Tổng số lượt xem trang

Từ "óc địa phương" tới "lợi ích nhóm": Phòng và chống


          TỪ CÁC CHỨNG BỆNH CỦA CHỦ NGHĨA CÁ NHÂN
          Óc địa phương, óc bè phái, địa phương chủ nghĩa để chỉ những chứng bệnh của chủ nghĩa cá nhân được Hồ Chí Minh dùng trong tác phẩm “Đường Cách mệnh” (1927); “Thư gửi các đồng chí Trung Bộ” (1947); “Thư gửi các đồng chí Bắc Bộ” (1-3-1947) và “Sửa đổi lối làm việc” (10-1947)... Trong đó, óc địa phương được Người nêu trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, ở phần “Những khuyết điểm sai lầm”. Trong tác phẩm này, sau khi nêu đích danh các chứng bệnh của chủ nghĩa cá nhân như: tham lam, lười biếng, kiêu ngạo, hiếu danh, thiếu kỷ luật, óc hẹp hòi, óc lãnh tụ, Người viết tiếp trong mục: g) Óc địa phương và chỉ rõ: “Bệnh này tuy không xấu bằng các bệnh kia nhưng kết quả cũng rất tai hại. Miễn là cơ quan mình, bộ phận mình, địa phương mình được việc. Còn các cơ quan, bộ phận, địa phương khác ra sao cũng mặc kệ”(1). Theo Người, nguyên nhân sinh ra óc địa phương, “đó là vì cận thị, không xem xét toàn thể. Không hiểu rằng lợi ích nhỏ phải phục tùng lợi ích to, ích lợi bộ phận phải phục tùng ích lợi toàn thể”(2).
        Óc bè phái là “ai hợp với mình thì dù người xấu cũng cho là tốt, việc dở cũng cho là hay, rồi che đậy cho nhau, ủng hộ lẫn nhau. Ai không hợp với mình thì người tốt cũng cho là xấu, việc hay cũng cho là dở, rồi tìm cách gièm pha, nói xấu, tìm cách dìm người đó xuống, họ phải mấy cũng không nghe”(3) được Hồ Chí Minh nêu trong “Thư gửi các đồng chí Bắc Bộ”. Còn địa phương chủ nghĩa là “chỉ chăm chú lợi ích của địa phương mình mà không nhìn đến lợi ích của toàn bộ.Làm việc ở bộ phận nào chỉ biết bênh vực vun đắp cho bộ phận ấy. Do khuyết điểm đó mà sinh ra những việc, xem qua thì như không quan hệ gì mấy, kỳ thực rất có hại đến kế hoạch chung. Thí dụ, muốn lấy tất cả cán bộ và vật liệu cho địa phương mình, không bằng lòng để cấp trên điều động cán bộ và vật liệu đến những nơi cần thiết”(4) được Người nêu trong “Thư gửi các đồng chí Bắc Bộ” và “Thư gửi các đồng chí Trung Bộ”.
        Với ý nghĩa đó, óc địa phương, óc bè phái, địa phương chủ nghĩa ở phạm vi nhỏ thì cản trở sự phát triển của một hoặc vài cá nhân, cơ quan, đơn vị; ở phạm vi lớn thì ảnh hưởng đến lợi ích của quốc gia, dân tộc. Vì vậy, khi óc bè phái, óc địa phương, địa phương chủ nghĩa trở thành một vấn nạn, khi hiện tượng “1. Ham dùng người bà con, anh em quen biết, bầu bạn, vì cho họ tốt hơn người bên ngoài; 2.Ham dùng những kẻ khéo nịnh hót mình mà chán ghét những người chính trực; 3. Ham dùng nhữngngười tính tình hợp với mình mà tránh những người tính tình không hợp với mình”(5)… dẫn đến “hỏng cả công việc của Đảng”, làm mất đi sự “liêm khiết, công bình, chính trực” của các cơ quan công quyền.
      Vì óc địa phương, địa phương chủ nghĩa nên tệ nạn bè phái, ưa dùng người địa phương, “cánh hẩu” ngày càng phát triển trong mọi mặt đời sống xã hội, nhất là trong công tác cán bộ. Từ đặt lợi ích của mình và những người mình ưa, mình thích lên trên lợi ích tập thể, lợi ích đất nước, những người có óc địa phương, óc bè phái, địa phương chủ nghĩa đã liên kết lại thành một nhóm, tranh giành vị trí, quyền lực, đấu đá nhau… để mưu lợi ích cho mình và nhóm mình - lợi ích nhóm. Lợi ích nhóm “tiêu cực” theo nghĩa đang hiểu ở đây có nội hàm là lợi ích của một nhóm người được hình thành trên cơ sở: 1) Lợi ích cá nhân không chính đáng; 2) Trục lợi, kiếm chác, tham nhũng để làm lợi cho nhóm mình; 3) Hành động phi pháp, coi thường pháp luật; 4) Xâm hại đến lợi ích Nhà nước và tập thể...
       Hồ Chí Minh đã dùng từ óc địa phương, óc bè phái, địa phương chủ nghĩa để chỉ ra một bộ phận “cánh hẩu”, “lợi ích nhóm” trong một bộ phận cán bộ, đảng viên có chức, có quyền đã kéo bè, kéo cánh; ưa dùng những người bà con, thân tín cùng họ, cùng xóm, cùng quê, cùng chung lợi ích để ủng hộ và che chắn cho nhau. Họ lợi dụng quyền lực, dùng số đông để bóp méo nguyên tắc tập trung dân chủ, không dùng, thậm chí dồn những người tốt, có tài nhưng không “hẩu”, không cùng “nhóm” để cô lập, thao túng. Những kẻ cậy quyền, ỷ thế này quy hoạch, bổ nhiệm và sử dụng cán bộ theo nguyên tắc: “Ai hẩu với mình thì dù nói không đúng cũng nghe, tài không có cũng dùng. Ai không hẩu với mình thì dù có tài cũng dìm họ xuống, họ phải mấy cũng không nghe… Đó là một chứng bệnh rất nguy hiểm”(6)…
       Không chỉ nghiêm khắc chỉ ra sự nguy hiểm và phê phán rất nặng những chứng bệnh cá nhân chủ nghĩa, nhân danh tổ chức, nhân danh tập thể, lợi dụng quyền lực, địa vị được giao để trục lợi cho mình và những người thân cùng phe, cùng “cánh hẩu” với mình “làm quan phát tài”, Hồ Chí Minh còn nhấn mạnh: “Nếu vì lòng yêu ghét, vì thân thích, vì nể nang, nhất định không ai phục, mà gây nên mối lôi thôi trong Đảng. Như thế là có tội với Đảng, có tội với đồng bào”(7). Theo Người, nguyên nhân của những người mắc bệnh óc địa phương, óc bè phái, địa phương chủ nghĩa là vì lợi dụng quyền hành, trụclợi cho mình và “nhóm lợi ích”, coi thường tập thể, xem khinh quần chúng, độc đoán, chuyên quyền và xa rời quần chúng… Đó là những kẻ suy thoái đạo đức, lối sống, làm suy yếu Đảng, làm giảm lòng tin của quần chúng với Đảng; do đó, phải kiên quyết tẩy sạch các chứng bệnh nguy hiểm đó để xây dựng chính quyền liêm khiết, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.
       Lợi ích nhóm được đề cập khá rõ trong Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, đó là: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc...”; trong Văn kiện Đại hội XII của Đảng: “Tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; tình trạng chạy chức, chạy tội, tham nhũng, lợi ích nhóm”(8). Tiếp đó, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” cũng đã chỉ rõ các biểu hiện của lợi ích nhóm như: “Vướng vào “tư duy nhiệm kỳ”, chỉ tập trung giải quyết những vấn đề ngắn hạn trước mắt, có lợi cho mình; tranh thủ bổ nhiệm người thân, người quen, người nhà dù không đủ tiêu chuẩn, điều kiện giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc bố trí, sắp xếp vào vị trí có nhiều lợi ích... Lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn được giao để dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực. Thao túng trong công tác cán bộ; chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy tội... Sử dụng quyền lực được giao để phục vụ lợi ích cá nhân hoặc để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi…”. 
        ĐẾN CHỦ ĐỘNG PHÒNG VÀ CHỐNG
       Thực tế cho thấy, óc địa phương, óc bè phái, địa phương chủ nghĩa và tư duy nhiệm kỳ, tự diễn biến, tự chuyển hóa, lợi ích nhóm có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Đó là các chứng bệnh của chủ nghĩa cá nhân như Hồ Chí Minh đã chỉ rõ. Việc một bộ phận cán bộ, đảng viên lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để móc nối, thông đồng với nhau, lách luật, vi phạm luật nhằm tham ô, tham nhũng; dùng của công để biếu xén lẫn nhau, sử dụng các biện pháp để chuyển tài sản nhà nước, tập thể sang cho cá nhân; dùng mọi thủ đoạn để tham nhũng, móc ngoặc với các đại gia, doanh nghiệp để hợp thức hóa việc ăn cắp, tham nhũng của công; lợi dụng sự móc ngoặc giữa các doanh nghiệp với nhau và với các quan chức để dành những gói thầu, những khoản ưu đãi từ tiền công quỹ, chạy chức, chạy quyền và nhất là cách mua bán, đút lót, hối lộ, thông đồng của một nhóm người để mưu cầu chức, quyền, danh vị,v.v.. trong xã hội đã không còn là hiện tượng đơn lẻ.
       Trong khi đó, chừng nào mà các nhóm lợi ích nêu trên càng phát triển, càng mang lại lợi ích cá nhân cho một số người thì chừng đó, càng khoét sâu sự mất công bằng trong xã hội; càng bóp nghẹt dân chủ, nội bộ nghi kỵ lẫn nhau dẫn đến khoảng cách giàu - nghèo trong xã hội ngày càng phân hóa. Lợi ích nhóm không chỉ là vấn nạn mà trở thành nguy cơ lớn đe dọa sự phát triển lành mạnh, bền vững của đất nước, sự tồn vong của quốc gia, của chế độ xã hội chủ nghĩa; là nguy cơ chính làm trầm trọng và tạo điều kiện cho các nguy cơ khác phát triển, gây bất ổn trong xã hội nói chung, dẫn đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ cơ quan, địa phương, đơn vị nói riêng. Thực trạng đó đi ngược lại với mục tiêu lý tưởng của Đảng, của dân tộc, vì vậy, “nếu không có cơ chế ngăn chặn, lợi ích nhóm (tiêu cực) phát triển sẽ kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, địa phương, đơn vị, cơ quan; làm suy thoái, tha hóa về đạo đức, lối sống của “một bộ phận không nhỏ” cán bộ, đảng viên (đặc biệt là những người có chức, có quyền). Điều đó sẽ làm suy giảm niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào Đảng, chế độ”(9).
      Từ những cảnh báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, để thiết thực ngăn chặn, phòng và chống các chứng bệnh của chủ nghĩa cá nhân, nhất là lợi ích nhóm, cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau:
       Một là, cấp ủy, chính quyền và ban, ngành chức năng các cấp nâng cao hơn nữa trong nhận thức và hành động về yêu cầu tấtyếu phải thực hiện nghiêm túc, trọn vẹn, thường xuyên, liên tục di huấn của Hồ Chí Minh: cán bộ, đảng viên phải luôn “nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”: đặt lợi ích của tập thể, lợi ích của đất nước, lợi ích của nhân dân lên trên, lên trước lợi ích của cá nhân, của gia đình mình, dòng họ mình theo nguyên tắc “dĩ công vi thượng”…; “phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”; phải thường xuyên thực hiện tự phê bình và phê bình; đoàn kết, thống nhất; mở rộng dân chủ trong sinh hoạt Đảng và phát huy vai trò quần chúng nhân dân tham gia xây dựng Ðảng, đấu tranh phòng, chống sự suy thoái của cán bộ, đảng viên và sự phát triển của các nhóm lợi ích.
      Hai là, gắn thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” với Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII về xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Chăm lo xây dựng văn hóa trong Đảng, trong các cơ quan nhà nước và các đoàn thể; coi đây là nhân tố quan trọng để xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Tại mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị, đội ngũ cán bộ, đảng viên nói chung, cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu nói riêng phải luôn gắn bó mật thiết với nhân dân, hết lòng, hết sức phục vụ Tổ quốc và nhân dân; dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng và chính quyền trong sạch, vững mạnh. Đồng thời, phải phát huy vai trò nêu gương, nói đi đôi với làm; phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, không tự cao tự đại, tự mãn, kiêu ngạo, luôn học tập để cầu tiến bộ. Thường xuyên tự phê bình và phê bình như rửa mặt hằng ngày, để không vì danh vị mà nịnh bợ, chạy chọt, mua chuộc; không vì sang giàu mà sa vào tham ô, tham nhũng, tha hóa đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa.
       Ba là, tăng cường công tác quản lý, giao nhiệm vụ, kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu từ cấp chi bộ. Thực hiện cơ chế kiểm soát quyền lực chặt chẽ và chế tài rõ ràng đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu trong thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao và xử lý nghiêm những người lạm quyền, lộng quyền, tham ô, tham nhũng, v.v..để mưu lợi cho cá nhân, gia đình và nhóm lợi ích. Đồng thời, đẩy mạnh công khai và minh bạch hóa các hoạt động của các cơ quan công quyền gắn với công tác kiểm tra; nhất là kiểm tra chéo các hoạt động công vụ; ngăn chặn khả năng hình thành “lợi ích nhóm” trong công tác cán bộ theo tinh thần Nghị quyết số 26-NQ/TW khóa XII về “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”.
       Bốn là, nghiêm túc trong kê khai tài chính của cá nhân, gia đình cán bộ, công chức, bảo đảm minh bạch các nguồn thu nhập; đồng thời, phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trong giám sát cán bộ, đảng viên; trong việc ngăn chặn sự hình thành các nhóm lợi ích. Thực hiện nghiêm Quy định số 101-QĐ/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp” và Quy định số 102-QĐ/TW về “Xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm” của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII: “Tất cả đảng viên đều bình đẳng trước kỷ luật của Đảng. Đảng viên ở bất cứ cương vị nào, nếu vi phạm kỷ luật của Đảng đều phải được xem xét, xử lý kỷ luật nghiêm minh, kịp thời”, để không có vùng cấm, không có biệt lệ, không có “thần hộ mệnh” cho bất cứ ai vi phạm pháp luật, vi phạm Điều lệ Đảng./.
        Nguồn: Tuyên giáo TW
Bài tiếp theo
« Prev Post
Bài trước
Next Post »

Nghi son