Tổng số lượt xem trang

Từ “Đa nguyên chính trị” đến “Dân quyền” ở Việt Nam


Thời gian qua, các thế lực thù địch với Việt Nam đẩy mạnh chiến dịch “dân chủ cho Việt Nam”, ra sức rêu rao tư tưởng “đa nguyên chính trị”, “đa đảng đối lập” để thực thi “nhân quyền” hòng truyền bá và kích động tư tưởng dân chủ vô chính phủ, nhằm từng bước phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với sự nghiệp cách mạng nước ta. Tuy nhiên, nói về vấn đề đa nguyên ở Việt Nam, sẽ chẳng có “sự phát triển” về chính trị nào như các thế lực thù địch đã rêu rao. Vì sao lại như vậy thì chúng ta hãy cùng nhau làm rõ một vài vấn đề:
          Đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập không bảo đảm được dân chủ đích thực.
          Có lẽ chúng ta ai cũng biết “Dân chủ”, “Nhân quyền” là thứ mà anh bạn Mỹ và Đồng minh bao năm qua vẫn “theo đuổi” ở Việt Nam, quả là một anh bạn hào sảng và có phần “tốt bụng”. Sự tốt bụng đấy đương nhiên là luôn nhận được sự tung hô, cảm kích từ những người con hải ngoại “yêu nước” và những nhà “dân chủ” trong nước luôn mong có thể nhận được “ánh sáng dân chủ trời Tây”. Ấy vậy mà thứ quan trọng nhất thì người ta lại quên mất là bản chất của dân chủ là quyền lực thuộc về nhân dân. Muốn thực hiện được nó thì trước tiên người lao động phải xây dựng nên một chính đảng cùng một chính phủ duy nhất đại diện cho quyền lực của mình. Với một chế độ xã hội, thì chỉ có hoặc quyền lực thuộc về giai cấp bóc lột hoặc thuộc về giai cấp bị bóc lột mà thôi. Không có thứ quyền lực hay dân chủ cho mọi giai cấp. Vậy thì rốt cuộc là Việt Nam không có dân chủ hay do “Dân chủ” ở Phương Tây có vẻ khác so với Việt Nam chăng? Vậy hoạt động của những nhà “Dân chủ” bao năm qua chẳng phải phí hoài sao? Hay là do “Dân chủ” trong nước chất lượng thua kém “Dân chủ ngoại” mà các nhà “dân chủ” phải bận lòng đến thế? Tất nhiên chúng ta cũng chẳng phải trả lời câu hỏi đấy làm gì cả, vì chúng ta sẽ không trả lời được, “bài toán sai đề thì đâu có cách giải”. Lại nói đến bản chất của đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập. Đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập trong xã hội tư bản chỉ nhằm một mục tiêu duy nhất là bảo đảm quyền lực cho giai cấp tư sản bóc lột. Giáo sư Paul Mishler (Trường Đại học bang Indiana) khẳng định: “Mọi đói nghèo, thất nghiệp, thất học… đều do lỗi của hệ thống, lỗi từ chủ nghĩa tư bản Mỹ gây ra”; “Nước Mỹ tự xưng là đa đảng nhưng thực chất chỉ là một đảng, đó là đảng của chủ nghĩa tư bản, dù là đảng Cộng hòa hay Dân chủ”, Ở Hoa Kỳ - một quốc gia mà mọi người đều nói rằng dân chủ, văn minh bậc nhất thế giới, một quốc gia có mô hình chính trị đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, ấy vậy mà từ khi khai sinh lập quốc đến nay, ngoài hai đảng dân chủ và cộng hòa thay nhau lên nắm quyền thì chưa thấy đảng nào khác, mặc dù ở Hoa Kỳ có nhiều hơn hai đảng, hay các đảng khác lập ra để cho “có”, để “che mắt thiên hạ”… Với lý do đó, đa nguyên, đa đảng không bao giờ tiến tới một nền dân chủ đích thực; và hệ quả xã hội điển hình nhất của nó là “99% và 1%” mà phong trào “Chiếm lấy phố Wall” năm 2011 ở Mỹ đã phơi bày lên điều đó.
          Đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập không phải là chế độ chính trị của chế độ xã hội chủ nghĩa.
           Đa nguyên chính trị là một khuynh hướng xã hội học - triết học, tuyệt đối hóa sự đa dạng đối kháng của các nhóm, đảng phái, tổ chức chính trị khác nhau trong xã hội. Nó xuất hiện vào đầu thế kỷ XVIII, khi giai cấp tư sản còn là giai cấp tiến bộ trong đấu tranh chống độc quyền, bảo vệ sự đa dạng và bình đẳng của các nhóm xã hội có lợi ích khác nhau, phát triển quyền tự do dân chủ tư sản.
          Khi các tổ chức độc quyền xuất hiện, đa nguyên chính trị mất dần ý nghĩa ban đầu, trở thành thủ đoạn để điều chỉnh lợi ích trên nguyên tắc cạnh tranh giữa các nhóm, tổ chức độc quyền có lực lượng ngang bằng nhau và là bình phong “dân chủ” che đậy sự bất công, bất bình đẳng trong xã hội tư bản.
          Khi chủ nghĩa xã hội xuất hiện, đa nguyên chính trị trở thành công cụ tư tưởng để giai cấp tư sản chống các nhà nước xã hội chủ nghĩa, phong trào công nhân và các trào lưu tiến bộ trên thế giới bằng việc đòi mở rộng quyền tự do dân chủ vô chính phủ, chống nguyên tắc tập trung dân chủ, đòi thực hiện chế độ đa đảng, nhằm vô hiệu hóa và từng bước đẩy Đảng Cộng sản khỏi vị trí lãnh đạo xã hội, đòi xây dựng nhà nước pháp quyền tư sản - bề ngoài đại diện cho lợi ích của tất cả các nhóm, đảng phái đối lập, nhưng thực chất đại diện cho lợi ích của giai cấp tư sản.



Như vậy, đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập tất yếu không phải là mô hình chính trị phù hợp ở Việt Nam, Dân chủ ở Việt Nam là dân chủ cho nhân dân chứ không phải dân chủ chỉ cho một bộ phận như các nước tư bản phương Tây. Chính phủ Việt Nam được xây dựng là một chính phủ “Vì dân” chứ không phải để phục vụ quyền lợi của một giai cấp, một nhóm người nào đó. Cuộc biểu tình ở nước Pháp của phe “Áo vàng”  chắc cũng diễn ra cách đây chưa lâu. Đó là cuộc phản kháng của nhân dân, quy tụ của nhiều tầng lớp, người lao động lương thấp, hợp đồng ngắn, người về hưu bị tăng CSG (tiền đóng góp xã hội), công nhân đường sắt đang bị đe dọa, sa thải, học sinh sinh viên phản đối tăng học phí và đòi cải cách đầu vào đại học… và họ muốn “có một Chính phủ như chính phủ Việt Nam” vậy điều gì làm cho nhân dân lao động ở một xứ sở dân chủ phải mong muốn ở một đất nước “độc tài” như vậy? Điều đó thì nhân dân Pháp là người hiểu rõ nhất.
          Lịch sử cách mạng Việt Nam thời kháng chiến chống thực dân, đế quốc đã xuất hiện và phủ định đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập như một tất yếu tự nhiên.
          Trước khi đất nước dành được độc lập vào năm 1945, trong suốt thế kỷ 20 ở Việt Nam nổ ra rất nhiều cuộc khởi nghĩa, những phong trào yêu nước do nhiều đảng phái lãnh đạo với nhiều khuynh hướng khác nhau song sau cùng tất cả các phong trào đều thất bại. Năm 1945 Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo toàn dân tộc đứng lên khởi nghĩa, giành chính quyền, thiết lập nên Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, đặt quyền lợi của quốc gia, dân tộc lên trên hết nên trong những ngày đầu gìn giữ chính quyền và nền độc lập dân tộc, Đảng ta đã tự tuyên bố giải tán và Chính phủ do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu đã mở rộng thành phần cho mọi tổ chức, chính đảng cùng tham gia lãnh đạo đất nước.
          Song, trong quá trình cách mạng, các tổ chức đảng phái hoặc phản động, hoặc có đường lối không đúng đắn, không vì quyền lợi của quốc gia, dân tộc đã lần lượt bị chính nhân dân loại bỏ, chỉ còn lại duy nhất Đảng Cộng sản Đông Dương do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo có đường lối cách mạng đúng đắn, vì quyền lợi của toàn thể nhân dân lao động, vì nền độc lập và sự phát triển của đất nước đã được nhân dân lựa chọn là chính đảng duy nhất đại diện cho quyền lợi của mình.
          Sau 1954, Đảng ta cũng chủ trương tổng tuyển cử tự do, thành lập chính phủ liên hiệp, thống nhất nước nhà, nhưng chính chính quyền Ngô Đình Diệm đã bác bỏ và phủ nhận thể chế đa nguyên đó. Mặt khác, được sự tiếp sức của đế quốc Mỹ, các thế lực phong kiến và phản động ở miền Nam cũng đã từng lập nên một chính thể đa nguyên với sự tham gia của nhiều đảng phái. Nhưng mục đích chính trị của các đảng phái đó lại chống lại nền độc lập dân tộc và quyền lợi của nhân dân lao động, và chia cắt đất  nước thành 2 miền nên nhân dân cả nước ta đã đứng lên lật đổ thể chế chính trị đó, thiết lập nên nền chính trị nhất nguyên và lựa chọn Đảng Cộng sản Việt Nam là người đại diện duy nhất cho quyền lợi của nhân dân lao động và cả dân tộc. Tính tất yếu của quá trình lịch sử tự nhiên đó đã và đang được nhân dân ta khẳng định trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa ngày nay.
          Đảng Cộng sản Việt Nam - một chính đảng duy nhất lãnh đạo cách mạng Việt Nam đã và đang không ngừng xây dựng và phát huy đầy đủ quyền làm chủ của nhân dân trên thực tế trong nền chính trị nhất nguyên.
           Nền chính trị nhất nguyên ở nước ta là do nhân dân ta lựa chọn từ chính những trải nghiệm trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc và sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự nghiệp cách mạng ở nước ta đã đem lại những quyền cơ bản nhất cho quốc gia, dân tộc và toàn thể nhân dân lao động. Đó là độc lập, tự do cho dân tộc; là quyền tự quyết dân tộc, quyền bình đẳng với mọi quốc gia khác trong việc lựa chọn con đường phát triển đi lên của mình; là quyền tự do lập hiến và lập pháp, lựa chọn và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân; là quyền bình đẳng giữa các dân tộc, giữa các thành phần kinh tế; quyền tự do làm giàu theo pháp luật, phát huy dân chủ gắn liền với giữ vững kỷ cương xã hội; là sự phát triển trong đa dạng các sắc màu văn hóa dân tộc; là sự tiến bộ trong giáo dục, văn hóa, xã hội, khoa học và công nghệ nhằm mục tiêu vì sự tiến bộ và phát triển toàn diện con người… Những thành tựu không thể phủ nhận của nền chính trị nhất nguyên đó đã khẳng định và ngày càng củng cố vững chắc hơn vai trò lãnh đạo của Đảng đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc; vừa qua nhân dân ta đã lại khẳng định một lần nữa qua Hiến pháp mới được công bố của mình.
          Dư luận quốc tế, chính phủ và nhân dân các nước dân chủ, tiến bộ trên thế giới đánh giá cao, ủng hộ Đảng Cộng sản Việt Nam và chế độ nhất nguyên ở Việt Nam.
           Trước những thành tựu to lớn của công cuộc đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo, dư luận quốc tế, chính phủ nhiều nước, các tổ chức quốc tế và nhân dân thế giới đã bày tỏ sự khâm phục và ủng hộ chế độ chính trị ở Việt Nam. Nhiều đoàn đại biểu quốc tế sang Việt Nam nghiên cứu và học tập kinh nghiệm về xây dựng sự ổn định chính trị xã hội. Thế kỷ XXI đánh dấu nhiều sự bất ổn trên chính trường thế giới, bạo loạn lật đổ ở nhiều quốc gia, phong trào li khai, hoạt động của các tổ chức khủng bố, các phong trào biểu tình, các cuộc “cách mạng” vẫn diễn ra hằng ngày đâu đó trên thế giới. Tuy nhiên Việt Nam vẫn giữ được sự ổn định về chính trị của mình. Trong một chia sẻ chân thành mới đây, nhà sử học Patrice Jorland, nguyên Chủ tịch Hội hữu nghị Việt – Pháp  nói rằng “Hơn 40 năm đã trôi qua, Việt Nam đã hòa bình, độc lập thống nhất. Qua theo dõi tin tức, tôi biết trong khoảng thời gian 10 năm trở lại đây, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế, chống đói nghèo, lương thực, giáo dục… Việt Nam có quyền tự hào về các thành tựu đó. Điều kỳ diệu là trong bối cảnh tình hình thế giới vô cùng phức tạp trên các lĩnh vực ngoại giao và  quân sự, vô cùng khó khăn về kinh tế, Việt Nam vẫn tiếp tục thành công và phát triển”.
          Còn nhiều lý do khác để khẳng định sự bác bỏ đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập ở Việt Nam là có cơ sở lý luận và thực tiễn đúng đắn. Chúng ta cần nâng cao ý thức chính trị, đề cao tinh thần cảnh giác và kiên quyết đấu tranh chống những quan điểm và tư tưởng thù địch sai trái, giữ vững ổn định chính trị ở nước ta./.
Nguồn: Văn Tư

Bài tiếp theo
« Prev Post
Bài trước
Next Post »

Nghi son