Tổng số lượt xem trang

Che Guevara – Tượng đài cách mạng bất tử

Vào ngày này 92 năm trước, 14/06/1928, Ernesto Che Guevara – một trong những nhà hoạt động cách mạng vĩ đại nhất thế kỷ XX đã được chào đời tại Rosario, Argentina.
Dù sinh ra ở Argentina, nhưng giờ đây ở Cuba và các nước Mỹ Latin, người dân vẫn còn gọi Ernesto Che Guevara là “Hiệp sĩ của cách mạng châu Mỹ Latinh” bởi lẽ, Che đã giành cả cuộc đời mình để đấu gianh, giúp đỡ và giải phóng nhân dân bị áp bức trên khắp thế giới.
Nửa thế kỷ sau khi bị á.m s.á.t tại La Higuera, Bolivia, “Che” Guevara vẫn tiếp tục là một trong những hình ảnh chính trị mang tính toàn cầu nhất. Hầu như ở mọi phong trào xã hội trên thế giới đều xuất hiện hình ảnh mang tính biểu tượng của “Người du kích anh hùng”.
Có một chi tiết đáng chú ý, đó là năm 2 tuổi Che bị viêm phổi nặng, làm khởi phát căn bệnh khác, mà như mẹ Che nói, là một yếu tố rất quan trọng cấu thành nên ý chí sắt đá của ông, là hen suyễn.
Từ khi biết mình bị hen suyễn, Che đã tuyên chiến với căn bệnh quái ác và đã bắt đầu tập luyện các môn thể thao mà thường thì người ta cấm những người mắc bệnh hen suyễn tập như: Bóng đá, chạy, bơi lội, đấu kiếm, leo núi, võ thuật, bơi thuyền… Sự can đảm, coi khinh cái chết đã xuất hiện ở ông từ khi còn là cậu bé.
Vì thương người nghèo, cậu bé Che yêu cầu gia đình sau khi ăn cơm tối, để lại những phần ăn, nhà không đóng cửa để đón nhận những người vô gia cư để nuôi ăn, dạy dỗ và chữa bệnh cho họ hàng tuần. Dù ở đâu, cậu cũng tìm những đứa trẻ mất bố mẹ sau trận động đất kinh khủng đưa về nhà mình, chăm sóc. Thế nên không ai trong gia đình phải ngạc nhiên khi Che sau đó trở thành sinh viên trường y.
Nhiều bạn bè của Che mỗi lần gặp nhau đều nói: Lòng thương yêu người nghèo khổ của Che Guevara thật bao la, khi Che còn là sinh viên y khoa và sau đó là một bác sĩ trẻ. Một thời gian dài, ông đã đến trại phong hủi để cùng sống với những bệnh nhân. Ở đó, Che không chỉ chữa bệnh, giải phẫu cho họ mà còn tập cho họ chơi bóng đá và nhảy vũ hội, bơi để sống cùng những tiếng cười
Hoàn thành chương trình học không mấy khó khăn, ngày 16 tháng 6 năm 1953 tốt nghiệp bác sĩ, Che lại tiếp tục cuộc hành trình trở lại châu Mỹ Latinh cùng với Carlos Calica Ferre, một người bạn thân từ nhỏ ở Córdoba.
Che đã cùng bạn mình có chuyến hành trình xuyên châu Mỹ Latinh. Chuyến đi bắt đầu ngày 7 tháng 7 năm 1953, hai người đi xe lửa tới Bolivia, họ tới thủ đô Lapaz vào ngày 24 cùng tháng. Lúc này tình hình chính trị ở quốc gia này rất căng thẳng. Vài tháng sau, hai người lại đi chu du khắp Peru, Ecuador, rồi Costa Rica, sau đó ở lại Guatemala trong khoảng 9 tháng. Tại đây, Che đã gặp Hilda Gadea, một phụ nữ Peru lưu vong, người sau này đã trở thành người vợ đầu tiên của ông. Cô đã giới thiệu hai người với những người Cuba trong phong trào 26 tháng 7, đang sống lưu vong tại đây, trong số đó có Nico Lopez, người mà về sau đã đặt cho anh biệt danh Che.
Năm 1964, có một người ở Casablanca tên là Maria Rosario Guevara có gửi thư cho Che, hỏi rằng dòng họ Guevara của anh bắt nguồn từ đâu. Che đã viết thư trả lời rằng: “Thưa bà! Thành thật mà nói thì tôi cũng không biết đích xác tổ tiên của tôi đã từ miền nào của Tây Ban Nha đến đây. Họ đã rời nơi chôn rau cắt rốn của mình từ rất lâu rồi… Tôi không nghĩ rằng bà và tôi là những người có họ hàng gần với nhau, nhưng nếu bà có thể run người lên vì phẫn nộ mỗi khi có sự bất công xảy ra trên thế giới này, thì tôi với bà là đồng chí của nhau, mà điều đó thì quan trọng hơn rất nhiều.”
Chính từ bức thư này đã xuất hiện câu nói “Khi bạn tức giận run người trước những bất công thì bạn là đồng chí của tôi” mà ngày nay người ta vẫn thường trích và chú thích như là một trong những câu nói nổi tiếng của Che.
Cũng sau chiến thắng của cách mạng Cuba, có người đã hỏi Che rằng anh đối với cái tên mới (-El Che) của mình như thế nào, Che đã trả lời: “Đối với tôi, “Che” có nghĩa là cái quan trọng nhất, quý báu nhất trong đời mình. Khác nữa thì không thể có. Tên và họ của tôi chỉ là một cái gì đó nhỏ bé, riêng tư, không đáng kể.
  • Dành cả cuộc đời mình để nỗ lực: “Tạo ra một, hai, ba và rất nhiều Việt Nam.”
Trong cuộc đời ngắn ngủi của mình, Che Guevara đã làm hầu như tất cả những công việc mà người đàn ông có thể làm. Là người con trai trong gia đình, người chiến sĩ, người chỉ huy, người lãnh đạo Nhà nước, nhà báo, nhiếp ảnh, nhà văn, nhà thơ, thuỷ thủ, lái xe, kỹ sư chế tạo máy, nhân viên trạm bán xăng dầu, giáo viên, nhà nghiên cứu, cán bộ khoa học, người cộng sản, nhà ngoại giao, chủ ngân hàng, nhà tu hành khổ hạnh, bác sĩ, nhà khảo cổ, nhà dân tộc học, báo cáo viên trước Liên Hợp Quốc, một tù nhân…
Trong những thắng lợi của đội quân du kích Fidel Castro có sự đóng góp rất lớn của Che. Cống hiến chính của Che là thực hiện cải cách ruộng đất ở các vùng du kích chiếm giữ được, đưa nông dân vào đội quân cách mạng. Cống hiến thứ hai của ông là thiết lập pháp chế ở các vùng do ông trong vai trò là người chỉ huy, ngăn chặn cướp bóc và quậy phá. Chính vì vậy sau khi cách mạng thành công, ông được lãnh tụ Fidel Castro ủy nhiệm lãnh đạo các ngành nông nghiệp và ngân hàng, rồi sau đó là ngành công nghiệp…
Trên cương vị công tác của mình, Che đã quên ngủ, quên ăn đi khắp đất nước Cuba tiến hành các hội nghị, hội thảo, bàn về khôi phục kinh tế, phát triển nông nghiệp, điện khí hóa và thậm chí về vật lý hạt nhân. Ngay từ hồi ấy Che đã mơ ước xây dựng nhà máy điện nguyên tử ở Cuba. Tự ông đã thiết kế máy liên hợp chặt mía. Tự ông thí nghiệm và tự mình lái máy để chặt mía sau ngày làm việc ở Bộ, tổ chức liên tục các ngành làm việc thứ bảy, chủ nhật ở các cơ quan và xí nghiệp thuộc quyền mình.
Để góp phần giảm nhẹ khó khăn cho nền kinh tế Cuba trong những năm đầu cách mạng, với nhiệm vụ và chức vụ của mình, Che đã phải đi khắp thế giới để tìm kiếm viện trợ cho hòn đảo tự do. Khi là Bộ trưởng ở Chính phủ Cuba, ngoài số tiền lương hàng tháng, rất khiêm tốn 120 USD, Chính phủ đã trợ cấp thêm một khoản tiền cho ông, nhưng trong một cuộc họp của lãnh đạo, ông đề nghị không cấp thêm tiền cho ông và đã được chấp nhận.
Tháng 3 năm 1963, mặc dù bị bệnh hen hành hạ từ nhỏ, Che quyết định từ nhiệm mọi cương vị kể cả quyền công dân Cuba để lên đường thực hiện mong muốn tiếp tục được cống hiến cho sự nghiệp tranh đấu giành tự do của các dân tộc bị áp bức. Ông từ biệt vợ con để lên đường tiếp tục cuộc cách mạng giải phóng Mỹ Latinh, để “Tạo ra một, hai, ba và rất nhiều Việt Nam” – như lời ông nói – vào thời khắc cuộc chiến tranh chống Mỹ ở Việt Nam bước sang giai đoạn quyết liệt.
Quyết định ra đi được đưa ra vào đúng lúc con đường công danh đang rộng mở đối với Che khiến dư luận không khỏi hồ nghi có những khuất tất. Đã không ít ý kiến cho rằng: đằng sau sự ra đi đó có sự ép buộc khiên cưỡng của 2 anh em nhà Castro… Tuy nhiên, trong bức thư gửi Chủ tịch Fidel mà sau được chính Fidel đọc trong buổi lễ thành lập Đảng Cộng sản Cuba, Che đã nói rõ việc ông thôi giữ cương vị lãnh đạo là hoàn toàn tự nguyện, thể theo tiếng gọi của trái tim yêu tự do, khao khát hòa bình và cống hiến cho sự nghiệp cách mạng, sự nghiệp giải phóng loài người khỏi áp bức và bất công. Thư viết:
“Tôi cảm thấy đã hoàn thành phần nghĩa vụ của mình liên quan đến cách mạng Cuba trên lãnh thổ Cuba và tôi xin từ biệt anh, từ biệt các đồng chí, từ biệt nhân dân của anh, mà cũng đã trở thành của tôi. Tôi chính thức từ bỏ mọi chức vụ trong ban lãnh đạo đảng, chức bộ trưởng, cấp bậc tư lệnh, tư cách là người Cuba…
Những miền đất khác trên thế giới đang đòi hỏi sức lực khiêm tốn của tôi… Tôi để lại một đất nước đã chấp nhận tôi như một người con… Trên những chiến trường khác tôi sẽ mang theo niềm tin mà anh đã vun đắp cho tôi, mang theo tinh thần cách mạng của nhân dân tôi, mang theo ý chí thực hiện nghĩa vụ quan trọng nhất: chiến đấu chống lại chủ nghĩa đế quốc ở bất kỳ nơi nào…
Dù đến bất cứ đâu, tôi cũng sẽ cảm nhận trách nhiệm của một người cách mạng Cuba và sẽ hành động như vậy…
Hẹn đến ngày toàn thắng. Tổ quốc hay là chết!”
  • Tình yêu của người chiến sĩ cách mạng.
Che, có thể coi là một người “khắc kỷ” với bản thân mình, nhưng sâu trong con người anh là một tâm hồn rất lãng mạn, và chứa chan tình cảm dành cho đồng chí, bạn bè, vợ con, và rộng hơn là cho những người bị áp bức bóc lột mà anh đã gặp trên những chặng đường cách mạng của mình.
“Anh luôn mang em theo trong tim mình – Và chúng ta sẽ đi cùng nhau cho đến khi con đường biến mất…” – Aleida March, người vợ thứ 2 của huyền thoại Che Guevara, đã chọn những dòng thơ đầy xúc cảm và dạt dào yêu thương của Che để dẫn dắt người đọc cùng bà trở về với một “tình yêu vĩ đại”
Ký ức trở về bắt đầu từ “cuộc gặp gỡ định mệnh” của bà và Che Guevara tại dãy núi Escambray. Khi ấy, bà đến gặp Che thực hiện nhiệm vụ đặc biệt của một nữ du kích và không hề nghĩ cuộc đời bà sẽ “rẽ theo một hướng khác”, thay đổi hoàn toàn. Những chuyến công tác cùng nhau đã kết nối 2 người. Trước Aleida, Che đã có một đời vợ. Aleida không giấu cảm xúc của những lúc nghĩ về quá khứ hôn nhân của Che, cũng như không ngần ngại kể lại cách Che đã “rào trước đón sau” khi bộc bạch về cuộc sống cá nhân, rồi bất ngờ tỏ tình với bà khi 2 người có được khoảng thời gian bên nhau ngắn ngủi.
Chọn yêu một người anh hùng gánh trên vai lý tưởng cách mạng cũng có nghĩa là người nữ du kích bé nhỏ Aleida chấp nhận tỏa trái tim mình cho một tình yêu lớn hơn, yêu bằng sự cho đi bao dung và can trường.
Khi Che bí mật rời Cuba đi chiến đấu, ngoài Fidel và vợ anh, chỉ có một vài người thân cận được biết việc này. Che thay đổi hình dạng, và cải trang với một hộ chiếu giả để che mắt các cơ quan tình báo nước ngoài. Trước khi Che lên đường, mấy ngày cuối cùng là khoảng thời gian xúc động với mọi người, nhưng đáng nhớ và xúc động nhất là buổi gặp gỡ cuối cùng của Che với Aleida và các con, khi họ được đưa đến căn cứ huấn luyện bí mật để gặp Che. Che lúc này vẫn cải trang chứ không phải như là người cha mà lũ trẻ thường thấy, anh được giới thiệu là “chú Ramon”. Anh nói với lũ trẻ là anh mang theo một tin của cha chúng – người đã đi vắng một thời gian dài, rằng anh mới gặp cha chúng gần đây, và có nhờ anh chuyển quà cho từng đứa. Họ ăn trưa cùng với nhau, với ‘chú Ramon” ngồi ở đầu bàn ăn, giống như “ba Che” vẫn thường ngồi.
Điều lớn nhất mà Che có thể làm với các con của mình là bảo từng đứa hãy hôn anh một cái “để chú chuyển cho ba Che của các cháu”. Khi ấy, cô con gái 5 tuổi của anh, Aliusha, chạy tới và hôn vội lên má anh rồi chạy về bên Aleida March và thì thầm với mẹ: “ Mẹ ơi, con nghĩ là chú này yêu con lắm”. Che thoáng nghe thấy lời nói đó của con gái, và khi đó ngay lập tức đôi mắt của anh ướt nhòe những giọt nước mắt. Aleida, vợ Che cũng rất xúc động, nhưng cố kìm nén những giọt nước mắt của mình cho đến khi cô chạy khuất ra ngoài cửa để lũ trẻ không nhìn thấy.
Và rồi, “chú Ramon” vẫy tay chào từ biệt với vợ và các con. Đó là lần cuối cùng họ nhìn thấy nhau, và như trong lá thư gửi cho các con mình ( đã chỉ được công bố sau ngày anh hy sinh) Che có viết rằng: “Các con sẽ chẳng nhớ mấy về cha, và em bé út sẽ chẳng nhớ gì cả.”
Cũng trong thời kỳ chiến tranh du kích ở chiến khu Sierra Maestra, có một câu chuyện được Che ghi lại trong Nhật ký Sierra Maestra của mình. Đó là một lần quân đội Batista càn quét khu căn cứ nhằm tiêu diệt quân khởi nghĩa. Với quân số và v.ũ k.h.í ít hơn, đội quân của Che thường dùng cách đánh du kích để chống càn và tổ chức những trận phục kích tiêu diệt quân địch. Đội du kích của Che có một chú chó săn con, bị buộc ở lều nhưng dứt đứt dây chạy theo các chiến sỹ du kích. Khi đội du kích tiến hành ẩn nấp và tổ chức phục kích tại một hẻm núi, trong khi quân địch đang tiến tới, chú chó con mắc vào bụi gai và sủa ầm ĩ. Che phải ra lệnh cho một chiến sỹ “không được để cho nó sủa nữa” để giữ bí mật và đảm bảo an toàn cho đội du kích. Trong Nhật ký của mình, Che đã mô tả về nỗi buồn hết sức nặng nề và cảm thấy có lỗi với việc này: “Nỗi xúc động trào dâng trong lòng tất cả chúng tôi. Chú chó con bị g.i.ế.t như đang nhìn chúng tôi qua cặp mắt hiền lành, và trong đó có thể đọc thấy sự trách móc.”
Sau này, Che có viết một truyện ngắn có tựa đề “Chú chó con bị g.i.ế.t” đăng trên báo. Năm 1963, tập Nhật ký Sierra Maestra của Che được chính phủ Cuba biên tập và xuất bản thành tập sách lịch sử “Những mẩu chuyện chiến tranh cách mạng”.
  • Những ngày tháng cuối cuộc đời: Tinh thần Che mãi bất tử
Đầu tháng 4/1963, Che cùng một số người khác rời Cuba đi Congo. Tại đây, sau những dự định không thành, họ đã rút đi (tháng 11 /1965). Tháng 3/1966 Che đến Praha (Tiệp Khắc), rồi bí mật trở về Cuba (tháng 7/1966) lên kế hoạch cho chiến dịch Bolivia.
Đầu tháng 10 năm 1967, Che và một số chiến hữu dùng thông hành giả để đến La Paz (thủ đô của Bolivia). Từ La Paz họ bí mật vào rừng thành lập một nhóm du kích quân, với mục đích tạo nên một hạt nhân đấu tranh thí điểm nhằm giải phóng cả châu Mỹ Latinh. Sau 11 tháng hoạt động – từng chi tiết hoạt động được Che ghi lại trong nhật ký mà sau này được phổ biến rộng rãi với tên “Nhật ký của Che Guevara tại Bolivia”
Với chiến thuật phục kích, tổ chức của Che đã giành thắng lợi một số trận nhỏ. Nhưng do có phần tử nội phản, căn cứ và hoạt động của tổ chức bị phát hiện. Tránh sự truy quét của kẻ địch, tổ chức quyết định chuyển căn cứ. Tổ chức của ông bị cô lập. Mọi người bị thiếu lương thực trầm trọng và bệnh tật. Chính ông bị cơn suyển là căn bệnh cố hữu hành hạ mỗi lúc một nguy ngập vì thiếu thuốc men. Cả nhóm phải g.i.ế.t ngựa, lừa là phương tiện tải quân trong rừng, để ăn. Các đồng chí thân cận bên ông dần dần bị tử trận. Cuối cùng, ông bị bắt ngày 7/10/1967 trong tình trạng bị thương ở chân, sau một cuộc giao tranh trong lúc ông và các chiến hữu đang tìm đường thoát ra khỏi rừng ở vùng Quebrada del Yuro. Ông thậm chí không thể tự sát: khẩu carbine của ông đã bị một loạt đạn pháo bắn nát. Ông bị giam giữ suốt đêm tại ngôi trường trong làng. Trong tình trạng tuyệt vọng, Che vẫn giữ vững niềm tin về tính đúng đắn của sự nghiệp mà ông theo đuổi.
Lời nói cuối cùng của ông với Mario Teran, người thực hiện lệnh xử bắn là: “Cứ bắn đi, đồ hèn, cùng lắm chúng mày chỉ g.i.ế.t được một con người thôi.”
Để làm cho các vết thương do đạn có vẻ khớp với câu chuyện chính thức công bố, Felix Rodriguez đã lệnh cho người xạ thủ ngắm bắn cẩn thận để các vết thương này trông giống như thể Che đã bị g.i.ế.t trong một cuộc chạm súng với quân đội Bolivia, và như vậy sẽ giúp che giấu vụ á.m s.á.t bí mật. Sau đó họ còn chặt đi một bàn tay của Che.
Bàn tay này sau đó được gửi cho lãnh đạo Cuba Fidel Castro nhằm uy hiếp ông. Một nhân viên CIA còn cắt một lọn tóc và lấy đi một số kỉ vật của ông (cuối năm 2007, lọn tóc được bán đấu giá hơn 100 ngàn USD, trong khi lọn tóc của cố Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln trước đây chỉ đấu giá được 25.000 USD)
Chính quyền Barrientos chôn giấu xác ông, và mãi đến ba mươi năm sau, vào ngày 17 tháng 10 năm 1997, hài cốt ông cùng bảy người khác tại một ngôi mộ tập thể không được đánh dấu mới được khai quật và tìm thấy, mang về Cuba và mai táng tại Santa Clara, nơi ông đã lập chiến công lớn ở đó, quyết định sự thành công của Cách mạng Cuba.
Trong tài liệu được giải mật gần đây gửi Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là Lyndon B. Johnson, cố vấn cao cấp Walt Rostow đã gọi quyết định g.i.ế.t hại Che là “ngu xuẩn”. Nhiều nhà nghiên cứu khác cũng thừa nhận sai lầm lớn của Mỹ là đã cho lưu hành bức hình Che Guevara sau khi ông bị g.i.ế.t, nó khiến cho người ta liên tưởng “hình ảnh Chúa Giêsu chịu nạn” vì đức tin của mình.
Quyết định hành quyết Che ở tuổi 39 tại Vallegrande chỉ làm tăng thêm tầm vóc huyền thoại của Che. Và Che đã tái sinh, những câu như “Chúng ta sẽ không bao giờ để anh bị lãng quên!” của thanh niên cuối thập kỷ 60 luôn tràn ngập trên đường phố Santiago, Chile và trên khắp châu Mỹ Latin lúc bấy giờ.
Sau vụ hành hình, hình ảnh ông nằm bất động, đôi mắt vẫn mở to – còn ám ảnh tâm trí hàng triệu người. Trong buổi lễ tưởng niệm ở Rosario, quê hương nơi ông ra đời, linh mục Hernán Benítez đã nói: “Hai phần ba nhân loại bị áp bức bị chấn động vì cái chết của Che. Một phần ba còn lại thuộc về Che hoàn toàn. Che đã đón nhận cái chết với tất cả đặc trưng của những anh hùng thần thoại, những người sống mãi trong lương tâm nhân loại…”
Ngày 18/10/1967, trên quảng trường Cách mạng, thủ đô La Havana, trong cuộc mit-tinh tưởng niệm Che với hơn 1 triệu người tham dự, chủ tịch Fidel Castro đã tuyên bố: “…Nếu chúng ta muốn tìm hình mẫu một con người, không phải của thời đại chúng ta mà dành cho xã hội tương lai, một con người thực sự, không một vết nhơ trong nhân cách, không một vết nhơ trong cuộc đời, tôi sẽ nói từ sâu thẳm trái tim mình, rằng: đó là Che!
Nếu phải bày tỏ lòng mong muốn thế hệ con cháu chúng ta sẽ trở thành người như thế nào, với tất cả lòng nhiệt tình cách mạng từ trong trái tim, chúng ta phải nói: hãy giống như Che!
Nếu chúng ta muốn con cháu chúng ta được giáo dục như thế nào, chúng ta sẽ không ngần ngạ nói rằng chúng ta mong chúng sẽ được giáo dục theo tinh thần của Che!”
Ps: Bài viết có sử dụng tư liệu từ Haiche/Che-vn.com
Bài tiếp theo
« Prev Post
Bài trước
Next Post »

Nghi son