Tổng số lượt xem trang

Tư tưởng “6 dám” của Đại hội XIII và chuyện “ông khoán hộ” Kim Ngọc

 Trong Văn kiện Đại hội Đảng Khoá XIII, Đảng ta đã có giải pháp cởi bỏ áp lực giúp cho các cán bộ lãnh đạo mạnh tay làm việc hơn. Họ vốn dũng cảm, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, nhưng nhiều lúc “có chuyện” khi đối chiếu các quy định, cơ chế, nên có thể sai sót, vi phạm, thậm chí phải chịu kỷ luật.

Một khi đã có cơ chế rõ ràng, ai có tư tưởng” 6 dám”: “Dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung”, họ sẽ ráng làm tốt và mạnh dạn hơn khi xử lý công tác được giao. Nhiều khi, do “vướng trên, vướng dưới”, nên cán bộ cơ sở rất khó làm nếu không chấp nhận mạnh tay, dấn thân, không ngại bị trên” soi”…

Bất an cho người lãnh đạo

Mấy chục năm qua, trong không khí Đổi mới, đất nước ta đã xuất hiện những nhân tố mới trong cung cách quản lý và phát triển kinh tế, xã hội nước nhà, sự tích cực là cơ bản.

Cũng có những vụ việc sai phạm đáng tiếc xảy ra mà sâu xa cũng do cơ chế chưa hanh thông và nhất quán. Chuyện “sáng đúng, chiều sai, mai lại đúng” nhiều khi cũng oái oăm, trớ trêu khó đỡ. Chúng ta đã mất đi những cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước Đảng, trước dân cũng là vậy .

Tuy nhiên, không ít cán bộ lãnh đạo đã lợi dụng những lỗ hổng của cơ chế, chính sách, pháp luật để làm bừa, làm ẩu chỉ vì lợi ích nhóm, đâu phải vì Nhân dân, vì chế độ!  Điều này cần được lên án và cần tẩy trừ khỏi đời sống xã hội.

Vì thế, với những người được xem là” bạo tay “nói trên, cần phải suy xét công tâm việc họ làm, giữa công và tội trước Đảng trước Dân. Ví dụ này trong thực tế có quá nhiều nên tôi không muốn đi sâu phân tích.

Mặc dù vậy, chúng ta đang rất cần có quy định chặt chẽ để bảo vệ và khích lệ những cán bộ dũng cảm, dám chấp nhận dấn thân để Đổi mới, để đất nước có thời cơ được tăng tốc mà không bỏ lỡ …

Chuyện “ông khoán hộ” Kim Ngọc 

Những năm 60, 70, 80  của thế kỷ trước, dù Đảng ta chưa có cơ chế và giải pháp giúp và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm,  đất nước đã xuất hiện những con người một lòng vì dân vì nước, chấp nhận hậu quả với cá nhân mình, nếu tổ chức không chấp nhận việc họ làm, thậm chí có khi còn quy chụp này nọ.

Cố Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Kim Ngọc là nhân vật rất đáng nể trọng trong giai đoạn lịch sử đó dưới con mắt của mỗi chúng ta hôm nay. Ngay từ những năm 1965 – 1966 ông Kim Ngọc đã có tư tưởng rất mới.

Tôi có 2 người bạn thân, chúng tôi học cùng khoá XV Học viện Chính trị  Cao cấp Nguyễn Ái Quốc (1988-1990). Họ đều có biết ít nhiều những gì xung quanh câu chuyện “ông khoán hộ ” Kim Ngọc,  với những điều rất đáng suy ngẫm.

Tư tưởng "6 dám" của Đại hội XIII và chuyện "ông khoán hộ" Kim Ngọc - Ảnh 2.
Ông Kim Ngọc (ở giữa) tháp tùng Bác Hồ về thăm tỉnh. Ảnh: Cổng thông tin điện tử tỉnh Vĩnh Phúc.

Người đầu tiên là cố Giám đốc Đài Phát thanh Truyền hình Vĩnh Phúc, anh Trần Văn Liên. Anh là con rể ông Kim Ngọc. Anh Liên kể với tôi rằng khi anh còn đang thập thò ngoài cửa nhà bí thư Tỉnh ủy để “cưa cẩm” con gái ông, một lần anh đến nhà chị khi có ông Nguyễn Ngọc Trìu từ Hà Nội về tỉnh công tác. Lúc đó, theo anh Liên nhớ, ông Trìu  đang làm  Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp. Ông Trìu vốn cũng có tư tưởng rất mới về phát triển nông nghiệp, thế nhưng có lẽ ông chưa thật mạnh dạn thuyết phục cấp trên nên còn “nghe ngóng”. Hôm đó, câu chuyện cũ về “khoán hộ” là sai hay đúng thế nào được họ đề cập  vẫn chưa có hồi kết.

Lúc đầu, hai ông còn tâm sự nhỏ nhẹ, rồi bỗng dưng thấy tiếng của chiếc tách sứ đập mạnh xuống bàn. Anh chị để ý thì thấy tách trà của ông Kim Ngọc sóng sánh đầy nước ra bàn.

Anh Liên nghe rõ câu nói của người cha vợ tương lai lúc này có phần lớn tiếng hơn trước, lại có vẻ bức xúc và rất nặng nề: “Nông dân tỉnh tôi còn khó khăn trăm bề, anh hiểu chứ? Họ làm vẫn không đủ ăn đâu! Anh em cán bộ mình có chế độ tem phiếu nên còn có cơm mà ăn đều 2 bữa. Người nông dân ở đây  đói lắm, nay mình đã có được 2 bữa cơm rồi thì cũng phải nghĩ cách sao để người dân có được bữa cơm, bữa cháo chứ sao lại để họ đứt bữa được? Chúng ta làm lãnh đạo mà không lo được chuyện đó thì đau lắm!”

Mãi sau này tư tưởng phá bỏ mọi rào cản của cơ chế để giúp cởi trói cho nông dân mới được đưa ra trong “khoán 10”, nhưng nỗi day dứt của cố Bí thư Kim Ngọc có từ trước đó rất lâu.

Người thứ hai, anh Nguyễn Văn Đoàn, nguyên là vệ sĩ tiếp cận của Bác Hồ lúc sinh thời. Anh cũng khá tường về câu chuyện ông Kim Ngọc và vì sao Bác Hồ và Chủ tịch UBTV Quốc hội Trường Chinh ngày đó rất trăn trở việc Vĩnh Phúc giấu chuyện khoán  hộ với Trung ương. Sau này, anh Đoàn về công tác tại Khu Di tích nên anh càng có nhiều cơ hội nghiên cứu sâu câu chuyện đó.

Khi tôi hỏi anh chuyện bút tích của Bác Hồ ghi bên lề bài báo hiện vẫn đang đặt trong hộp kính trên bàn làm việc của Người tại Nhà sàn Phủ Chủ tịch, anh kể khá chi tiết. Đó là tờ báo Hà Nội Mới số ra ngày 21/3/1969, có bút tích của Bác viết bên lề bài báo “Những thiếu sót trong thực hiện 3 khoán ở các Hợp tác xã nông nghiệp”.

Bác Hồ có ghi: “Kính gửi đồng chí Trường Chinh! Xem xong, xin trả lại cho B.” (B. tức là Bác – cách viết của Người hồi đó).

Anh Nguyễn Văn Đoàn phân tích cho tôi hiểu: “Bài viết này, tác giả có đề cập tới hiện tượng khoán của Vĩnh Phúc đã diễn ra với những gì gọi là thiếu sót. Phải chăng Bác cũng mới chỉ lưu ý và còn muốn tiếp tục theo dõi thêm chứ chưa quy kết sai, đúng ngay? Một nguyên tắc nữa, nếu là bài viết cần lưu trữ, Bác thường ra ký hiệu cho người giúp việc động tác “cắt, dán”. Còn đây thì Bác không ghi gì. Có thể Bác còn muốn để trên bàn lâu hơn nữa, tiếp tục lưu tâm chuyện này chăng? Còn việc Bác chuyển bài viết đó cho ông Trường Chinh, khi đó là Chủ tịch UBTV Quốc hội là muốn trao đổi và để cùng có hướng xử lý”.

Sau này, trong một lần có dịp được đến thăm ông Trường Chinh, cha tôi đã hỏi nguyên do hồi đó Đảng ta yêu cầu ông Kim Ngọc phải kiểm điểm chuyện “bật đèn xanh” cho nông dân Vĩnh Phúc được giao khoán hộ mà không xin phép Trung ương. Ông Trường Chinh có nói đại ý rằng, đó là một câu chuyện rất dài và phức tạp. Nếu ngày đó chúng ta để các tỉnh cùng làm theo hướng đó, tư tưởng tư hữu của người nông dân sẽ nảy sinh, chiến tranh thì vô cùng gian khổ mà vẫn chưa kết thúc sẽ thành chuyện lớn. Nếu như thế, làm sao chúng ta có thể huy động sức người sức của cho mặt trận?

Tôi chưa nghe và chưa đọc ở đâu về bất kỳ một tài liệu nào xung quanh vấn đề vì sao Đảng không cho Vĩnh Phúc tiếp tục khoán hộ, cũng như chưa được giải đáp chính tắc về câu chuyện mà tôi vừa kể trên. Song có thể phỏng đoán, Đảng có những băn khoăn nhất định cần hiểu cho đúng và chia sẻ. Đây là điều mà chúng ta chưa có dịp tìm hiểu và” giải mật” hoàn chỉnh, đủ thuyết phục .

Số phận của người có tư duy “khoán hộ” Kim Ngọc gặp long đong một thời gian dài, tuy rằng ông không hề bị kỷ luật cách chức gì như đồn đoán. Thậm chí, khi sáp nhập 2 tỉnh, ông Kim Ngọc vẫn làm tiếp Bí thư Tỉnh ủy thêm một thời gian rồi mới nghỉ vì  lý do… sức khoẻ.

Điều đó có thể lý giải là trong Đảng ta lúc đó, quan điểm cho rằng “chế độ tư hữu sẽ hằng ngày, hằng giờ đẻ ra chủ nghĩa tư bản” vẫn rất nặng nề, khó lý giải thỏa đáng. Đó là sự lo lắng cho cái điều lẽ ra rất không nên: Lo dân giàu sớm(?!).

Dù chỉ học hành hết lớp 7, nhưng tư duy của Bí thư Kim Ngọc đã vượt rất xa so với thời cuộc. Ông cũng đâu cần Đảng phải có khung khổ pháp lý cùng cơ chế để bảo vệ cán bộ “6 dám”như vừa qua. Đó chính là điều khiến chúng ta càng kính trọng và khâm phục ông Kim Ngọc, một người đi trước về tư tưởng nhiều lắm.

Chính những năm 65-67, khi Vĩnh Phúc làm “khoán hộ”, đời sống của người dân khấm khá, ông Trường Chinh (chứ không phải ai khác) khi thăm Vĩnh Phúc đã “xuất khẩu thành thơ”: “Phù Lập làm phân thật khác thường/Phương Trù thuỷ lợi đáng nêu gương/Chăn nuôi tập thể Hoà Loan giỏi/Cây rợp bên đường bóng Lạc Trung” (tên các địa danh ở tỉnh Vĩnh Phúc).

Tư duy Đổi mới và bản lĩnh của người lãnh đạo hôm nay, nếu như có thêm “cây gậy 6 dám” làm điểm tựa giúp họ tự tin, tôi cho rằng sẽ có thêm nhiều cán bộ năng động hơn thế. Việc Đảng ta sau này sẽ ban hành cơ chế để bảo vệ những người “dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung” là rất quan trọng. Nó sẽ giúp chúng ta chiến thắng mọi sức ỳ không đáng có trong đội ngũ cán bộ có chức, có quyền hiện nay còn ngại ngùng đổi mới, để họ làm tốt hơn bổn phận được giao.

Và như vậy, đất nước sẽ càng phát triển vững chắc hơn, tiến bộ nhanh hơn. Nhân dân sẽ được nhờ cũng là tất nhiên khi người lãnh đạo có ý chí, khát vọng vươn xa, không ngại vướng víu khi đã có “cây gậy của Đảng”  giúp bảo vệ mình…

Quốc Phong

Bài tiếp theo
« Prev Post
Bài trước
Next Post »

Nghi son