Tổng số lượt xem trang

"Không nhận hoa hồng, làm đúng quy trình" - nhiều lời thề khó tin?

 Diễn tiến quá trình điều tra vụ Việt Á cũng như một số vụ án khác liên quan mua sắm thiết bị phòng chống dịch Covid-19 khiến dư luận "ngã ngửa" với lời thề trước đó của không ít lãnh đạo CDC các tỉnh.

Công an tỉnh Thừa Thiên Huế vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam 4 tháng đối với ông Hoàng Văn Đức - Giám đốc và ông Hà Thúc Nhật - Kế toán trưởng Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Thừa Thiên Huế về hành vi "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" theo điều 222 Bộ luật Hình sự 2017.

Còn nhớ, cuối tháng 12/2021, khi trả lời phỏng vấn báo Người Lao động, đáp lại câu hỏi "có bao giờ nhận hoa hồng hoặc thứ gì mà Công ty Việt Á lại quả nhằm cảm ơn vì trúng thầu hay không", ông Hoàng Văn Đức đã nói một cách quả quyết, như đinh đóng cột: "Đời tôi biết những thứ đó nhạy cảm, xác định ngay từ khi dịch bệnh xảy ra rồi nên mình chẳng bao giờ nghĩ đến 'hoa hồng'. Cơ quan công an làm việc mà các ông ở Việt Á khai dù chỉ mua một ly cà phê cho tôi thì tôi đi tù cũng xứng đáng".

Ông Đức cũng nhấn mạnh: "Đối với tôi cứ theo quy trình thủ tục, nếu đúng quy định thì làm không thôi. Tôi cũng nói nhân viên của mình không được quan tâm những thứ đó, đặc biệt nghiêm cấm, nếu phát hiện ra tôi sẽ xử lý nghiêm".

Chính bởi ông Hoàng Văn Đức từng thể hiện quan điểm làm đúng quy trình, không nhận hoa hồng như vậy nên khi vị Giám đốc CDC tỉnh Thừa Thiên Huế bị khởi tố và bị bắt tạm giam do liên quan đến mua sắm trang thiết bị, vật tư hóa chất phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh (dù được xác định không liên quan đến vụ Việt Á) thì không chỉ riêng tôi mà nhiều người cũng "ngớ người".

Không nhận hoa hồng, làm đúng quy trình - nhiều lời thề khó tin? - 1

Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đọc lệnh bắt tạm giam ông Hoàng Văn Đức, Giám đốc CDC Thừa Thiên Huế (Ảnh: CTV).

Trở lại hồi tháng 1 vừa qua, ông Lâm Văn Tuấn - Giám đốc CDC tỉnh Bắc Giang cùng 2 đồng phạm bị khởi tố bị can và bắt tạm giam. Quá trình điều tra mở rộng vụ án, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định, ông Tuấn có hành vi thông đồng, cấu kết với Phan Huy Văn - Giám đốc Công ty Phan Anh; Phan Quốc Việt - Tổng Giám đốc Công ty Việt Á và các đối tượng liên quan vi phạm các quy định của Luật Đấu thầu khi tổ chức mua kit xét nghiệm Covid-19 do Công ty Việt Á sản xuất, tổng giá trị tổng giá trị 148,31 tỷ đồng. Theo thông tin được  đăng tải trên trang web của Bộ Công an, ông Phan Huy Văn và bà Phan Thị Khánh Vân (chị ruột ông Phan Huy Văn) thỏa thuận, nhận trên 44 tỷ đồng tiền % ngoài hợp đồng do Công ty Việt Á chuyển, Phan Thị Khánh Vân đã chi một phần tiền cho ông Lâm Văn Tuấn- Giám đốc CDC Bắc Giang.

Vậy nhưng, trước khi bị khởi tố, trả lời trên báo chí, ông Lâm Văn Tuấn vẫn khẳng định "không nhận một đồng nào từ Công ty Việt Á hay Công ty Phan Anh, còn quá trình đấu thầu thì thực hiện theo quy định, thuê đơn vị tư vấn".

Một trường hợp khác cũng từng khẳng định "làm đúng quy trình", không nhận bất kỳ khoản hoa hồng nào từ Công ty Việt Á, nhưng ngay sau phát ngôn lại vẫn bị khởi tố là ông Nguyễn Văn Định - Giám đốc CDC Nghệ An.

Cho đến nay số bị can bị khởi tố liên quan đến vụ án kit test Việt Á đã lên tới hàng chục người, trong đó có cả các quan chức cấp Vụ thuộc Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ, Giám đốc CDC cấp tỉnh. Vấn đề đáng chú ý là trước khi bị khởi tố có không ít lãnh đạo CDC khẳng định họ trong sạch, làm đúng quy trình.

Ở đây người viết không đưa ra bất cứ kết luận nào vì đó là việc của cơ quan chức năng và tòa án. Có điều, tôi vẫn không khỏi băn khoăn, thắc mắc: Nếu đã trong sạch và làm đúng quy định, quy trình thì tại sao vẫn bị khởi tố? Chẳng lẽ có bất nhất giữa lời nói và hành động của các vị cán bộ trên?

Theo lời khai của Tổng giám đốc Công ty Việt Á Phan Quốc Việt thì đơn vị này đã nâng khống giá kit xét nghiệm Covid-19 lên khoảng 45% và chi "hoa hồng" cho các đơn vị, cá nhân gần 800 tỷ đồng. Vậy thì 800 tỷ đó chi cho ai và những ai đã làm sai quy định, quy trình để mua kit xét nghiệm của Việt Á?!

Cứ cho là không có vòi vĩnh, đòi hỏi nhưng kể cả vậy thì trong trường hợp "mỡ dâng miệng mèo", cám dỗ quá lớn thì có từ chối được không? Một số người nói, đại ý rằng "ở bầu thì tròn, ở ống thì dài", nếu có cái lệ ăn chia thì người ta sao không nhận cho được ?!

Còn nhớ câu chuyện "gửi quà" của Công ty Việt Á đến lãnh đạo CDC Bình Phước. Đơn vị này mua khoảng 87.000 kit xét nghiệm phát hiện SARS-CoV-2 với tổng số tiền trên 40 tỷ đồng của Công ty Việt Á. Ông Nguyễn Văn Sáu, Giám đốc CDC Bình Phước xác nhận: "Đầu tháng 12, đại diện của Công ty Việt Á có lên gặp và gửi quà, đến tối tôi có kiểm tra thì đó là quà của công ty gửi cho tôi. Việc này tôi đã báo cáo tổ chức, báo cáo lãnh đạo các cấp" - ông Sáu nói với báo chí vào ngày đầu tháng 1/2022 và khẳng định "sẽ nộp lại cơ quan chức năng" phần quà trên.

Cũng như các vị đồng cấp khác, ông Sáu cũng nói chắc nịch: "Tôi không có một thỏa thuận hay cam kết nào về tỷ lệ phần trăm hoa hồng giữa đơn vị cung cấp vật tư sinh phẩm Việt Á với trung tâm".

Trước khi có phán quyết của tòa, theo nguyên tắc suy đoán vô tội, người viết vẫn hy vọng, vụ án này càng có ít người vi phạm càng tốt. Có điều giá như hành động "trả lại quà" của ông Sáu được thực hiện sớm hơn và giá như các Giám đốc CDC cùng những người khác đều làm được đúng như lời họ đã "thề hứa", đã khẳng định với truyền thông!

Vụ Việt Á và một số vụ án liên quan mua sắm thiết bị y tế, hóa chất phục vụ phòng chống dịch là những vụ án lớn, đang thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân, ảnh hưởng đến quyền lợi hàng chục triệu con người. Vấn đề ở đây không chỉ liên quan đến luật pháp mà còn cả vấn đề về đạo đức, vấn đề tính mạng người dân trong đại dịch. Chính vì vậy, cơ quan chức năng cần làm đến nơi đến chốn để giữ được niềm tin của người dân, không xử sai người nhưng cũng không thể bỏ lọt tội phạm.

Bích Diệp

Bài tiếp theo
« Prev Post
Bài trước
Next Post »

Nghi son