Tổng số lượt xem trang

Bày trò “phản biện” Bộ Ngoại giao Việt Nam, VNTB tiếp tục cho thấy ai mới kẻ “vạ miệng”

 Tại cuộc họp báo thường kỳ chiều 17/3, trả lời câu hỏi về phản ứng của Việt Nam trước việc Bộ Ngoại giao Mỹ trao giải “Phụ nữ can đảm quốc tế” cho Phạm Thị Đoan Trang, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam là luôn bảo vệ và thúc đẩy các quyền cơ bản của người dân, trong đó có quyền của phụ nữ.

Bà Lê Thị Thu Hằng trả lời câu hỏi về phản ứng của Việt Nam trước việc Bộ Ngoại giao Mỹ trao giải “Phụ nữ can đảm quốc tế” cho Phạm Thị Đoan Trang.

Bà Hằng nhấn mạnh các nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong việc không ngừng đảm bảo và cải thiện các quyền con người trong thời gian qua đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết: “Việt Nam cho rằng việc Bộ Ngoại giao Mỹ trao giải thưởng cho bà Phạm Thị Đoan Trang, một cá nhân vi phạm pháp luật Việt Nam đã được đưa ra xét xử và đang chịu án phạt tù, là hành động thiếu khách quan, không phù hợp và không có lợi cho phát triển quan hệ hai nước”.

Bình luận về nhận xét này, trang mạng Việt Nam Thời Báo (VNTB) cho rằng người phát ngôn Bộ ngoại giao đã “buộc tội” Phạm Thị Đoan Trang và như vậy là không đúng. Căn cứ mà VNTB đưa ra là Điều 31 khoản 1 Hiến pháp 2013: “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật” và điều 343 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 nói về việc bản án có hiệu lực khi không bị kháng cáo, kháng nghị và đã hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Luận điệu “phản biện” ngờ nghệch của VNTB.

Tuy nhiên, thực tế là bà Lê Thị Thu Hằng chỉ nói Đoan Trang “vi phạm pháp luật Việt Nam”. Khái niệm “vi phạm pháp luật” khác với “có tội”. “Vi phạm pháp luật” là hành vi của một cá nhân được các cơ quan tố tụng tiến hành điều tra, xem xét và nhận định là hành vi vi phạm một điều luật nào đó. Ví dụ đơn giản như việc chạy xe máy vượt đèn đỏ cũng là hành vi vi phạm luật giao thông. Tùy theo từng trường hợp mà những hành vi này có thể rất nghiêm trọng hoặc chưa tới mức để cấu thành tội phạm, chưa tới mức khởi tố hình sự. Vì vậy, việc Việt Nam Thời Báo tự suy diễn “vi phạm pháp luật” thành “có tội” rồi quay sang chỉ trích bà Lê Thị Thu Hằng “vạ miệng” là hoàn toàn vô căn cứ.

Theo thông tin sau phiên tòa sơ thẩm ngày 14/12 thì đối tượng Phạm Thị Đoan Trang chắc chắn kháng cáo. Và như vậy, về mặt lý thuyết thì đây là bản án đúng pháp luật, chỉ chưa có hiệu lực thi hành. Tuy nhiên, dựa trên thực tế cách làm việc nghiêm minh của các cơ quan tư pháp Việt Nam, đặc biệt là trong các vụ án lớn, nghiêm trọng như của Phạm Đoan Trang, cộng với các chứng cứ rất rõ ràng thì bản án phúc thẩm có lẽ sẽ không có nhiều sự thay đổi. Lý do là bởi muốn kháng cáo và phản biện được, chỉ ra được các sai sót của cơ quan công tố trong việc áp dụng các điều luật thì các đối tượng như Đoan Trang phải hiểu và tôn trọng pháp luật, thay vì coi thường và thách thức pháp luật như cái cách mà họ đã và đang hành xử.

Phạm Đoan Trang tại tòa.

Cuối tháng 12/2021, trang mạng Tiếng Dân News cũng đăng tải hai đơn kháng cáo của Cấn Thị Thêu và Trịnh Bá Tư. Hai đối tượng này bị kết án về tội “làm tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin tài liệu, vật phẩm nhằm chống lại Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo quy định tại điểm a, b khoản 1 điều 117 BLHS. Trong đơn, đối tượng Cấn Thị Thêu cho rằng việc kết án bà ta là “sai, không đúng người, đúng tội. Vi phạm nghiêm trọng bộ luật tố tụng hình sự, vi phạm nghiêm trọng pháp luật Việt Nam, vi phạm công ước quốc tế”. Trong khi đó, Trịnh Bá Tư thì chỉ trích thẳng Đảng và Nhà nước, thể chế chính trị Việt Nam, vu vạ đất nước. Tóm lại, nội dung cả hai đơn kháng cáo đều không thể hiện sự tôn trọng pháp luật Việt Nam, tôn trọng các cơ quan chức năng và hoàn toàn thiếu hiểu biết về pháp luật. Và kết quả sau cùng không có gì lạ, tòa phúc thẩm đã tuyên y án với cả hai đối tượng này.

Cấn Thị Thêu coi thường, thách thức pháp luật ngay tại tòa.

Phạm Thị Đoan Trang thì còn công khai thách thức nhiều hơn. Ngay sau khi bị bắt vào cuối tháng 10/2021, đối tượng này nhờ đồng bọn đăng tải môt bức thư gọi là “Nếu tôi có đi tù”. Trong đó, Trang nói sẽ “không nhận tội, không xin khoan hồng” cũng như “không quan tâm đến số năm tù theo bản án”. Trong phiên tòa này, Trang cũng ra sức nói các luận điệu xuyên tạc, bôi nhọ Nhà nước và cơ quan công tố.

Với hành vi và lý lẽ coi thường, thách thức pháp luật như vậy, Phạm Thị Đoan Trang đã bị tòa sơ thẩm tuyên án 9 năm tù giam. Và nếu cứ dùng cách phản biện, bào chữa theo kiểu phủ nhận pháp luật như vậy thì thật khó có thể tưởng tượng Trang sẽ thoát tội, thậm chí là hoàn toàn có nguy cơ bị tăng án. Không biết Việt Nam Thời Báo sẽ nói gì khi Đoan Trang chính thức bị coi là “có tội” và phải bắt đầu thi hành bản án của mình? Dù sao, thật mỉa mai thay khi đây là một trong những lần hiếm hoi VNTB và các trang mạng xuyên tạc, chống phá “vận dụng” pháp luật Việt Nam. Hành động đó tương phản với các luận điệu nhảm nhí nhằm tô vẽ, bao biện cho Đoan Trang cũng do chính VNTB, Tiếng Dân News, RFA… tung ra trước đây. Phải chăng, các trang mạng đã bất ngờ “quay xe” mà biết tôn trọng pháp luật Việt Nam? Hay chẳng qua chỉ là “bấm bụng” viện dẫn chính những điều mà chúng ra sức đặt điều xuyên tạc khi lý lẽ đã cạn?

Thiết nghĩ, nếu các nước và mọi tổ chức đều tôn trọng tính nghiêm minh của pháp luật Việt Nam thì chắc hẳn sẽ không bao giờ có chuyện Trang được trao các giải thưởng vô lý theo kiểu “phụ nữ can đảm” hay “tự do truyền thông”, buộc Bộ Ngoại giao Việt Nam phải lên tiếng phản đối.

An Diễm

Bài tiếp theo
« Prev Post
Bài trước
Next Post »

Nghi son