Tổng số lượt xem trang

"Tín dụng đen" cho công nhân vay lãi suất tới... 1.000%/tháng

 

Theo Thượng tướng Lương Tam Quang, cách thức hoạt động của "tín dụng đen" là dụ dỗ, lôi kéo công nhân vay tiền, lãi suất thường ở mức 90-100%/tháng, thậm chí lên tới 700-1.000%/tháng.

Thông tin nêu trên được Thứ trưởng Bộ Công an chia sẻ tại cuộc gặp gỡ, đối thoại giữa Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với 4.500 công nhân - lao động tại Bắc Giang sáng nay, 12/6.

Tín dụng đen cho công nhân vay lãi suất tới... 1.000%/tháng - 1

Hình ảnh cán bộ, công nhân, người lao động tại điểm cầu tỉnh Bình Phước (Ảnh: Thông tin Chính phủ).

Khó tiếp cận khoản vay từ ngân hàng nên phải tìm đến tín dụng đen

Tại buổi đối thoại, chị Trần Thị Toan (cán bộ công đoàn chuyên trách đang làm tại một công ty may mặc ở tỉnh Bình Phước) cho hay, sau dịch bệnh Covid-19, nhiều công nhân gặp khó khăn về tài chính nhưng khó tiếp cận với khoản vay cá nhân từ ngân hàng nên bắt buộc phải tìm đến các đối tượng cho vay lãi nặng (còn gọi là "tín dụng đen").

Là cán bộ công đoàn, chị bị các đối tượng cho vay lãi nặng đe dọa, bôi nhọ danh dự trên các trang mạng xã hội do công nhân trong công ty đã vay tín dụng đen. Vì vậy, chị Toan đề nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ tín dụng cho người lao động, để công nhân không phải đi vay nặng lãi, sa vào bẫy "tín dụng đen".

Tín dụng đen cho công nhân vay lãi suất tới... 1.000%/tháng - 2

Thượng tướng Lương Tam Quang - Thứ trưởng Bộ Công an (Ảnh: Nhật Bắc).

Chia sẻ về việc xử lý tiêu cực, Thượng tướng Lương Tam Quang - Thứ trưởng Bộ Công an thừa nhận, các tổ chức tín dụng đen hiện nay phạm tội rất tinh vi, thường núp bóng dưới vỏ bọc là doanh nghiệp, có chức năng hỗ trợ tài chính.

Thủ đoạn chính là cho vay không thế chấp, huy động vốn, kinh doanh tài chính, góp vốn, góp tài sản kinh doanh… Cách thức hoạt động là dụ dỗ, lôi kéo công nhân vay tiền trực tiếp hoặc qua ứng dụng, mạng xã hội hoặc núp bóng doanh nghiệp với lãi suất cao bất thường.

"Các trường hợp lãi suất vay thường là 90-100%/tháng, thậm chí lên tới 700-1.000%/tháng. Trong quá trình đó, "tín dụng đen" sử dụng nhiều thủ đoạn như đe dọa, khủng bố tinh thần, chiếm đoạt tài sản, tiền lương trả qua ATM khi người vay quá hạn đóng lãi, trả nợ" - Thượng tướng Quang nói.

Theo tướng Quang, trong 3 năm qua, Bộ Công an đã đấu tranh, phát hiện và xử lý 2.740 vụ việc với gần 5.000 đối tượng; khởi tố gần 2.000 vụ với gần 4.000 bị can, trong đó có hơn 1.000 vụ cho vay lãi nặng với nhiều bị hại là công nhân.

Để phòng ngừa, Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị 12 thông tin hướng dẫn về phương thức, thủ đoạn của các đối tượng cho vay nặng lãi nhằm nâng cao ý thức cảnh giác của người dân. Bên cạnh đó, Bộ Công an cũng đẩy mạnh thông tin về phương thức, thủ đoạn của "tín dụng đen" cho người dân cũng như công nhân. Công an các tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra hành chính các cơ sở, doanh nghiệp có hoạt động liên quan trong lĩnh vực tín dụng nhằm xử lý trường hợp lợi dụng chính sách để hoạt động "tín dụng đen".

Tín dụng đen cho công nhân vay lãi suất tới... 1.000%/tháng - 3

Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú (Ảnh: Thông tin Chính phủ).

Hoàn thiện hành lang pháp lý để công nhân dễ tiếp cận vốn tín dụng

Đề cập đến vấn đề tiếp cận tín dụng, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú lưu ý, cần phân biệt rõ hai nhóm đối tượng hoạt động tín dụng đen hướng tới.

Nhóm thứ nhất là nhóm người có nhu cầu vay chính đáng cho các mục đích như khám chữa bệnh, chi phí sinh hoạt, cần được hỗ trợ. Việc hỗ trợ nhóm này thuộc trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước cùng các cấp chính quyền.

Đối với nhóm thứ hai là nhóm người tìm đến tín dụng đen để cờ bạc, lô đề hoặc tham gia tệ nạn xã hội thì cần cơ quan chức năng vào cuộc trấn áp, dẹp bỏ kể cả "cầu" (người dân có nhu cầu không chính đáng) và "cung" (cá nhân, tổ chức lợi dụng để cung cấp tài chính).

Về phía Ngân hàng Nhà nước, ông Tú xác định, có trách nhiệm khi người dân tiếp cận tín dụng đen mà không tiếp cận được nguồn vốn chính thức. Để giải quyết, ông cho biết cần hoàn thiện thêm hành lang pháp lý để tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại mạnh dạn cho vay, không áp dụng điều kiện, thủ tục phức tạp.

"Nguồn vốn có thể chỉ vài chục triệu phục vụ nhu cầu thiết yếu sinh hoạt hàng ngày như đóng tiền học cho con cái, tiền viện phí thuốc men, đóng tiền thuê nhà, vay nóng trong một vài tuần một vài tháng…" - ông Tú nói.

Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đẩy mạnh biện pháp công nghệ tạo điều kiện cho người vay tiếp cận nguồn vốn; tăng cường cho ngân hàng chủ động tiếp cận nhu cầu vay của người dân.

Ông Tú thông tin thêm, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo FE Credit (công ty tài chính của ngân hàng VPBank) và Công ty thuộc HD Bank cam kết mỗi ngân hàng có gói 10.000 tỷ đồng với lãi suất bằng 50% lãi suất thị trường hiện nay để đáp ứng nhu cầu vay vốn chính đáng của công nhân trong các khu công nghiệp, nhà máy.

"Để đảm bảo nội dung này, Ngân hàng Nhà nước sẽ giám sát, đáp ứng nhu cầu vay chính đáng của công nhân, phối hợp Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đảm bảo khoản vay đúng đối tượng, quản lý khoản tiền vay để sử dụng đúng mục đích với mức lãi suất bằng 50% lãi suất hiện nay" - ông Tú thông tin thêm.

Chương trình đối thoại của Thủ tướng có sự tham dự của 4.500 công nhân tại điểm cầu chính Bắc Giang, 63 điểm cầu các tỉnh, thành phố và Tổng Liên đoàn Lao động. Nội dung các kiến nghị, câu hỏi xoay quanh 10 vấn đề, chủ yếu về chính sách nhà ở, tín dụng, hỗ trợ, ưu đãi cho công nhân, người lao động...

Đây là lần thứ sáu chương trình Thủ tướng Chính phủ đối thoại với công nhân được tổ chức. Hoạt động ý nghĩa này được duy trì đều đặn từ năm 2016, tới năm 2021 thì gián đoạn do đại dịch Covid-19. 5 cuộc đối thoại trước đã lần lượt diễn ra tại các trung tâm công nghiệp lớn của cả nước: Đồng Nai (năm 2016), Đà Nẵng (năm 2017), Hà Nam (năm 2018), TPHCM (năm 2019), Bắc Ninh (năm 2020).

Năm nay, Bắc Giang được lựa chọn là nơi tổ chức chương trình, mang ý nghĩa thể hiện sự phục hồi, phát triển kinh tế ngay tại nơi khởi phát đợt bùng phát dịch bệnh thứ tư.

Bài tiếp theo
« Prev Post
Bài trước
Next Post »

Nghi son