Tổng số lượt xem trang

Mục tiêu không đổi khác, con đường mà Đảng, Bác Hồ đã lựa chọn, không đổi thay

 

Mục tiêu không đổi khác, con đường mà Đảng, Bác Hồ đã lựa chọn, không đổi thay

Dương Phương Duy

 Hội nghị Trung ương 7 khóa XIII (Hội nghị giữa nhiệm kỳ) của Đảng có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; là dịp để Đảng ta nhìn lại, đánh giá một cách khách quan, toàn diện, cụ thể và thực tiễn những kết quả, thành tựu đã đạt được từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Qua đó, chỉ ra những hạn chế, yếu kém còn tồn tại; nguyên nhân và bài học kinh nghiệm; dự báo bối cảnh tình hình mới với những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đối với sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trên cơ sở đó, đề ra những chủ trương, quyết sách lớn để tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra trong nửa cuối nhiệm kỳ khóa XIII. Sau 3 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, Hội nghị giữa nhiệm kỳ khóa XIII của Đảng đã thành công tốt đẹp, hoàn thành Chương trình làm việc toàn khóa của Trung ương; góp phần quan trọng vào việc củng cố niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội (CNXH). Điều đó đã làm cho các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị tức sôi lên như “đỉa phải vôi”, tìm mọi cách xuyên tạc, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng và kết quả, sự thành công của Hội nghị giữa nhiệm kỳ khóa XIII.

1. Từ trước đến nay, nhất là từ sau Hội nghị Trung ương Đảng giữa nhiệm kỳ khóa XIII của Đảng, vấn đề độc lập dân tộc gắn liền với CNXH trở thành tâm điểm chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng; chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ ta của các thế lực thù địch. Những phần tử bất mãn, có quan điểm đối lập với Đảng, Nhà nước ta cho rằng, “Việt Nam không thể có độc lâp dân tộc gắn liền với CNXH” bởi, Hội nghị Trung ương Đảng giữa nhiệm kỳ khóa XIII của Đảng vừa kết thúc vẫn “không có gì mới”, vẫn “bảo thủ”, “trì trệ” vì tiếp tục “níu kéo mục tiêu độc lâp dân tộc gắn liền với CNXH”. Điều đó chứng Đảng Cộng sản Việt Nam “hết bài vở”, “tư duy cạn, theo lối mòn”. Theo họ, việc Đảng ta “kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với CNXH” là “sai lầm nghiêm trọng” bởi CNXH hiện thực đã sụp đổ, thế giới ngày nay đã hoàn toàn khác xưa; nhân loại đã bước vào thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0, toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế. Đây là hiện thực khách quan, mang giá trị toàn cầu. Chủ nghĩa tư bản (CNTB) mới là “đại diện chân chính” cho xu thế phát triển của nhân loại, Việt Nam phải đi theo xu thế ấy, phải bước trên con đường ấy, phải học CNTB…

Hơn thế, họ cho rằng “phải thay thế bộ máy lãnh đạo của Đảng thì Việt Nam mới cất cánh được”, “Việt Nam phải lựa chọn con đường mới là TBCN. Đó là sự “sáng suốt”, “đúng quy luật khách quan”, “thức thời, hợp mốt”. Một số đói tượng quá khích còn cho rằng, “ngày nào ở Việt Nam còn chịu sự thống trị của Đảng Cộng sản Việt Nam thì chừng ấy Việt Nam còn tụt hậu”. Từ đó, họ vu khống, cáo buộc Đảng ta làm “trái quy luật khách quan”, “cứ khư khư bám giữ món đồ cổ” là CNXH nên “tự trói buộc mình”, bị “cô lập”, “Đảng đang làm khổ dân”. Trắng trợn hơn thế, họ cho rằng, Đảng ta “một mình một chợ”, đang bị “gạt ra lề cuộc sống”, “hết vai trò lịch sử”, v.v..

2. Tại sao sau Hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ khóa XIII của Đảng, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị lại tập trung công kích, bài xích, phủ nhận những vấn đề lý luận cơ bản về CNXH và thực tiễn nóng bỏng về con đường đi lên CNXH ở nước ta, nhất là lý luận về đường lối đổi mới, về thời kỳ quá độ đi lên CNXH ở Việt Nam. Vì sao họ lại ra sức xuyên tạc, phủ nhận mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với CNXH mà Đảng, Bác Hồ và Nhân dân ta đã lựa chọn?

Tại sao trong nhiều quyết sách mà Hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ khóa XIII của Đảng đề ra, những người có quan điểm đối lập với Đảng, Nhà nước ta lại chọn “tâm điểm” chống phá là lý luận về CNXH và con đường đi lên CNXH ở nước ta? Cho rằng, Việt Nam phải lựa chọn con đường đi khác chứ không phải là tiếp tục con đường CNXH, thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với CNXH? Thực hư quan điểm này như thế nào?

Với thái độ ngông cuồng, những lời lẽ, giọng điệu hằn học, sặc mùi vu khống, cáo buộc; các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị đang gây áp lực lên Đảng, đe dọa cuộc sống hòa bình, độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc của Nhân dân ta. Quan điểm sai trái, ngang ngược, hết sức phản động của họ đã và đang tác động tiêu cực đến một một bộ phận người dân nhẹ dạ, cả tin; gây tâm lý bất bình, tâm trạng tiêu cực, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống tinh thần – xã hội và bị không ít người dân phản đối bởi tính phi lý, thiếu nhân văn của họ. Quan điểm của họ là sai trái, không thể chấp nhận vì nó ngang ngược, xấc xược, làm vẩn đục bầu không khí trong lành của xã hội Việt Nam.

Phải nói ngay rằng, hơn 93 năm qua, kể từ ngày Đảng ta ra đời đến nay, trước sau như một, Đảng ta đều nhất quán khẳng định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với CNXH là sự lựa chọn duy nhất đúng đắn, đã trở thành mục tiêu, lẽ sống của Nhân dân ta. Mỗi người dân Việt Nam yêu nước đều ý thức sâu sắc rằng: độc lập dân tộc là điều kiện tiên quyết để thực hiện CNXH và CNXH là cơ sở chắc chắn nhất để bảo đảm cho độc lập dân tộc. Đây là điều căn cốt nhất, bản chất nhất của hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của Nhân dân ta. Nó đã ăn sâu vào trí não, tâm hồn của mỗi người dân Việt Nam yêu nước, yêu CNXH, trở thành lẽ sống cao đẹp, nguyên tắc bất di bất dịch và là sợi chỉ đỏ xuyên suốt con đường cách mạng Việt Nam; đã được kiểm chứng bởi chính lịch sử chống giặc ngoại xâm, nội xâm của Nhân dân ta. Bằng xương máu và ý chí quyết tâm, bằng sự đoàn kết và lòng dũng cảm, bằng danh dự và phẩm giá, Nhân dân ta đã khẳng định điều ấy.

3. Rõ ràng, lựa chọn mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với CNXH của Đảng, Bác Hồ và Nhân dân ta là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với xu thế phát triển của cách mạng Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại. Đó là một tất yếu khách quan, không thể đảo ngược. Nó xuất phát từ mơ ước, khát vọng được sống trong hòa bình, độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc của Nhân dân Việt Nam. Đó là một giá trị cơ bản, quyết định sự phát triển của quốc gia – dân tộc Việt Nam.

Sự lựa chọn này đã khắc phục được những hạn chế, khuyết điểm của ý thức hệ phong kiến và tư sản trong nhận thức và giải quyết vấn đề độc lập dân tộc. Đây là cơ sở vững chắc nhất để xóa bỏ tình trạng người bóc lột người do chế độ cũ sinh ra; là điều kiện để thực hiện triệt để nhiệm vụ giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người và giải phóng nhân loại như các nhà kinh điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin đã xác định. Chỉ có CNXH mới đạt được mục tiêu cao cả, tốt đẹp ấy. Độc lập dân tộc gắn liền với CNXH trở thành hệ giá trị phát triển của Việt Nam dưới ngọn cờ bách chiến bách thắng của Đảng. Nhờ đó, Nhân dân ta mới giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử; mới có cơ ngơi, tiền đồ tốt đẹp và tương lai tươi sáng.

 Sự thật ấy bác bỏ mọi quan điểm sai trái, thù địch, phản động; xuyên tạc đường lối đổi mới của Đảng, chê bai, nói xấu Hội nghị Trung ương 7 khóa XIII và các quyết sách mà Hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ khóa XIII đã đề ra. Điều đó khẳng định rằng, chỉ có độc lập dân tộc gắn liền với CNXH mới thật sự là hệ giá trị đúng đắn, chính xác và là mục tiêu, lý tưởng cần có, phải giữ vững để Nhân dân Việt Nam bảo vệ lợi ích quốc gia – dân tộc; phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Ai đó đã cố tình xuyên tạc bản chất tốt đẹp của CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam vì họ đã rơi vào chủ nghĩa cá nhân, là làm trái với chủ nghĩa nhân đạo hiện thực, là đi ngược lại lợi ích của người dân và dân tộc Việt Nam. Muốn chữa “căn bệnh” này, chỉ có một thứ thuốc đặc hiệu là từ bỏ chủ nghĩa cá nhân, rũ bỏ những thành kiến, những ác cảm bởi những nhận thức sai lầm về chủ nghĩa Mác – Lênin, về vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản; về CNXH và con đường đi lên CNXH ở nước ta.

4. Trong bối cảnh hiện thời, việc đẩy mạnh tuyên truyền và lan tỏa các giá trị, hưởng ứng, truyền cảm hứng về nền tảng tư tưởng của Đảng, nhất là cuốn sách của đồng chí Nguyễn Phú Trọng – Tổng Bí thư Đảng ta về “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở nước ta”, qua đó khẳng định rõ hơn mục tiêu, con đường đi lên CNXH ở Việt Nam có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Đây là cơ sở khoa học để tiếp tục xây dựng, củng cố niềm tin tất thắng của Nhân dân vào đường lối xây dựng CNXH ở nước ta. Đồng thời, tỏ rõ thái độ kiên quyết, kiên trì đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, phản động, cơ hội chính trị; bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng là chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, giúp cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và Nhân dân nắm vững và thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu mà Đại hội XIII của Đảng và các quyết sách mà nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ khóa XIII của Đảng đã xác định. Đó là lời kêu gọi từ trái tim, mệnh lệnh của cuộc sống; danh dự và trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên, chiến sĩ, công chức, viên chức đối với Đảng, Nhà nước và chế độ XHCN lúc này.

Dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng, chúng ta tin tưởng và kiên định mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với CNXH, Nhân dân ta nhất định hiện thực hóa thành công mục tiêu dân giầu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, sớm đưa đất nước ta đi đến bến bờ vinh quang, hạnh phúc, trở thành một nước phát triển, có thu nhập cao theo định hướng XHCN. Đó cũng là minh chứng đầy thuyết phục để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; đấu tranh, bác bỏ mọi quan điểm sai trái, thù địch về xuyên tạc các quyết sách mà Hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ khóa XIII của Đảng đã đề ra./.

Bài tiếp theo
« Prev Post
Bài trước
Next Post »

Nghi son