Tổng số lượt xem trang

Bản lĩnh và trí tuệ

 Hơn 175 năm trước, trong tác phẩm bất hủ “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”, Mác và Ăng-ghen đã đưa ra dự báo thiên tài: “Một bóng ma đang ám ảnh châu Âu: Bóng ma chủ nghĩa cộng sản. Tất cả những thế lực của châu Âu cũ…, đều đã liên hợp lại thành một liên minh thần thánh để trừ khử bóng ma đó”. Ngày nay, khi thành trì của mô hình xã hội chủ nghĩa thế giới – Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu sụp đổ đã hơn 30 năm, thế giới chỉ còn lại một số quốc gia vẫn kiên định phát triển theo con đường xã hội xã hội chủ nghĩa, nhưng chủ nghĩa cộng sản vẫn là một “bóng ma” từng phút, từng giờ ám ảnh chủ nghĩa đế quốc, trong đó có các thế lực thù địch, phản động chống phá Việt Nam.

Trong con mắt đầy rẫy nỗi sợ hãi của chúng, chủ nghĩa cộng sản như một thế lực rất ghê gớm, có thể “đào mồ chôn chủ nghĩa tư bản” bất cứ lúc nào như Mác, Ăng-ghen đã cảnh báo. Thế nên, bất kỳ sự liên kết, hợp tác nào giữa các nước xã hội chủ nghĩa, nhất là sự gắn bó giữa Việt Nam – Trung Quốc lại càng làm cho chúng thất điên bát đảo, trăm phương ngàn kế tìm cách đối phó, chống phá. Không lật đổ được bằng con đường bạo lực, bạo động thì chúng ra sức chống phá bằng các thủ đoạn mị dân, kích động nhân tâm, gây mất đoàn kết, kích động hận thù giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam – Trung Quốc, kiểu như: “Vòng kim cô của Bắc Kinh đang ngày càng siết chặt Việt Nam”. Vậy, sự thật chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có đáng sợ như những gì bọn chúng đang ra sức tuyên truyền, rêu rao không?

Thời gian qua, tình hình thế giới và khu vực có nhiều biến động lớn, xuất hiện những nhân tố mới, tác động đa chiều đến môi trường an ninh và phát triển của các nước. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn như Mỹ – Trung Quốc, Mỹ – Nga gay gắt hơn, các nước lớn tích cực triển khai nhiều hoạt động đối ngoại nhằm gia tăng ảnh hưởng, tăng cường tập hợp lực lượng. Trong khi đó, Việt Nam đã đạt những thành tựu rất to lớn trên tất cả lĩnh vực, vị thế, uy tín trên trường quốc tế ngày một cao. Việt Nam ngày nay đã trở thành một quốc gia mà bất kể các nước – dù theo chế độ tư bản chủ nghĩa hay xã hội chủ nghĩa đều rất muốn lôi kéo. Vì vậy, chuyến thăm Việt Nam lần này của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc nhằm cân bằng lợi ích với Việt Nam sau chuyến thăm, nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện của Tổng thống Mỹ Joe Biden hồi tháng 9-2023. Vì vậy, muốn hay không muốn thì Việt Nam vẫn trong vòng xoáy cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, nhất là Mỹ – Nga – Trung Quốc. Cân bằng quan hệ với tất cả các quốc gia là một bước đi khôn khéo, linh hoạt, sáng tạo của Việt Nam. Do vậy, về bình diện quốc tế và lợi ích quốc gia, chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ tiếp tục nâng cao vị thế, vai trò, uy tín, tiếng nói của Việt Nam trên trường quốc tế. Đây là một cái lợi rất lớn cho Việt Nam chứ không phải là nỗi đáng sợ mất nước như các thế lực thù địch rêu rao.

Trong chuyến thăm lần này, Việt Nam và Trung Quốc đã ký kết 36 văn kiện hợp tác trên tất cả lĩnh vực, đây là một tin tốt đối với Việt Nam. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái, kinh tế Việt Nam phục hồi chậm sau đại dịch Covid-19 thì ta rất cần hợp tác, nhất là các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc để tranh thủ tối đa nguồn ngoại lực nhằm thúc đẩy kinh tế phát triển, nâng cao đời sống nhân dân. Chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đem đến cho các doanh nghiệp Việt Nam những cơ hội mới trong hợp tác kinh tế, đặc biệt hai nước nhất trí xây dựng “Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam – Trung Quốc” – có ý nghĩa chiến lược, nỗ lực vì hạnh phúc của nhân dân hai nước, vì sự nghiệp hòa bình và tiến bộ của nhân loại. Đương nhiên, trong hợp tác kinh tế quốc tế giữa các doanh nghiệp với nhau, ta phải hết sức tỉnh táo để không rơi vào những cái bẫy chết người, để không bị lôi kéo vào các tranh chấp, bị rơi vào những tình thế tiến thoái lưỡng nan. Nó hoàn toàn phụ thuộc vào bản lĩnh, trí tuệ của lãnh đạo đất nước, mà điều này thì chúng ta hoàn toàn tin tưởng vào Đảng Cộng sản Việt Nam dưới sự chèo lái của người đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Vì vậy, nói “lịch sử tư tưởng và chính trị 5.000 năm của Trung Quốc chưa bao giờ có khái niệm tương đồng vận mệnh. Chỉ có chư hầu và phiên thuộc”, “nhún nhường từng bước là mất nước từng phần. Thỏa hiệp từng lần là bán thân cho giặc”, “khi đường lưỡi bò chưa bị cắt ở Biển Đông thì ta và Trung Quốc không thể chung vận mệnh” chỉ là cách nói mị dân, nhằm kích động tâm lý bài Hoa, thoát Trung của các thế lực thù địch, phản động. 

Tháng 10-2022, sau chuyến thăm chính thức Trung Quốc rất thành công của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, quan hệ hai Đảng, hai nước Việt Nam, Trung Quốc duy trì xu thế tích cực và đạt nhiều bước tiến mới. Về chính trị, các cơ chế giao lưu, trao đổi cấp cao diễn ra sôi động, góp phần tăng cường hợp tác chính trị giữa hai bên. Hợp tác quốc phòng – an ninh tiếp tục phát huy vai trò là một trong những trụ cột quan trọng trong quan hệ hai nước. Hợp tác kinh tế thương mại tuy có phần sụt giảm do tác động của xu thế chung toàn cầu, song kim ngạch thương mại qua các cửa khẩu biên giới trên đất liền tăng trưởng ấn tượng. Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất, thị trường nhập khẩu lớn thứ hai của Việt Nam; Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất trong ASEAN, đối tác thương mại lớn thứ 6 của Trung Quốc trên thế giới. Tình hình biên giới trên đất liền và vịnh Bắc Bộ cơ bản ổn định; tình hình biển Đông có diễn biến phức tạp mới, song vẫn trong tầm kiểm soát. 

Vậy nên, nếu nói Trung Quốc đã từng có thời gian đô hộ Việt Nam, cho rằng Bắc Kinh âm mưu độc chiếm biển Đông để lấy cớ tẩy chay, không hợp tác với Trung Quốc là sai lầm. Mỹ, Nhật Bản, Pháp cũng từng xâm lược Việt Nam, song không vì thế mà ta tẩy chay tất cả. Chúng ta nhất quán gác lại quá khứ, vượt qua bất đồng để hướng tới tương lai với tất cả cựu thù vì chính lợi ích của quốc gia – dân tộc ta. Trong xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế mạnh mẽ hiện nay, nếu tự tách mình ra khỏi cuộc chơi, cứ khư khư ôm lấy quá khứ, để hận thù lấn át lý trí thì bản thân sẽ trở thành kẻ cô độc, sớm muộn cũng thất bại. Vì thế, Trung Quốc hay Mỹ cũng vậy, chúng ta đều phải khôn khéo theo quan điểm “đối tượng, đối tác” để tìm kiếm, đem lại những gì tốt đẹp nhất, có lợi nhất cho Tổ quốc, cho dân tộc và nhân dân Việt Nam trên cơ sở độc lập dân tộc, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc là cái bất biến, cái vĩnh hằng. Đó chính là phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn.

Thanh Quang (BPO) (Theo https://huongsenviet.com)

Bài tiếp theo
« Prev Post
Bài trước
Next Post »

Nghi son