Tổng số lượt xem trang

Kỷ luật 33 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương trong 10 năm

 

Từ năm 2012 đến nay, các cấp có thẩm quyền đã kỷ luật hơn 170 cán bộ cấp cao diện Trung ương quản lý, trong đó có 33 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng.

Ban Nội chính Trung ương vừa thông tin một số nội dung liên quan đến Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (2012-2022) và kết quả trong giai đoạn này (Hội nghị sẽ diễn ra vào 30/6).

Theo đó, kết quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực 10 năm qua được thể hiện trên 6 nhóm vấn đề lớn. Đầu tiên là công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, thanh tra, kiểm toán của Nhà nước được tăng cường, phát hiện và xử lý nghiêm minh các sai phạm, siết chặt kỷ luật, kỷ cương...

Trong 10 năm qua, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 2.700 tổ chức đảng, gần 168.000 đảng viên, trong đó có hơn 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng.

Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kỷ luật hơn 170 cán bộ cấp cao diện Trung ương quản lý, trong đó có 33 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, hơn 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, đã kỷ luật 50 cán bộ diện Trung ương quản lý. Trong đó có 8 Ủy viên, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, 20 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang.

Kỷ luật 33 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương trong 10 năm - 1

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì phiên họp thứ 20 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực. (Ảnh: Noichinh.vn)

Qua thanh tra, kiểm toán đã kiến nghị xử lý trách nhiệm gần 44.700 tập thể, cá nhân sai phạm; kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính hơn 975.000 tỷ đồng, gần 76.000 ha đất; chuyển cơ quan điều tra gần 1.200 vụ việc có dấu hiệu tội phạm để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật; kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ, thay thế hơn 2.000 văn bản pháp luật.

Thứ hai, công tác điều tra, truy tố, xét xử được chỉ đạo quyết liệt, thực hiện đúng quan điểm "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai", tạo bước đột phá trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Ban Chỉ đạo) đã đưa 977 vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm vào diện theo dõi, chỉ đạo ở 3 cấp độ. Trong đó, Ban Chỉ đạo trực tiếp theo dõi, chỉ đạo 180 vụ án, 133 vụ việc; các cơ quan chức năng đã kết thúc điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm 120 vụ án/1083 bị cáo, có 37 bị cáo nguyên là cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý. 

Đáng chú ý, thời gian gần đây, các cơ quan chức năng đã tập trung điều tra, xử lý nghiêm nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn, xảy ra trong lĩnh vực y tế, quản lý, sử dụng đất đai, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp.

Công tác thu hồi tài sản tham nhũng có chuyển biến tích cực; cơ quan thi hành án dân sự các cấp đã thu hồi 61.000 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 34,7% (trong khi năm 2013, tỷ lệ này chỉ đạt dưới 10%). Riêng các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo đã thu hồi được gần 50.000 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 41,3%.

Công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực ở địa phương, cơ sở được quan tâm hơn, từng bước khắc phục tình trạng "trên nóng, dưới lạnh". Số địa phương không phát hiện, khởi tố vụ án tham nhũng mới hàng năm có xu hướng giảm dần; riêng năm 2021, có 100% các địa phương đã khởi tố các vụ án mới về tham nhũng. 

Một số địa phương phát hiện, khởi tố vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực lớn như: Hà Nội, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Phú Yên, Khánh Hòa, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, An Giang, Thái Nguyên...

Thứ ba, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế được quan tâm hơn, từng bước hoàn thiện cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để "không thể tham nhũng, tiêu cực".

Thứ tư, công tác cán bộ; cải cách hành chính, công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị và các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực được chú trọng và đạt những kết quả tích cực. 

Nhiều vấn đề tồn tại trước đây trong công tác cán bộ đã được chỉ đạo giải quyết; "chống chạy chức, chạy quyền" đã trở thành tuyên ngôn mạnh mẽ. 

Thứ năm, công tác thông tin tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được đổi mới, tăng cường; vai trò của MTTQ, nhân dân và báo chí được phát huy tốt hơn.

Thứ sáu, các cấp có thẩm quyền đã chú trọng kiện toàn về tổ chức, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo và các cơ quan, đơn vị chức năng phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Ban Nội chính Trung ương nêu rõ, kết quả đạt được trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua đã khẳng định những mục tiêu, quan điểm, chủ trương, giải pháp của Đảng và Nhà nước về lĩnh vực này, nhất là chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo trực thuộc Bộ Chính trị do Tổng Bí thư làm Trưởng ban là "hoàn toàn đúng đắn, kịp thời, phù hợp với yêu cầu thực tiễn".

Hội nghị Trung ương 5 khóa XI (tháng 5/2012) đã quyết định chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị, do Tổng Bí thư làm Trưởng ban để chỉ đạo toàn diện công tác phòng chống tham nhũng trên phạm vi cả nước.

Ngày 30/6 tới đây, Bộ Chính trị sẽ tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, chủ trì hội nghị.

Bài tiếp theo
« Prev Post
Bài trước
Next Post »

Nghi son