Tổng số lượt xem trang

Ngăn ngừa tệ "tham nhũng vặt"

 Trong những ngày qua, dư luận không chỉ quan tâm đến các vụ án tham nhũng lớn được phanh phui và đưa ra xét xử, mà còn chú ý đến những sự việc cụ thể có dấu hiệu tiêu cực, dù nhỏ và mang tính đơn lẻ nhưng rất cần thiết được làm rõ.

Một trong số đó là việc du khách đến từ Singapore đăng tải bài viết trên trang cá nhân, tố nhân viên xuất nhập cảnh ở sân bay Nội Bài (Hà Nội) đòi tiền tip. Theo nội dung bài viết này, nam du khách đã đưa 500.000 đồng cho nhân viên xuất nhập cảnh rồi báo cáo sự việc với Bộ Ngoại giao Singapore.

Hiện chưa có kết luận cuối cùng của cơ quan chức năng và sự việc vẫn trong quá trình xử lý. Trước mắt, người bị tố đòi tiền tip du khách đã nhận quyết định tạm đình chỉ công tác, chờ làm rõ vấn đề.

Phản ứng của cơ quan chức năng khi có dư luận như vậy là kịp thời, chúng ta cũng không vội vàng đưa ra những ý kiến nhắm vào cá nhân người bị tố ở thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, cần nhìn thẳng vào thực tế là tình trạng nhũng nhiễu đã được phản ánh lâu nay, tồn tại nhiều nơi, dưới nhiều hình thức khác nhau. Tình trạng này được gọi tên chính thức là "tham nhũng vặt", và thường diễn ra dưới hình thức gây khó khăn để buộc người dân, doanh nghiệp phải "lót tay", "muốn nhanh thì phải kẹp phong bì".

Nói là "vặt" nhưng lề thói gợi ý "bồi dưỡng" đó gây tác hại rất lớn nếu không được nhận diện và có giải pháp ngăn chặn, đẩy lùi. Lấy ví dụ việc đòi tiền tip ở sân bay (nếu có), rõ ràng gây dư luận xấu không chỉ trong nước mà cả ở nước ngoài. Chúng ta thử đặt ra câu hỏi: Vì sao thông tin nhân viên ở sân bay bị du khách tố vòi tiền đã thu hút sự quan tâm của dư luận và tạo ra nhiều cuộc thảo luận như vậy trên mạng xã hội? Tôi không nghĩ đây đơn thuần là hiệu ứng về mặt tâm lý đám đông trước một vấn đề tiêu cực, mà bao hàm trong đó còn có cả những trải nghiệm cá nhân.

Trong ngành dịch vụ, tiền "tip" là một ứng xử văn minh và hàm ý tốt đẹp. Đó là khoản tiền nhỏ nằm ngoài hóa đơn khách hàng phải chi trả, như một lời cảm ơn, khích lệ nhằm ghi nhận thái độ, chất lượng phục vụ của nhân viên. Bản thân tôi khi sử dụng các dịch vụ từ nhà hàng, mua sắm đến giao hàng, chuyển phát nhanh… cũng thường dành thêm một khoản "tip" như vậy, coi đó là thói quen.

Tuy nhiên, phải nhấn mạnh, tiền "tip" là tự nguyện và trong lĩnh vực dịch vụ. Còn trong khu vực công, nếu vòi vĩnh tiền "tip" thì tính chất câu chuyện lại hoàn toàn khác, đó là sự vi phạm nghiêm trọng đạo đức công vụ của công chức, viên chức, là nhũng nhiễu và là thứ "văn hóa phong bì" đáng bị lên án.

Công cuộc cải cách hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương công vụ, chuyển đổi số trong quản lý nhà nước… những năm qua đã từng bước ngăn chặn tệ "tham nhũng vặt". Tuy nhiên, phòng chống tham nhũng nói chung và đấu tranh với tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, vòi vĩnh nói riêng vẫn là cuộc chiến không "ngừng", không "nghỉ" như các cấp có thẩm quyền đã xác định. Đó là cuộc chiến vừa phải rất kiên quyết trong phát hiện, xử lý theo quy định pháp luật, vừa phải rất kiên trì trong giáo dục, quản lý, ngăn ngừa, răn đe…

Thiết nghĩ, thủ tục hành chính đơn giản, cơ chế trách nhiệm rõ ràng, minh bạch là những giải pháp hữu hiệu nhất để ngăn ngừa tệ nhũng nhiễu.

Phòng chống có hiệu quả tệ "tham nhũng vặt" cũng là một bước góp phần ngăn chặn "tham nhũng lớn". Dân gian có câu "ăn quen bén mùi", từ thói quen vòi vĩnh người ta có thể trượt dài đến mức không cần biết "luật" ra sao, mà chỉ quan tâm tới "lệ" - và phong bì là "thủ tục" đầu tiên.

Theo báo điện tử Dân trí, Tác giảBích Diệp tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế Đối ngoại trường Đại học Ngoại thương; gia nhập báo Dân Trí từ năm 2012 và chuyên đưa tin về kinh tế, hoạt động doanh nghiệp, thị trường chứng khoán.

Bài tiếp theo
« Prev Post
Bài trước
Next Post »

Nghi son