Tổng số lượt xem trang

Vì sao nói “cán bộ là công bộc của nhân dân”

 Tư tưởng Hồ Chí Minh là một bước phát triển của chủ nghĩa Mác Lênin, được vận dụng một cách sáng tạo vào thực tiễn giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Tư tưởng Hồ Chí Minh sâu sắc, gắn bó với điều kiện cụ thể ở nước ta đó là độc lập dân tộc gắn liền với giải quyết xã hội và giải phóng con người, trong đó con người được đặt lên hàng đầu là vấn đề trung tâm xuyên suốt nội dung tư tưởng của Người.

Trong thư gửi “Ủy ban nhân dân các kỳ, huyện, và làng” được đăng trên báo Cứu quốc số ra ngày 17. 10. 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “​Chúng ta phải hiểu rằng, các cơ cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là đề gánh vác việc chung cho dân chứ không phải là đè đầu dân như thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật. Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta” .

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm, chăm lo đến công tác giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, bởi theo Người thì “đ​ạo đức chính là cái gốc của người cách mạng”.

Người viết: “​Làm cách mạng để cải tạo xã hội cũ thành xã hội mới là một sự nghiệp rất vẻ vang, nhưng nó cũng là nhiệm vụ rất nặng nề, một cuộc đấu tranh rất phức tạp, lâu dài, gian khổ. Sức có mạnh mới gánh được nặng và đi được xa. Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng, mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang” .

Nhìn lại lịch sử của những năm tháng chiến đấu gian khổ trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ hào hùng của dân tộc, biết bao nhiêu tấm gương cán bộ, đảng viên đã quên mình vì nước và vì dân. Họ thật sự là những con người từ nhân dân mà ra, vì nhân dân chiến đấu và vì nhân dân mà phục vụ hết sức mình.

Chính vì vậy, họ được nhân dân tin yêu, đùm bọc, che chở và giúp đỡ họ vượt qua bao gian lao thử thách cho đến ngày đất nước được hòa bình, độc lập và tự do. Đã có rất nhiều cán bộ, đảng viên đã ngã xuống, hy sinh thân mình vì độc lập tự do cho dân tộc Việt Nam mà trong đó Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một hình mẫu cao cả nhất cho dân tộc Việt Nam học tập và noi theo.

Những năm tháng chiến tranh khó khăn, ác liệt đã qua, đất nước ta đã bước vào thời kỳ mở cửa và hội nhập hiện nay, chính vì thế đội ngũ cán bộ công quyền có cuộc sống đầy đủ hơn, có nhiều điều kiện, lợi thế để học tập, mở mang kiến thức hơn thế hệ đi trước. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, cán bộ, đảng viên có điều kiện tiếp xúc với vật chất, hào hoa chính vì thế họ rất dễ sa vào cám dỗ.

Hiện nay, có rất nhiều bài báo phê bình những tiêu cực hay những lời đóng góp trực tiếp từ nhân dân về thái độ và cách ứng xử của các cán bộ hiện nay. Thực trạng cho thấy, trong giai đoạn 2017 – 2018, đã nổi lên một số cán bộ, đảng viên bị suy thoái nặng về đạo đức, họ đã cố ý làm trái quy định của nhà nước và tham nhũng ngân sách nhà nước một cách nghiêm trọng.

Chúng ta càng lên án quyết liệt hơn, khi những người đã đi ngược với lòng dân là những người đã từng được dân tin, yêu và kính trọng như ông: Đinh La Thanh (nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN), Trịnh Xuân Thanh (nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng giám đốc Tổng công ty Cổ phần lắp Dầu khí Việt Nam PVC), Phùng Đình Thục (nguyên Tổng giám đốc PVN), Nguyễn Quốc Khánh (nguyên Phó Tổng giám đốc PVN)…

Bên cạnh đó, đã có một số cán bộ ăn chặn tiền của dân (kể cả những đồng tiền cứu trợ lũ lụt, tiền hộ trợ Tết cho người nghèo, tiền đền bù đất đai…). Một số cán bộ có tính tình hắc dịch và không tôn trọng nhân dân.

Từ thực trạng đó, chúng ta nhìn lại và thấm thía lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Người luôn nhắc nhở những người làm trong cơ quan công quyền luôn phải tự nhìn nhận lại bản thân để xem đã làm được những việc có lợi cho dân hay chưa, đã xứng đáng với vai trò, vị trí “công bộc” của dân hay chưa.

Như vậy, yếu tố con người đóng vai trò hết sức quan trọng trong bộ máy nhà nước. Một chính quyền “của dân, do dân và vì dân” thì không thể tồn tại những người cán bộ vi phạm quy định nhà nước, biết sai mà vẫn cố tình làm sai, làm hại đến dân, đến nước. Để thuận lòng dân, thì chúng ta phải trừng trị nghiêm khắc, không được nương tay thì dân mới đồng tình.

Hồ Chí Minh coi đạo đức chính là “n​ guồn nuôi dưỡng và phát triển con người” như gốc của cây, như ngọn nguồn của sông, suối. Người nhấn mạnh: “​Cũng như sông có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”.

Bên cạnh đó, Người quan niệm “​đạo đức cách mạng là chỗ dựa giúp con người vững vàng trong mọi thử thách​”, Người viết: “​Có đạo đức cách mạng thì khi gặp khó khăn, gian khổ, thất bại, cũng không sợ sệt, rụt rè, lùi bước… khi gặp thuận lợi và thành công cũng giữ vững tinh thần gian khổ, chất phát, khiêm tốn, “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”, lo hoàn thành nhiệm vụ cho tốt chứ không ken cựa về mặt hưởng thụ; không công thần, không quan liêu, không kêu ngạo, không hủ hóa” .

Từ lời dạy mà Hồ Chí Minh đã để lại cho thế hệ trẻ cán bộ Việt Nam, chúng ta nhận định được vai trò hết sức to lớn của người cán bộ đó chính là “​Cán bộ là công bộc và là đày tớ trung thành của nhân dân”.

Để làm rõ hơn về nhiệm vụ trên đầu tiên chúng ta phải hiểu “​công bộc là gì?​ ” và “​đày tớ là gì​?”. “​Công bộc của dân​” hay “đầy tớ của dân” là cụm từ chỉ một trong các quan niệm khác nhau về trách nhiệm và nghĩa vụ của người lãnh đạo, hoặc mở rộng là cán bộ hay viên chức nhà nước. Theo từ điển Hán Việt Thiều Chửu, “​công”​ có nghĩa là của chung, “​bộc” có nghĩa là đày tớ. Cụm từ “​công bộc của dân” có thể được hiểu là “người đầy tớ chung của dân”.

Theo đó, chúng ta nhận định rằng: “t​in vào dân, dựa vào dân, tổ chức phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân, bồi dưỡng đào tạo và phát huy mọi năng lực của nhân dân​” – đó chính là tư tưởng được vận dụng và phát triển sự nghiệp đấu tranh vì cách mạng dân tộc và xây dựng đất nước. Tư tưởng Hồ Chí Minh về con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của cách mạng.

Xuất phát từ luận điểm đó, trong khi lãnh đạo nhân dân cả nước tiến hành cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước, Hồ Chí Minh luôn tin ở dân, hết lòng thương yêu, quý trọng nhân dân, biết tổ chức phát huy sức mạnh của toàn dân. Tư tưởng của Người thông qua thực tiễn cách mạng đã trở thành sức mạnh vật chất to lớn, là nhân tố quyết định thắng lợi sự nghiệp cách mạng.

Gắn bó với tư tưởng trên Hồ Chí Minh quan niệm rằng “…​vụ luận việc gì, đều do người làm ra, và từ nhỏ đến lớn, từ gần đến xa, đều thế cả”. Hồ Chí Minh nhấn mạnh “m​ uốn tiến lên chủ nghĩa xã hội thì phải có con người chủ nghĩa xã hội”.

Để có một xã hội dân chủ, một nhà nước dân chủ thì quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân. Có thể nói tư tưởng “con người vừa là mục tiêu của cách mạng” là tư tưởng sự nghiệp cách mạng, thành quả cách mạng của dân, do dân và vì dân. Theo đó, cán bộ, đảng viên phải là người có đạo đức, lối sống trong sạch, lành mạnh, phải làm tấm gương sáng để cho quần chúng học tập và noi theo.

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định rằng: đạo đức là “gốc” của người cách mạng, nếu không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân. Đặc biệt, khi Đảng đã cầm quyền, đảng viên có vị thế mới, nhưng không tự giác rèn luyện đạo đức, lối sống thì sẽ từ “người chiến sĩ cách mạng” trở thành những “ông quan cách mạng” xa rời lý tưởng của mình đã lựa chọn, phấn đấu.

Chính vì vậy, trong Di chúc, Người căn dặn: “m​ỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư.
Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người đày tớ trung thành của nhân dân” .

Hiện nay, trước những tác động tiêu cực của mặt trái nền kinh tế thị trường, của quá trình mở cửa hội nhập quốc tế… càng đòi hỏi các cán bộ, đảng viên rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống có nghị lực nhằm vượt qua thử thách và cám dỗ trong đời sống.

Đạo đức của người đảng viên trong giai đoạn hiện nay thể hiện trước hết ở lòng trung thành tuyệt đối với Tổ quốc, với Đảng, với nhân dân; một lòng, một dạ phấn đấu vì sự nghiệp phát triển của đất nước, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, nhân dân được sung sướng, tự do.

Người đảng viên phải có lối sống lành mạnh, trong sạch, đó là lối sống có lao động, làm việc có lợi ích cho xã hội, không ngừng tìm tòi, sáng tạo với tinh thần “​lo trước thiên hạ, sướng sau thiên hạ”; đó là lối sống khiêm tốn, giản dị, tiết kiệm, không xa hoa lãng phí, biết tôn trọng, bảo vệ của công; đó là lối sống ngay thẳng, trung thực, thật thà, không lợi dụng địa vị, chức quyền để buôn lậu, tham nhũng, làm giàu bất chính, đó là lối sống chính trực, dũng cảm, tự đấu tranh với chính bản thân mình để vươn tới cái chân, thiện, mỹ; đồng thời, kiên quyết đấu tranh với biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, lối sống cơ hội, thực dụng, chạy theo tiếng gọi của đồng tiền, những thói hư, tật xấu, kèn cựa địa vị, nịnh bợ, công thành, háo danh…

Chính vì vậy, cán bộ đảng viên phải sống có văn hóa, giàu lòng nhân ái, vị tha, chống thói ích kỷ, ty tiện, sống thủy chung, tình nghĩa với đồng chí, bạn bè, sống có trách nhiệm với gia đình, chăm lo đời sống xây dựng gia đình thực sự là một tế bào lành mạnh của xã hội.

Cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; sức mạnh của Đảng bắt nguồn từ mối quan hệ gắn bó mật thiệt với nhân dân. Trong điều kiện Đảng cầm quyền, mối quan hệ đó được thể hiện ở Cương lĩnh chính trị, đường lối, chính sách của Đảng; thông qua hoạt động của hệ thống tổ chức nhà nước và các đoàn thể nhân dân; song, nó trực tiếp thông qua hoạt động của đội ngũ đảng viên của Đảng trong các đơn vị cơ sở.

Hiện nay, cuộc đấu tranh giữa cách mạng và phản cách mạng diễn ra rất gay gắt, quyết liệt dưới những hình thức mới. Các lực lượng thù địch bằng mọi thủ đoạn lôi kéo quần chúng hòng phá vỡ mối quan hệ truyền thống của Đảng với quần chúng nhân dân nhằm cô lập, vô hiệu hóa vai trò lãnh đạo của Đảng. Chính vì thế, cần phải tăng cường mối liên hệ giữa Đảng và quần chúng ngay từ cơ sở thông qua hoạt động của người đảng viên càng có ý nghĩa thực tiễn lớn lao.

Để giữ vững và không ngừng củng cố, phát triển mối liên hệ gắn bó với nhân dân, người đảng viên phải có quan điểm quần chúng đúng đắn, có kiến thức, năng lực vận động quần chúng, tích cực tham gia công tác quần chúng, công tác xã hội, nơi làm việc và nơi ở của đảng viên.

Chính vì thế, dù ở cương vị nào, người cán bộ, đảng viên cũng phải gần gũi, quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của những người xung quanh; phải nắm vững tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, phản ánh trung thực, kịp thời với tổ chức đảng và cơ quan có thẩm quyền để giải quyết kịp thời; kiên quyết chống thói quan liêu, độc đoán chuyên quyền, vi phạm các quyền làm chủ của nhân dân…

Đứng trước lời dạy của Bác về vai trò và trách nhiệm của người cán bộ, đảng viên đối với quần chúng nhân dân đó là “người cán bộ phải là công bộc và là đày tớ của nhân dân”, chúng ta phải biết nhìn nhận lại chính mình và phải biết phấn đấu không ngừng học tập, rèn luyện về đạo đức và trình độ nhận thức.

Đã là cán bộ, đảng viên, yêu cầu khách quan đặt ra là phải có trách nhiệm thực hiện một cách tốt nhất, hiệu quả qua những nhiệm vụ chính trị mà mình đảm nhận, chính như vậy người cán bộ, đảng viên mới phát huy được vai trò tiên phong trong hành động cách mạng của mình.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị, người đảng viên phải biết động viên, tổ chức quần chúng thực hiện nguyên tắc “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Chính vì thế, cán bộ, đảng viên phải là người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, biết tôn trọng, lắng nghe, học hỏi kinh nghiệm của quần chúng nhân dân để đạt kết quả công tác cao nhất.

Bên cạnh đó, do nhiệm vụ chính trị ngày càng khó khăn, phức tạp nên đòi hỏi người đảng viên phải có ý chí tiến thủ, phấn đấu trong học tập, nâng cao trình độ và năng lực công tác để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong sự nghiệp cách mạng.

Ngày nay, các nước trên thế giới đang đua tranh, bứt phá, tiến vào thiên niên kỷ mới, nước ta đang ở thời kỳ đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tình hình đó ngày càng đỏi hỏi cán bộ, đảng viên phải nổ lực học tập để có tri thức mới, năng lực công tác mới, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của cuộc sống.

Mà quan trọng hơn hết nguồn cán bộ hiện nay phải luôn nâng cao trách nhiệm “cán bộ là công bộc và là đầy tớ của nhân dân” để thực hiện tốt vai trò và trách nhiệm của minh. Vì thế, học tập được xem là nhiệm vụ cấp bách hàng đầu đối với các cán bộ, đảng viên trong giai đoạn hiện nay; những biểu hiện tự mãn với vốn hiểu biết đã có; chây lười học tập là trái với yêu cầu đặt ra đối với cán bộ, đảng viên trong thời kỳ mới.

Vì sao nói “cán bộ là công bộc của nhân dân”
Bài tiếp theo
« Prev Post
Bài trước
Next Post »

Nghi son