Tổng số lượt xem trang

Việt Nam đắc cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021

Vào lúc 10h10 tối ngày 7/6 (giờ Hà Nội), Việt Nam đã được bầu làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021 trong cuộc bỏ phiếu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York, Mỹ với số phiếu 192/193. 
Việt Nam đắc cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an với số phiếu rất cao - 1
Đại hội đồng Liên Hợp Quốc 
Khán phòng vỗ tay chúc mừng Việt Nam
Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hợp Quốc Maria Fernanda Espinosa Garces hôm nay 7/6 thông báo Việt Nam đã đắc cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021 với kết quả 192/193 phiếu.
Sau khi kết quả bỏ phiếu được công bố, cả khán phòng Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã vỗ tay chúc mừng Việt Nam đắc cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an. 
Với kết quả trên, Việt Nam sẽ thay thế Kuwait tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc từ ngày 1/1/2020.
Việt Nam đắc cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an với số phiếu rất cao - 2
Khán phòng vỗ tay chúc mừng phái đoàn Việt Nam tại Liên Hợp Quốc 
Việt Nam là ứng cử viên duy nhất của khu vực châu Á - Thái Bình Dương
Trong nhiệm kỳ 2020 - 2021 bỏ phiếu lần này, Việt Nam là ứng cử viên duy nhất của khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Điều này thể hiện vai trò, vị thế, khả năng của Việt Nam trong việc đóng góp vào các vấn đề quan trọng của khu vực và quốc tế, qua đó khẳng định Việt Nam sẽ đảm nhận tốt vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Theo tài liệu ứng cử của Việt Nam: “Nếu được bầu, Việt Nam sẽ tận dụng tốt nhất nhiệm kỳ 2 năm của mình để đóng góp nâng cao hiệu quả hoạt động của hội đồng, thúc đẩy đối thoại nhằm góp phần tìm kiếm các giải pháp hòa bình cho các cuộc xung đột, và đưa tiếng nói của các nước nhỏ vào các hoạt động của cơ quan này”.
7 ưu tiên chính
Với tư cách ứng viên duy nhất của nhóm châu Á - Thái Bình Dương cho cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021, Việt Nam đưa ra 7 ưu tiên chính là: Thứ nhất, ngăn ngừa xung đột, ngoại giao phòng ngừa, giải quyết hòa bình tranh chấp và thúc đẩy thực hiện Chương VI của Hiến chương. Thứ hai, cải cách phương pháp làm việc của Hội đồng Bảo an, tăng cường vai trò của các tổ chức khu vực theo Chương VII của Hiến chương.
Thứ ba, bảo vệ thường dân, các cơ sở hạ tầng thiết yếu trong xung đột vũ trang. Thứ tư, phụ nữ, hòa bình và an ninh, trẻ em trong xung đột vũ trang. Thứ năm, giải quyết hậu quả xung đột, nhất là xử lý vật liệu nổ/bom mìn còn sót lại, phục vụ tái thiết và phát triển kinh tế xã hội. Thứ sáu, các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc. Thứ bảy, Tác động của biến đổi khí hậu đối với hòa bình và an ninh.
Việt Nam chính thức trở thành thành viên Liên Hợp Quốc ngày 20/9/1977. Việt Nam từng là thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2008 - 2009, đảm nhận vai trò Chủ tịch Hội đồng Bảo an vào tháng 7/2008 và tháng 10/2009.
Quyết định chính thức ứng cử làm thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021 được Việt Nam đưa ra từ tháng 12/2009. Việc này thể hiện chủ trương, đường lối đối ngoại đúng đắn của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là Chỉ thị 25 ngày 8/8/2018 của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030.
Tại Phiên thảo luận cấp cao Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 73 tại New York tháng 9/2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ cảm ơn 53 nước châu Á - Thái Bình Dương đã nhất trí đề cử Việt Nam là ứng cử viên duy nhất của Nhóm vào vị trí ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021 và sự ủng hộ rộng rãi của các nước khác dành cho Việt Nam.
“Việt Nam cam kết sẽ luôn là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế và Liên Hợp Quốc” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định và nhấn mạnh vai trò, cam kết của Việt Nam cùng các thành viên khác của Liên Hợp Quốc chung tay giải quyết các thách thức toàn cầu. tăng cường đối tác toàn cầu vì một thế giới hòa bình, công bằng và phát triển bền vững cho mọi người dân.
Hành trình Việt Nam tiến tới “ghế nóng” tại Liên Hợp Quốc
- Ngày 20/9/1977: Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Liên Hợp Quốc
- Năm 1996: Ký Hiệp ước Cấm thử hạt nhân toàn diện và tham gia Hội nghị Giải trừ quân bị.
- Năm 1998: Thành viên chính thức của Công ước vũ khí hóa học của Liên Hợp Quốc.
- Từ 1998-2000: Thành viên của UN ECOSOC.
- Từ 2008-2009: Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
- Tháng 6/2014: Lần đầu tiên Việt Nam cử sĩ quan tham gia lực lượng gìn gữ hòa bình.
- Từ năm 2013-2016: Thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc. Việt Nam cũng tham gia Hội đồng nhân quyền quốc tế giai đoạn 2014-2016
- Từ 2015-2019: Thành viên Hội đồng chấp hành UNESCO
- Từ 2016-2018: Thành viên UN ECOSOC.
- Từ 2017-2021: Thành viên Ủy ban Luật pháp quốc tế. Việt Nam đã trúng cử làm thành viên Ủy ban Luật thương mại quốc tế của Liên hợp quốc (UNCITRAL) nhiệm kỳ 2019-2025.
- Tháng 5/2018: Việt Nam được nhóm châu Á - Thái Bình Dương đồng thuận thông qua là ứng viên duy nhất của nhóm tranh cử làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021. Quyết định chính thức ứng cử làm thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021 được Việt Nam đưa ra từ tháng 12.2009.
- Tại Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2008-2009 Việt Nam đã bắt nhịp nhanh, tham gia đóng góp tích cực, chủ động và toàn diện trên tất cả các vấn đề của cơ quan quyền lực nhất Liên Hợp Quốc: Tham gia 1.500 cuộc họp; hai lần làm Chủ tịch của Hội đồng Bảo an vào tháng 7/2008 và tháng 10/2009; xây dựng Báo cáo năm về công việc của Hội đồng Bảo an; Soạn thảo, thương lượng giúp Hội đồng Bảo an thông qua 1 Nghị quyết 1889 về Phụ nữ và hòa bình an ninh.

Bài tiếp theo
« Prev Post
Bài trước
Next Post »

Nghi son