Tổng số lượt xem trang

Bệnh viện ở TPHCM hết thuốc, bệnh nhân "dại dột" lao vào bẫy lừa đảo

 

Lo sợ hết thuốc sẽ không thở được trong khi bệnh viện không bán, người phụ nữ ở TPHCM chấp nhận đến một địa chỉ trôi nổi mua thuốc để rồi phát hiện suýt "tiền mất, tật mang".

Trao đổi với phóng viên Dân trí, chị D. (33 tuổi, ngụ TP Thủ Đức, TPHCM) cho biết, mình và một người bạn suýt trở thành nạn nhân của đối tượng lừa đảo, đánh vào tâm lý bệnh nhân không thể mua được thuốc trong bệnh viện công.

Bệnh viện không có thuốc, bệnh nhân khổ sở tìm mua

Theo chị D., chị bị lupus ban đỏ nhiều năm nay nên phải uống thuốc điều trị thường kỳ. Khoảng tháng 4/2021, chị D. xuất hiện triệu chứng sụp mi mắt khi đang làm việc và sinh hoạt. Ban đầu, người phụ nữ tưởng mình bị thiếu ngủ nên không chú ý, tuy nhiên tình trạng này ngày càng xuất hiện nhiều hơn. Chị D. đến các phòng khám tư và bệnh viện gần nhà nhưng không phát hiện bệnh gì.

Đến đầu năm 2022, chị D. bắt đầu cảm thấy tay chân yếu dần, thậm chí việc đi đứng, cầm nắm bình thường cũng gặp khó khăn. Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, sau vài lần kiểm tra và qua lời khai triệu chứng của bệnh nhân, các bác sĩ đã tiến hành đo điện cơ của chị D. và xác định: bệnh nhân đã bị nhược cơ.

"Lúc nghe bác sĩ thông báo bị nhược cơ, là bệnh tự miễn phải uống thuốc suốt đời thì tôi sốc lắm. Mình đã bị bệnh lupus rồi, giờ còn thêm bệnh này nữa. Bác sĩ cũng nói luôn là bệnh viện không còn thuốc, kêu tôi phải tìm mua bên ngoài. Sau đó, tôi sang Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM đăng ký điều trị thì tiếp tục được thông báo vừa hết thuốc" - chị D. kể.

Khoảng thời gian đầu, người phụ nữ phải đi 8 nhà thuốc khác nhau để mua được lọ Mestinon 60mg 150 viên trị nhược cơ, với giá lên tới 1,8 triệu đồng. Mỗi ngày, chị D. phải uống 3 viên, nên hơn một tháng là phải tìm mua lọ mới.

Bệnh viện ở TPHCM hết thuốc, bệnh nhân dại dột lao vào bẫy lừa đảo - 1

Thuốc biệt dược Mestinon điều trị nhược cơ được rao bán bên ngoài với giá 1,6 triệu đồng/lọ (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Ngoài thuốc Mestinon nhập khẩu, còn có loại thuốc khác tên Lambertu sản xuất tại Việt Nam, cũng trị nhược cơ và giá bán rẻ hơn. Tuy nhiên theo chị D., chị và nhiều bệnh nhân khác khi uống loại thuốc này thường bị các tác dụng phụ, nên sẽ không lựa chọn.

"Vấn đề tìm mua thuốc uống bây giờ cực kỳ khó khăn. Tôi được biết trước đây, giá thuốc Mestinon bán trong bệnh viện chỉ khoảng 800 ngàn đồng/lọ và có bảo hiểm thanh toán. Còn bây giờ khi mua bên ngoài, thị trường có muôn loại giá nhưng chưa bao giờ rẻ hơn 1,3 triệu và khan hiếm cực kỳ" - nữ bệnh nhân chia sẻ.

Như "con nghiện" lao vào cạm bẫy lừa đảo bán thuốc

Cũng theo chị D., với bệnh nhược cơ, nếu không uống thuốc đúng lịch, chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, không thể ăn uống, hít thở khó khăn, thậm chí đến cột tóc cũng không đủ sức. Do đó, hầu hết bệnh nhân đều phải tích trữ sẵn vài lọ thuốc chứ không thể đợi hết sạch mới mua.

Bệnh viện ở TPHCM hết thuốc, bệnh nhân dại dột lao vào bẫy lừa đảo - 2

Một bệnh nhân nhược cơ nặng, không thở được, phải mổ mở tuyến ức (Ảnh: Hoàng Lê).

Với tâm lý này, chị D. theo dõi trên khắp các hội nhóm bệnh nhược cơ, nếu có ai có kiếm được thuốc là sẽ hỏi mua. Cách đây vài ngày, chị thấy trên một diễn đàn mạng có một người bạn tên C., ở Hà Nội thông báo tìm được chỗ mua thuốc Mestinon 60mg ở TP Thủ Đức với giá 1,3 triệu đồng.

Tuy nhiên, người bán không cho ship COD (thanh toán khi nhận hàng) ra Hà Nội mà yêu cầu ai mua phải cọc trước 50% giá trị thuốc. Vì chị D. nhà ở TP Thủ Đức nên được C. nhờ đi mua thuốc trực tiếp, để sau đó cùng chia nhau sử dụng.

"Bạn C. muốn qua tận nơi mua để kiểm tra thuốc, và nói phải đến tiệm trước 8h tối thì họ mới có nhà.

Mình hơi thắc mắc chuyện này, nhưng giờ giống như "con nghiện" cần thuốc rồi nên phải làm theo họ mong muốn. Phía bán thuốc cũng nhiều lần gợi ý bạn C. việc chuyển cọc trước để giao thuốc nhanh" - người phụ nữ kể.

Khi tới địa chỉ được cung cấp, chị D. phát hiện không phải tiệm thuốc mà là hẻm tối. Chị gọi điện thoại cho người bán để hỏi thăm thì được trả lời qua loa rồi tắt máy ngang, sau đó "thuê bao không liên lạc được". Lúc này, chị phát hiện đã bị lừa.

Bệnh viện ở TPHCM hết thuốc, bệnh nhân dại dột lao vào bẫy lừa đảo - 3

Người bệnh nhược cơ mong có đủ thuốc trong bệnh viện để duy trì sức khỏe (Ảnh: Hoàng Lê).

"Họ không nghĩ C. ở Hà Nội mà có người quen tới được tận nơi mua thuốc, nên tính lừa chuyển khoản. Họ đánh vào tâm lý bệnh nhân rất cần thuốc và sợ bị bán hết sẽ dễ dàng chuyển khoản trước. Nếu chúng tôi sập bẫy là đã mất tiền" - chị D. nói, đồng thời cho biết vẫn đang tiếp tục tìm thuốc Mestinon để tích trữ.

Chia sẻ câu chuyện bản thân vừa trải qua, chị D. mong muốn các bệnh viện luôn có đủ thuốc tốt trị nhược cơ cũng như các loại thuốc khác. Vì với người dân, việc bị lừa tiền đã đành, nếu thiếu thuốc điều trị có thể ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe.

"Từ lúc bệnh nhược cơ, tôi nghỉ làm nhân viên ngân hàng, chỉ ở nhà chăm sóc 2 con nhỏ. Mọi gánh nặng cuộc sống bây giờ dồn hết lên vai chồng tôi. Nếu như không có thuốc uống, mọi thứ sẽ càng tồi tệ" - nữ bệnh nhân tâm sự.

Lãnh đạo khoa Nội thần kinh, một bệnh viện tuyến cuối tại TPHCM cho Dân trí biết, Mestinon 60mg là thuốc biệt dược gốc trị nhược cơ, tuy nhiên đã không còn nguồn cung từ lâu. Do đó, bệnh nhân khi điều trị tại bệnh viện sẽ được kê toa bằng thuốc thay thế có cùng hoạt chất, sản xuất tại Việt Nam là Lambertu 60mg, với giá rẻ hơn và cũng được bảo hiểm y tế chi trả. Tuy nhiên, nhiều trường hợp uống thuốc này bị các tác dụng phụ như mệt mỏi, tiêu chảy, nôn ói nên bệnh nhân thường tìm cách mua biệt dược gốc ngoài thị trường.

"Thuốc thay thế không thể nào tối ưu hoàn toàn như thuốc kia (Mestinon - PV), nhưng hiện tại có thuốc nào thì phải dùng thuốc đó. Trong một số thời điểm nếu xài hết thuốc, chúng tôi sẽ thông báo để bệnh nhân mang toa ra ngoài mua" - bác sĩ trên cho biết.

Tình trạng không có thuốc Mestinon cũng được phóng viên ghi nhận tại một số bệnh viện hạng 1, bệnh viện tuyến quận ở TPHCM.

Hoàng Lê

Bài tiếp theo
« Prev Post
Bài trước
Next Post »

Nghi son