Tổng số lượt xem trang

"Cháy máy" vì cuộc gọi lừa đảo ngày cận Tết

 Càng gần những ngày Tết, các cuộc gọi lừa đảo, tin nhắn rác xuất hiện ngày càng nhiều. Vì thế, người dân cần hết sức cảnh giác, tránh sập bẫy của những đối tượng lừa đảo.

"Hơn hai tuần trở lại đây, ngày nào tôi cũng nhận được khoảng 3-4 cuộc gọi rác, từ mời làm những công việc nhẹ nhàng lương cao, cho đến kêu gọi tham gia đầu tư tiền ảo, sàn giao dịch BO", anh Hoàng Anh, một nhân viên văn phòng tại quận 3, TPHCM cho biết.

Cháy máy vì cuộc gọi lừa đảo ngày cận Tết - 1

Cuộc gọi rác liên tục "tấn công" người dân trong thời gian cận Tết (Ảnh: Thế Anh).

Anh Hoàng Anh cho biết bản thân thường xuyên theo dõi các thông tin cảnh báo, nên nhận biết được đây là những chiêu trò lừa đảo. Tuy vậy, anh không thể chặn hết những cuộc gọi này vì mỗi lần chặn, lại có thêm những số mới gọi đến làm phiền.

Cũng gặp tình cảnh tương tự, chị Mỹ Hạnh, sống tại quận 2, TPHCM chia sẻ rằng bản thân đã liên tục bị "tấn công" bởi các cuộc gọi rác, cuộc gọi lừa đảo trong vài ngày qua.

"Tôi bị làm phiền bởi hàng loạt cuộc gọi rác từ nhiều số lạ, mời xem video TikTok, YouTube để kiếm tiền. Do tôi thường đặt mua hàng trên mạng nên không thể từ chối các số điện thoại lạ. Những cuộc gọi rác như trên khiến tôi tốn rất nhiều thời gian và ảnh hưởng đến công việc", chị Hạnh phàn nàn.

Trên thực tế, lời mời "việc nhẹ lượng cao" là chiêu trò mà các đối tượng thường xuyên sử dụng để thực hiện hành vi lừa đảo trong thời gian gần đây. Điểm chung của những cuộc gọi này là mời làm việc để có thêm thu nhập với công việc rất đơn giản như chia sẻ nội dung trên nền tảng TikTok hoặc ấn theo dõi, thả tim các video.

Với lời hứa có thể dễ dàng kiếm được từ 200.000-400.000 đồng/ngày, các đối tượng sẽ tạo niềm tin với nạn nhân bằng cách trả lương rất đầy đủ trong thời gian đầu. Sau đó, nạn nhân cần phải nâng cấp nhiệm vụ để nâng mức lương. Từ đây, các đối tượng sẽ bắt đầu thực hiện nhiều chiêu trò dẫn dắt để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Cách đây không lâu, rất nhiều người cũng đã nhận được các tin nhắn lừa đảo với nội dung tương tự, mời chào làm cộng tác viên của TikTok, Telegram hay Amazon.

Cháy máy vì cuộc gọi lừa đảo ngày cận Tết - 2

Tin nhắn lừa đảo mời làm cộng tác viên TikTok (Ảnh: Thế Anh).

Trước tình trạng các cuộc gọi lừa đảo, tin nhắn rác liên tục gia tăng, Bộ TT&TT nhận thấy cần phải có một kênh tiếp nhận các thông tin phản ánh của khách hàng một cách thống nhất và thuận tiện nhất.

Do đó, bên cạnh đầu số 5656 (cũ), Bộ TT&TT cùng các doanh nghiệp viễn thông đã thống nhất từ 8 giờ sáng ngày 1/11/2022 sẽ triển khai, mở rộng việc tiếp nhận phản ánh về cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo thông qua hình thức cuộc gọi tới đầu số 156 (miễn phí).

"Cần phải có một đầu số, đầu mối để tiếp nhận phản ánh của người dân về các cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, các cuộc gọi rác và tin nhắn rác. Khi có các cuộc gọi phản ánh, các nhà mạng sẽ tiếp nhận, phân loại và xử lý các nội dung này. Người dân khi gọi điện đến đây sẽ được tiếp nhận, giúp đỡ", ông Phạm Đức Long, Thứ trưởng Bộ TT&TT cho biết.

Bên cạnh đầu số mới 156, người dân vẫn có thể gọi điện tới đầu số cũ 5656 và làm theo hướng dẫn của bộ phận chăm sóc khách hàng.

Ngoài việc gọi điện, người dẫn vẫn có thể nhắn tin dựa theo cú pháp như sau:

- Với tin nhắn rác, người dân soạn tin nhắn theo cú pháp: S (số điện thoại phát tán tin nhắn rác - nội dung cuộc gọi rác) gửi 156 (hoặc 5656).

- Với cuộc gọi có dấu hiệu là cuộc gọi rác, người dân soạn tin nhắn theo cú pháp: V (số điện thoại phát tán cuộc gọi rác - nội dung cuộc gọi rác) gửi 156 (hoặc 5656).

- Với cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, người dân soạn tin nhắn theo cú pháp: LD (số điện thoại phát tán cuộc gọi lừa đảo - nội dung cuộc gọi lừa đảo) gửi 156 (hoặc 5656).

Minh Triết

Bài tiếp theo
« Prev Post
Bài trước
Next Post »

Nghi son