nhất là giới trẻ tuyệt đối không tin, không nghe và mạnh dạn bác bỏ, lên án mạnh mẽ những luận điệu xuyên tạc, bịa đặt, sai trái về những chủ trương, chính sách đối với đồng bào Khmer. Không tham gia vào các tổ chức và các hoạt động của các đối tượng xấu, tích cực tham gia phong trào bảo vệ an ninh tổ quốc, vạch trần những âm mưu thủ đoạn chống phá của các đối tượng xấu góp phần giữ vững tình hình an ninh chính trị, giữ vững sự đoàn kết của cộng đồng các dân tộc để xây dựng và phát triển quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp./.

Đặng Minh Tú, Lê Văn Giàu, Đặng Thị Phương Thảo, Lưu Thị Trang, Nguyễn Văn Mến

Đảng ủy BIDV tỉnh Trà Vinh

Bài tiếp theo
« Prev Post
Bài trước
Next Post »

Nghi son