Tổng số lượt xem trang

'Chuyến thăm của Chủ tịch nước tạo tiền đề nâng tầm hợp tác Việt Nam - Thái Lan'

 Chuyến thăm Thái Lan của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tạo xung lực mới thúc đẩy hợp tác giữa hai nước trên bình diện song phương và đa phương, theo Bộ trưởng Ngoại giao.

Chiều 19/11, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn đại biểu Việt Nam rời Bangkok về nước, kết thúc chuyến thăm chính thức Thái Lan và dự Tuần lễ Cấp cao APEC 2022 cùng các hội nghị liên quan.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc là lãnh đạo cấp cao nước ngoài đầu tiên Thái Lan đón song phương chính thức ngay trước thềm Hội nghị Cấp cao APEC. Thủ tướng Prayut Chan-ocha cùng phu nhân và một số bộ trưởng đã ra sân bay đón đoàn hôm 16/11. Thái Lan cũng khai hoả 21 phát đại bác chào mừng. Bộ trưởng Ngoại giao đánh giá đây là cách đón tiếp "rất trọng thị, chu đáo".

"Các lãnh đạo Thái Lan đánh giá cao ý nghĩa quan trọng của chuyến thăm nhằm tạo tiền đề thuận lợi nâng tầm hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới trên cả bình diện song phương và đa phương, trong bối cảnh hai nước sẽ kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược vào năm 2023", Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nói.Bộ trưởng nêu 4 kết quả của chuyến thăm. Lãnh đạo hai nước đã thống nhất về những phương hướng thúc đẩy hợp tác. Việt Nam - Thái Lan đã ra tuyên bố chung và ký 5 văn kiện.

Hợp tác trên các lĩnh vực quan trọng, nhất là kinh tế, thương mại, đầu tư được tiếp thêm động lực mới, mở ra cơ hội mới, theo ông Bùi Thanh Sơn. Lãnh đạo hai nước nhất trí tăng cường kết nối kinh tế trên ba lĩnh vực gồm chuỗi cung ứng, doanh nghiệp và địa phương, các chiến lược tăng trưởng bền vững. Hai bên cam kết phấn đấu đưa kim ngạch thương mại song phương đạt 25 tỷ USD vào năm 2025 theo hướng cân bằng hơn.

Chuyến thăm khẳng định Việt Nam và Thái Lan là đối tác chiến lược, tin cậy trong nhiều vấn đề khu vực và quốc tế. Hai bên nhất trí duy trì lập trường chung của ASEAN về Biển Đông, duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, Công ước UNCLOS 1982.

Nói chuyện với kiều bào tại Thái Lan, Chủ tịch nước khẳng định sự quan tâm của Đảng và Nhà nước với người Việt Nam ở nước ngoài. Trong các cuộc tiếp xúc, trao đổi với lãnh đạo Thái Lan, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Thái Lan tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ cộng đồng người Việt.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-ocha gặp gỡ báo chí sau hội đàm ở Bangkok hôm 16/11. Ảnh: Nguyễn Hồng

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-ocha gặp gỡ báo chí sau hội đàm ở Bangkok hôm 16/11. Ảnh: Nguyễn Hồng

Đề cập tới Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 29 tại Bangkok, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết điểm nổi bật là sự đồng thuận về hợp tác APEC phải vượt ra ngoài các vấn đề thương mại, đầu tư truyền thống, hướng đến sự cân bằng, bao trùm.

Các lãnh đạo đã dành nhiều thời gian thảo luận về bảo đảm dòng chảy tự do của thương mại và đầu tư khu vực, kết nối toàn diện giữa các nền kinh tế, chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng cân bằng, bền vững và bao trùm.

"Việc lãnh đạo cấp cao của 21 nền kinh tế nhóm họp, ra Tuyên bố chung đã truyền đi thông điệp mạnh mẽ về hợp tác, đối thoại và chủ nghĩa đa phương", Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhận xét.

Ông chỉ ra hội nghị lần này là lần đầu tiên có sự hiện diện của một lãnh đạo châu Âu (Tổng thống Pháp Emmanuel Macron) và Trung Đông (Thái tử, Thủ tướng Arab Saudi Mohammed bin Salman). Ông cho rằng APEC lần thứ 29 đã đặt những viên gạch đầu tiên cho việc kết nối APEC với các đối tác và các diễn đàn khu vực khác.

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn. Ảnh: Nguyễn Hồng

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn. Ảnh: Nguyễn Hồng

Bộ trưởng Ngoại giao cho biết Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và đoàn Việt Nam đã chia sẻ những ý tưởng, quan điểm mới về xu thế phát triển trong giai đoạn đầy thách thức hiện nay. Việt Nam cũng chia sẻ những kinh nghiệm trong quá trình chuyển đổi xanh, chuyển đổi số và những chính sách quan trọng đang triển khai.

"Những đề xuất của Việt Nam nhận được sự hưởng ứng, đánh giá cao và được thể hiện trong văn kiện, bởi có tính đến lợi ích của tất cả các thành phần trong xã hội, nền kinh tế, cũng như cân bằng giữa lợi ích ngắn hạn, dài hạn", Bộ trưởng Sơn chia sẻ.

Ông nói thêm trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, khác biệt quan điểm giữa các thành viên ngày càng sâu sắc, Việt Nam đã cùng các thành viên chủ động tạo thêm kênh trao đổi để "thu hẹp khác biệt, tìm kiếm tiếng nói chung, duy trì đồng thuận". "Đây là điểm có ý nghĩa quan trọng đóng góp cho thành công của Hội nghị", Bộ trưởng nhận xét.

Nguồn: Báo vnexpress.net

Bài tiếp theo
« Prev Post
Bài trước
Next Post »

Nghi son