Tổng số lượt xem trang

Người bị tình nghi có quyền mời Luật sư khi Công an triệu tập?

 

Tôi nhận được giấy triệu tập của cơ quan Công an tới để lấy lời khai, xác minh thông tin do bị tình nghi liên quan đến một vụ án. Vậy để bảo vệ quyền lợi bản thân, tôi có quyền mời luật sư đi cùng?

Về vấn đề này, Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng Luật sư Đồng Đội cho biết, khi bị cơ quan công an triệu tập mời lên làm việc, thì trước hết, cá nhân phải tự tìm hiểu quy định của pháp luật hoặc nhận sự trợ giúp về pháp lý từ người khác để biết được mình bị triệu tập vì lý do gì.

Cụ thể, căn cứ theo điểm d, khoản 1, Điều 37 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, điều tra viên có quyền triệu tập và hỏi cung bị can; triệu tập và lấy lời khai người tố giác, báo tin về tội phạm, người bị tố giác, kiến nghị khởi tố, người đại diện theo pháp luật của pháp nhân; lấy lời khai người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ; triệu tập và lấy lời khai của người làm chứng, bị hại, đương sự.

Người bị tình nghi có quyền mời Luật sư khi Công an triệu tập? - 1

Luật sư Trần Xuân Tiền.

Như vậy, người bị tình nghi khi bị triệu tập thường là người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố. Theo quy định tại Điều 83 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, thì người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố có quyền mời người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình khi tham gia tố tụng hình sự theo khoản 1 Điều 57 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015: "có quyền tự bảo vệ hoặc nhờ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình".

Bên cạnh đó, căn cứ Điều 83 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố là "… người được người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố nhờ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp", trong đó bao gồm Luật sư.

Do vậy, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố hoàn toàn có quyền mời Luật sư tham gia tố tụng để bảo vệ quyền lợi cho mình.

Theo Điều 7 Thông tư số 46/2019/TT-BCA, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố có quyền tham gia tố tụng khi có quyết định phân công giải quyết tố giác, kiến nghị khởi tố của cơ quan có thẩm quyền. Đồng thời, Điều 8 Thông tư này cũng quy định: "Trong lần đầu tiên lấy lời khai bị hại, đương sự, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, Điều tra viên, Cán bộ điều tra phải giải thích quyền, nghĩa vụ của bị hại, đương sự, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và hỏi họ xem có nhờ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp hay không, phải ghi ý kiến của họ vào biên bản."

Như vậy, ngay từ lần lấy lời khai đầu tiên khi bị triệu tập, Luật sư đã có quyền tham gia vào tố tụng hình sự khi được người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố mời. Luật sư có quyền tham gia vào giai đoạn tiền tố tụng.

Tuy nhiên, sau khi được mời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho họ, thì Luật sư cần phải thực hiện thủ tục đăng ký bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố để tham gia tố tụng. Cụ thể, Luật sư phải xuất trình Thẻ Luật sư kèm theo bản sao có chứng thực và giấy nhờ Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố căn cứ theo Điều 9 Thông tư trên.

Hải Hà (Theo báo điện tử Dantri.com.vn)

Bài tiếp theo
« Prev Post
Bài trước
Next Post »

Nghi son