Tổng số lượt xem trang

Tập trung nghiên cứu, phát triển, hoàn thiện lý luận về bảo vệ an ninh quốc gia trong thời kỳ mới

 

TCCS – Phát triển, hoàn thiện hệ thống lý luận về bảo vệ an ninh quốc gia là đòi hỏi xuất phát từ thực tiễn, được Đảng ta xác định là nhiệm vụ quan trọng trong thời kỳ mới. Đến nay, hệ thống lý luận về bảo vệ an ninh quốc gia đã được xây dựng tương đối toàn diện và có những đóng góp hết sức quan trọng vào thắng lợi của sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia.

Chú trọng chỉ đạo công tác lý luận

Chủ nghĩa Mác – Lê-nin đã chỉ ra rằng: “Không có lý luận cách mạng thì cũng không thể có phong trào cách mạng”(1), Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng từng khẳng định: “Không có lý luận về chủ nghĩa xã hội khoa học thì không thể có lập trường giai cấp vững vàng”(2), điều đó cho thấy giá trị to lớn và tầm quan trọng của lý luận. Chính C. Mác và Ph. Ăng-ghen từng lưu ý: “Lý luận của chúng tôi là lý luận của sự phát triển, chứ không phải là một giáo điều mà người ta học thuộc và lắp lại một cách máy móc”(3). Điều ấy có nghĩa rằng, tập trung nghiên cứu, phát triển, hoàn thiện lý luận, trung thành, vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa xã hội khoa học phù hợp với thực tiễn là điều mà các nhà kinh điển muốn nói với hậu thế. “Một cuộc cách mạng chỉ có giá trị khi nào nó biết tự vệ”(4) và những người cộng sản “Không cầm vũ khí bảo vệ nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa, thì chúng ta không thể tồn tại được”(5). Quán triệt quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lê-nin, Đảng ta luôn xác định nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia giữ vị trí quan trọng trong sự nghiệp cách mạng, trung thành và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh để lãnh đạo, chỉ đạo sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, đồng thời khẳng định rõ tầm quan trọng của việc nghiên cứu, phát triển, hoàn thiện lý luận về bảo vệ an ninh quốc gia.

Ngay từ những ngày đầu thành lập, Đảng đã ban hành các chỉ thị, nghị quyết để bảo vệ Đảng, bảo vệ cơ sở cách mạng, thành lập, lãnh đạo, chỉ đạo các đội Tự vệ đỏ, Tự vệ công nông, Tự vệ cứu quốc, Danh dự trừ gian, Danh dự Việt Minh… đấu tranh phòng, chống mật thám, chỉ điểm và bọn phản động tay sai. Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân, đế quốc, xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa, Đảng chủ trương “Tăng cường lực lượng công an thành một công cụ chuyên chính tuyệt đối trung thành với Đảng, có liên hệ mật thiết với quần chúng…, toàn Đảng phải nắm chắc lực lượng công an và phải coi việc tăng cường lực lượng công an là một nhiệm vụ chính trị quan trọng”(6); cùng với đó là chủ trương về đấu tranh với các thế lực thù địch, phản động âm mưu bạo loạn, chiến tranh tâm lý; phòng, chống hoạt động xâm nhập gián điệp, biệt kích, cài cắm nội gián, phá hoại nội bộ, bảo vệ trị an; lao động, sản xuất, phát triển kinh tế và phát động các phong trào bảo vệ an ninh, trật tự ở miền Bắc. Trên chiến trường miền Nam, Đảng chủ trương lãnh đạo, chỉ đạo kiên cường bám đất, bám dân, tham gia diệt ác, phá kìm, đấu tranh làm thất bại các hoạt động tình báo, gián điệp, các chiến dịch càn quét, “bình định”, “chiêu hồi” của Mỹ – ngụy; bảo vệ tuyệt đối Trung ương Cục, các căn cứ kháng chiến, các phong trào cách mạng, bảo vệ nhân dân, góp phần to lớn vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước… Các nghị quyết, chỉ thị, chủ trương của Đảng thời kỳ này đã sớm được giao Bộ Công an tổng kết thành quan điểm, phương châm, đặt nền móng hình thành lý luận về bảo vệ an ninh quốc gia, khoa học công tác công an sau này.

Bước vào thời kỳ đổi mới, ngày 30-8-1990, Bộ Chính trị ban hành Quyết định số 110-QĐ/TW, về việc thành lập Đảng ủy Công an Trung ương, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Bộ Chính trị, có vai trò giúp Trung ương Đảng nghiên cứu, đề xuất những vấn đề về đường lối, chính sách về bảo vệ an ninh quốc gia. Trong bối cảnh chủ nghĩa xã hội trên thế giới thoái trào, lâm vào khủng hoảng sâu sắc về mô hình và lý luận, ngày 28-3-1992, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TW, “Về công tác lý luận trong giai đoạn hiện nay”, định hướng cho công tác lý luận trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta trong đó có lý luận về lĩnh vực an ninh, quốc phòng; đồng thời, Hội nghị Trung ương 3 khóa VII đã kịp thời ban hành Nghị quyết “Về nhiệm vụ quốc phòng, bảo vệ an ninh quốc gia, chống “diễn biến hòa bình” của địch”. Đặc biệt, trên cơ sở phân tích, đánh giá, nhận định sâu sắc toàn diện, kỹ lưỡng về bối cảnh, cục diện thế giới và khu vực, tình hình trong nước tác động đến an ninh quốc gia, trên cơ sở kế thừa và phát triển các nghị quyết trước đây của Đảng, ngày 17-12-1998, Bộ Chính trị khóa VIII ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW, “Về Chiến lược an ninh quốc gia”. Đây là lần đầu tiên Đảng ban hành riêng một nghị quyết về chiến lược an ninh quốc gia, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, là cơ sở định hình rõ lý luận về bảo vệ an ninh quốc gia là một chủ thể độc lập, bộ phận cấu thành đặc biệt quan trọng trong hệ thống lý luận về bảo vệ Tổ quốc. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011) đã khẳng định: “Phát triển đường lối, nghệ thuật quân sự chiến tranh nhân dân và lý luận, khoa học an ninh nhân dân”(7). Lần đầu tiên trong Văn kiện của Đảng đề cập đến “khoa học an ninh”, xác định vị trí, vai trò quan trọng của khoa học an ninh trong tổng thể lý luận về bảo vệ Tổ quốc, xác định vị trí, tầm quan trọng cho công tác nghiên cứu, phát triển, hoàn thiện lý luận về bảo vệ an ninh quốc gia. Quán triệt quan điểm cơ bản của Đảng về xây dựng lý luận về bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ an ninh quốc gia, Đảng ủy Công an Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/ĐUCA, ngày 6-6-2012, về “Công tác lý luận Công an nhân dân trong tình hình mới”.

Trên cơ sở tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW, “Về Chiến lược an ninh quốc gia” và đề xuất của Đảng ủy Công an Trung ương, ngày 5-9-2019, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 51-NQ/TW, “Về Chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia”, là nghị quyết chuyên ngành rất quan trọng cụ thể hóa Nghị quyết số 28-NQ/TW, “Về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”. Nghị quyết số 51-NQ/TW, với nhiều điểm mới về mục tiêu, quan điểm, phương châm chỉ đạo và nhiệm vụ, giải pháp hết sức cụ thể, thể hiện tầm nhìn mới, chiến lược của Đảng đối với môi trường an ninh và phát triển của đất nước, nhấn mạnh yêu cầu “Hoàn thiện hệ thống lý luận về bảo vệ an ninh quốc gia”. Vấn đề này tiếp tục được khẳng định trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng: “Tiếp tục nghiên cứu, phát triển lý luận về quốc phòng, quân sự, an ninh, nghệ thuật quân sự, nghệ thuật bảo vệ an ninh quốc gia, an ninh xã hội trong tình hình mới”(8). Thực hiện Nghị quyết số 51-NQ/TW và quán triệt tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an đã tổng kết công tác lý luận Công an nhân dân giai đoạn 2011 – 2021, ban hành Nghị quyết số 10-NQ/ĐUCA và Chỉ thị số 05-CT/BCA, ngày 1-6-2022, về “Đẩy mạnh công tác lý luận Công an nhân dân đến năm 2030, định hướng đến năm 2035”.

Khối nữ cảnh sát cơ động đặc nhiệm tham gia Lễ xuất quân bảo vệ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng _Nguồn: vnexpress.net

Hệ thống lý luận về bảo vệ an ninh quốc gia từng bước được hoàn thiện

Từ thực tiễn cách mạng, tổng kết lý luận về xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, quán triệt sâu sắc, toàn diện các quan điểm của Đảng, hệ thống lý luận về bảo vệ an ninh quốc gia được hình thành, nghiên cứu bổ sung, phát triển và ngày càng hoàn thiện. Từ bước đầu nhận thức về an ninh quốc gia được xác định chủ yếu là an ninh chính trị, bảo vệ an ninh quốc gia chủ yếu là phòng ngừa, đấu tranh với âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động. Nghị quyết số 51-NQ/TW, của Bộ Chính trị, “Về Chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia” đã mở rộng khái niệm: An ninh quốc gia là sự vững mạnh, trường tồn của Đảng, sự ổn định, phát triển bền vững về mọi mặt của đất nước, chế độ xã hội chủ nghĩa và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; là sự ổn định về chính trị, về biên giới, chủ quyền lãnh thổ và an ninh, an toàn xã hội. Nghị quyết số 51-NQ/TW cũng cho thấy, tư duy về an ninh quốc gia được hiểu không chỉ là trạng thái vững vàng, ổn định của một chủ thể chính trị độc lập, có chủ quyền trong quan hệ quốc tế, mà còn bao hàm cả sức mạnh tổng hợp và khả năng ứng phó linh hoạt của quốc gia trước các mối đe dọa bên trong và bên ngoài nhằm bảo đảm trạng thái vững mạnh, ổn định của quốc gia, khu vực và toàn cầu. Từ đó, nội hàm “bảo vệ an ninh quốc gia” được mở rộng không chỉ phòng, chống âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch, mà còn chủ động xây dựng tiềm lực an ninh quốc gia; đó là khả năng về nhân lực, vật lực, tài chính, tinh thần ở trong và ngoài nước có thể huy động để bảo đảm trạng thái bình yên của đất nước, sự ổn định vững chắc của chế độ. Tư duy về phạm vi, mục tiêu bảo vệ an ninh quốc gia không chỉ bó hẹp trong các vấn đề an ninh chính trị, quân sự truyền thống, mà còn bao quát cả những vấn đề an ninh phi truyền thống. Bảo vệ an ninh quốc gia ngày nay đã chuyển từ tư duy thụ động, bó hẹp, khép kín, biệt lập sang chủ động, hợp tác và phát triển; chủ động bảo vệ an ninh quốc gia từ sớm, từ xa, từ trước, tạo vành đai an ninh từ ngoài lãnh thổ, biên giới hành chính quốc gia, bảo vệ an ninh không gian mạng, vùng trời, dưới lòng đất…

Tư tưởng phát huy sức mạnh tổng hợp được cụ thể hóa trong tư duy lý luận về bảo vệ an ninh quốc gia. Đó là sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của toàn dân, kết hợp sức mạnh của thời đại, sức mạnh trong và ngoài nước được huy động để bảo vệ an ninh quốc gia; chú trọng xây dựng nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân, thế trận lòng dân vững chắc. Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định: “Giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước đối với Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và sự nghiệp quốc phòng, an ninh”(9). Cùng với đó, tư duy về vai trò của quần chúng nhân dân trong bảo đảm an ninh quốc gia được khẳng định rõ ràng hơn: Chú trọng an ninh, an toàn là một trong những yếu tố hàng đầu trong cuộc sống của người dân. Nhân dân là mục tiêu, đối tượng phục vụ cao nhất đối với sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia. Nhiều vấn đề lý luận mới được nghiên cứu phát triển phù hợp với bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng: Lý luận về bảo đảm an ninh trên lĩnh vực đối ngoại, an ninh xã hội; lý luận về bảo đảm an ninh kinh tế, an ninh văn hóa, tư tưởng ngày càng được hoàn thiện phù hợp với bối cảnh mới; lý luận về xây dựng nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân, thế trận lòng dân; lý luận về ứng phó với các nguy cơ đe dọa an ninh phi truyền thống; bảo đảm an ninh con người được tổ chức nghiên cứu bài bản và đạt được những kết quả quan trọng. Một số nguy cơ đe dọa an ninh phi truyền thống cùng với hệ thống các phương pháp, biện pháp ứng phó được nghiên cứu, luận giải dưới nhiều góc độ, nhiều cách tiếp cận, như biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, khan hiếm nguồn lực, dịch bệnh; khủng hoảng tài chính, an ninh mạng, tội phạm xuyên quốc gia; chủ nghĩa khủng bố, xung đột sắc tộc, tôn giáo, văn hóa…

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc nghiên cứu, phát triển, hoàn thiện lý luận về bảo vệ an ninh quốc gia còn một số hạn chế: Định hướng xây dựng nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân, thế trận lòng dân đã được nêu ra trong các nhiệm kỳ Đại hội Đảng gần đây; vấn đề xây dựng tiềm lực an ninh quốc gia đã được đề cập đến trong Nghị quyết số 51-NQ/TW, nhưng việc nghiên cứu, phát triển còn chưa tương xứng. Công tác nghiên cứu thể chế hóa đường lối bảo vệ an ninh quốc gia của Đảng để ban hành các quy định của pháp luật về bảo vệ an ninh kinh tế, bảo đảm an ninh mạng, an ninh con người chưa theo kịp tình hình. Một số vấn đề an ninh phi truyền thống chậm được triển khai nghiên cứu nhận diện, chủ động các giải pháp ứng phó.

Lễ ký chương trình phối hợp giữa Bộ Công an và Hội đồng Lý luận Trung ương _Ảnh: cand.com.vn

Phương hướng nghiên cứu, hoàn thiện lý luận về bảo vệ an ninh quốc gia trong thời kỳ mới

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế mở ra những thời cơ, vận hội chưa từng có, đồng thời cũng xuất hiện những thách thức to lớn đối với nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia; bên cạnh những vấn đề an ninh truyền thống vừa cơ bản, vừa cấp bách, xuất hiện nhiều vấn đề mới về an ninh phi truyền thống, chưa từng có tiền lệ. Thực tiễn đặt ra đối với việc nghiên cứu, hoàn thiện lý luận về bảo vệ an ninh quốc gia cần bảo đảm các mục tiêu cơ bản sau: Một là, tạo cơ sở chính trị để bổ sung, hoàn thiện đường lối bảo vệ an ninh quốc gia của Đảng trong bối cảnh quốc tế mới; hoàn thiện cơ chế thực hiện phương thức Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia thống nhất, xuyên suốt từ Trung ương đến cơ sở. Hai là, tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy Công an Trung ương trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia; xây dựng, hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa Đảng ủy Công an Trung ương với các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo các mặt công tác bảo đảm an ninh, trật tự và xây dựng lực lượng Công an nhân dân. Ba là, phát huy trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát công tác bảo vệ an ninh quốc gia; chịu trách nhiệm chính và trước hết trong xử lý vấn đề an ninh ở lĩnh vực, địa phương mình. Bốn là, tạo cơ sở tiếp tục thể chế hóa đường lối bảo vệ an ninh quốc gia của Đảng, cụ thể hóa Hiến pháp về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa theo hướng tăng cường kiểm soát quyền lực nhà nước trong thi hành các biện pháp bảo đảm an ninh, trật tự. Năm là, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, hoạt động của chính quyền các cấp, bảo đảm thực hiện nghiêm quy định của Hiến pháp, pháp luật về bảo vệ an ninh quốc gia. Sáu là, nhận thức rõ hơn về xây dựng, củng cố nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân, kết hợp chặt chẽ với nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc; thiết lập thế trận an ninh liên hoàn. Bảy là, xây dựng lực lượng Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số lực lượng tiến thẳng lên hiện đại.

Để thực hiện các mục tiêu trên, nghiên cứu, hoàn thiện lý luận về bảo vệ an ninh quốc gia trong thời kỳ mới cần tập trung vào những vấn đề trọng tâm sau:

Thứ nhất, tiếp tục kiên định vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm của Đảng trong nghiên cứu, hoàn thiện lý luận về bảo vệ an ninh quốc gia.

V.I Lê-nin chỉ rõ rằng: Lý luận của Mác chỉ đặt nền móng cho môn khoa học mà những người xã hội chủ nghĩa cần phải phát triển hơn nữa về mọi mặt, nếu họ không muốn trở thành lạc hậu đối với cuộc sống. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cùng với quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đang là hai xu thế lớn, chi phối sâu sắc tiến trình phát triển của nhân loại, mở ra một thời kỳ mới với những đột phá công nghệ diễn ra nhanh chóng trong nhiều lĩnh vực, sẽ tác động trực tiếp đến lợi ích, an ninh quốc gia của Việt Nam. Điều đó càng cho thấy ý nghĩa giá trị và tầm quan trọng trong việc tiếp tục kiên định chủ nghĩa Mác – Lê-nin với tư cách là kim chỉ nam cho chúng ta tiếp tục nhận thức chân lý, không ngừng việc nghiên cứu, hoàn thiện lý luận về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm phù hợp với xu thế thời đại, cũng như yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia trong thời kỳ mới để định hướng tập trung nghiên cứu bổ sung các khái niệm về an ninh toàn diện, an ninh tổng thể trong hệ thống khái niệm, phạm trù về an ninh quốc gia; chú trọng nghiên cứu luận giải nhận thức mới, tư duy mới về an ninh quốc gia, phát triển lý luận an ninh, nghệ thuật bảo vệ an ninh quốc gia, an ninh xã hội, an ninh con người, xây dựng lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia… đã đề ra trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Thứ hai, nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện lý luận về bảo vệ an ninh quốc gia gắn kết chặt chẽ với nghiên cứu lý luận, tổng kết các chiến lược quốc phòng, quân sự, ngoại giao, trọng tâm là tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; phối hợp tham gia tổng kết, nghiên cứu lý luận chuyên ngành trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa – xã hội phục vụ bổ sung, hoàn thiện lý luận về bảo vệ an ninh quốc gia.

Quán triệt và thực hiện nghiêm túc quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị, hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, tập trung nghiên cứu cơ sở lý luận – thực tiễn về những vấn đề bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; bảo vệ an ninh quốc gia, giữ vững ổn định chính trị – xã hội phục vụ công cuộc xây dựng, phát triển đất nước trong bối cảnh mới, thời kỳ mới. Xác định đúng vai trò, vị trí cấu thành đặc biệt quan trọng của bảo vệ an ninh quốc gia trong Chiến lược bảo vệ Tổ quốc, mối quan hệ biện chứng về kết hợp giữa hai nhiệm vụ an ninh, quốc phòng, nội hàm bảo vệ an ninh quốc gia trong Chiến lược bảo vệ Tổ quốc theo quan điểm của Đảng về “bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa; giữ nước từ khi nước chưa nguy”. Tiếp tục phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các bộ, ban, ngành liên quan, nhất là Hội đồng Lý luận Trung ương, Bộ Quốc phòng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Tạp chí Cộng sản… đẩy mạnh nghiên cứu vấn đề lý luận trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, quân sự, đối ngoại để từ đó rút ra các vấn đề cần bổ sung, phát triển lý luận về bảo vệ an ninh quốc gia trong thời kỳ mới.

Thứ ba, Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an tập trung quán triệt và chỉ đạo triển khai có hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng(10), Nghị quyết số 37-NQ/TW, ngày 9-10-2014, của Bộ Chính trị “Về công tác lý luận và định hướng nghiên cứu đến năm 2030”, Nghị quyết số 51-NQ/TW, ngày 5-9-2019 của Bộ Chính trị “Về Chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia”, Nghị quyết số 10-NQ/ĐUCA, ngày 1-6-2022 của Đảng ủy Công an Trung ương về “Đẩy mạnh công tác lý luận Công an nhân dân đến năm 2030, định hướng đến năm 2035” và Chỉ thị số 05/CT-BCA-V04, ngày 1-6-2022, của Bộ trưởng Bộ Công an về “Đẩy mạnh công tác lý luận Công an nhân dân đến năm 2030, định hướng đến năm 2035”. Tổ chức rà soát, đánh giá thực trạng hệ thống lý luận Công an nhân dân và lý luận trên từng lĩnh vực an ninh, trật tự, kết hợp nghiên cứu dự báo, đánh giá thực tiễn, xây dựng chiến lược tổng thể, dài hạn về phát triển lý luận Công an nhân dân, định hướng trọng tâm bổ sung, hoàn thiện lý luận về bảo vệ an ninh quốc gia bám sát việc triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 12-NQ/TW, ngày 16-3-2022, của Bộ Chính trị khóa XIII “Về đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới”.

Thứ tư, hoàn thiện lý luận về bảo vệ an ninh quốc gia phục vụ chủ động hội nhập quốc tế, tích cực tham gia các diễn đàn đa phương, cơ chế hợp tác an ninh.

Quán triệt sâu sắc quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng ngày 14-12-2021, về “trường phái đối ngoại và ngoại giao rất đặc sắc và độc đáo của thời đại Hồ Chí Minh, mang đậm bản sắc dân tộc “cây tre Việt Nam”, “gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển”, thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam”(11) để vận dụng đúng đắn, sáng tạo, nghiên cứu bổ sung phát triển, hoàn thiện lý luận về bảo vệ an ninh quốc gia trong tiến trình hội nhập quốc tế với phương châm “hiểu người”, “biết ta”, coi trọng nghiên cứu những bài học và kinh nghiệm quốc tế, tập trung làm rõ nội hàm, chiến lược, nội dung, phương pháp, “đối tượng”, “đối tác”, các vấn đề an ninh phi truyền thống mang tính toàn cầu hiện nay, làm cơ sở vững chắc để triển khai hiệu quả công tác đối ngoại, hợp tác an ninh trong thời kỳ mới./.

————————–

(1) V.I. Lê-nin: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2005, t. 6, tr. 30
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 15, tr. 113
(3) C. Mác và Ph. Ăng-ghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1999, t. 36, tr. 796
(4) V.I.Lê-nin: Toàn tậpSđd, t. 37, tr. 145
(5) V.I.Lê-nin: Toàn tậpSđd, t. 38, tr. 165
(6) Nghị quyết số 40-NQ/TW, ngày 20-1-1962, của Bộ Chính trị khóa III, “Về vấn đề củng cố và tăng cường lực lượng công an”
(7) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 82
(8) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 159
(9) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIIISđd, t. I, tr. 160 – 161
(10) Văn kiện Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ: “Tiếp tục nghiên cứu, phát triển lý luận về quốc phòng, quân sự, an ninh, nghệ thuật quân sự, nghệ thuật bảo vệ an ninh quốc gia, an ninh xã hội trong tình hình mới”. Xem: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIIISđd, t. I, tr. 159
(11) Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, tr. 14

Bài tiếp theo
« Prev Post
Bài trước
Next Post »

Nghi son