Tổng số lượt xem trang

Người được thừa kế chết trước người lập di chúc, tài sản giải quyết thế nào

 

Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác trước khi qua đời. Thông thường, cha mẹ lập di chúc để mong khi mình mất, tài sản được giao lại cho con.

Thế nhưng trong cuộc sống, không ít trường hợp "Người tóc bạc tiễn kẻ đầu xanh", con cái "vắn số" lại không may qua đời trước bố mẹ.

Vậy trong trường hợp này, phần di sản để lại cho con sẽ được giải quyết như thế nào theo pháp luật?

Người chết trước không được hưởng thừa kế

Tại Điều 613 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định "Người thừa kế là cá nhân phải là người sống vào thời điểm mở thừa kế". Khi người thừa kế chết trước người để lại di chúc thì phần di sản tại di chúc để lại di sản cho người đó không có hiệu lực pháp luật.

Khi có nhiều người được thừa kế theo di chúc mà có một người chết trước người lập di chúc thì phần di chúc liên quan đến người chết trước đó không có hiệu lực.

Phần di chúc cho những người khác được hưởng trong di chúc vẫn có hiệu lực.

Vậy phần di chúc này sẽ được giải quyết như thế nào, ai được hưởng?

Phần di sản của người đã mất sẽ không được chia theo di chúc mà được chia thừa kế theo pháp luật với căn cứ tại khoản 2 Điều 650 Bộ luật Dân sự 2015 "Thừa kế theo pháp luật cũng được áp dụng với phần di sản có liên quan đến phần của di chúc không có hiệu lực pháp luật.

Khi phần di chúc được chia theo pháp luật thì sẽ xác định người thừa kế theo pháp luật được quy định tại điều 651, Bộ luật dân sự năm 2015. Phần di sản không có hiệu lực pháp luật được chia cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất và người thừa kế thế vị của người đã chết trước.

Xin minh họa nội dung trên bằng một ví dụ cụ thể như sau:

Bố mẹ có hai người con là A và B. Bố mẹ để lại di chúc cho mỗi người được hưởng 150 triệu đồng. Ông B có 01 người con là C.

B mất trước bố mẹ, do vậy phần di chúc cho B không có hiệu lực. Số tiền 150 triệu này được chia thừa kế theo pháp luật. Cụ thể A được hưởng 75 triệu đồng, số tiền 75 triệu còn lại thuộc về người con của ô B.

Như vậy khi chia di sản thừa kế của bố mẹ: A được hưởng 225 triệu đồng (150 triệu + 75 triệu); cháu C được hưởng 75 triệu đồng.

Trên đây là nội dung tư vấn pháp luật cho một tình huống pháp lý người được thừa kế theo di chúc chết trước người lập di chúc. Mong rằng nội dung tư vấn pháp luật này hữu ích với bạn đọc

Bài tiếp theo
« Prev Post
Bài trước
Next Post »

Nghi son