Tổng số lượt xem trang

Tính dân tộc của người Việt Nam

Trả lời nhà báo quốc tế vào tháng 12/1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng phát biểu: “Nói rằng lúc còn thanh niên, tôi theo “chủ nghĩa dân tộc”, có lẽ không đúng. Vì hồi đó tôi chỉ biết thương đồng bào tôi, chứ chưa biết “chủ nghĩa” gì cả. Khi đi sang châu Phi, tôi thấy nhân dân thuộc địa ở đây cũng cực khổ, cũng bị áp bức, bóc lột như nhân dân Đông Dương. Khi sang các nước châu Âu, tôi thấy ở đó cũng có một số người rất giàu, “ngồi mát ăn bát vàng”, và lớp người nhân dân lao động rất nghèo khổ.
Tôi suy nghĩ nhiều lắm. Trong lúc đó thì Cách mạng Tháng Mười vĩ đại thành công ở Nga. Lenin tổ chức Quốc tế Cộng sản. Rồi Lenin phát biểu Luận cương cách mạng thuộc địa. Những việc đó làm cho tôi thấy rằng: Nhân dân lao động Đông Dương, nhân dân các thuộc địa và nhân dân lao động muốn tự giải phóng thì phải đoàn kết lại và làm cách mạng. Vì vậy, tôi trở nên người theo Chủ nghĩa Marx-Lenin.”
Ấy tức, trước khi là một người cộng sản, Nguyễn Ái Quốc là một người Việt Nam!
Câu hỏi đặt ra ở đây, lãnh tụ Hồ Chủ Tịch có phải là một người theo “chủ nghĩa dân tộc” không?” Đáp: Có, dứt khoát là có, nhưng đó là chủ nghĩa dân tộc yêu nước thương dân, tất cả vì non sông đất nước. Là chủ nghĩa dân tộc đặc biệt: chủ nghĩa dân tộc vô sản, với thế giới quan Marxist-Leninist và tư tưởng Hồ Chí Minh.
Đó mới thực sự là chủ nghĩa dân tộc mà thanh niên Việt Nam nên tìm hiểu để hướng tới, học tập và làm việc theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh!
Tính dân tộc của người Việt Nam
Chỉ đáng tiếc, có nhiều người không phân biệt được mà đang dần rời xa điều này.
Chủ nghĩa dân tộc khác với Chủ nghĩa dân tộc cực đoan.
Chủ nghĩa dân tộc, thời mới ra đời thì nó được hiểu nôm na là tâm lý, hệ tư tưởng, thế giới quan của những người thích những dân tộc này hơn những dân tộc khác, thường tán dương dân tộc mình, và có ý hạ bệ các dân tộc khác.
Về bản chất, chủ nghĩa dân tộc mâu thuẫn với chủ nghĩa xã hội trong tiến trình phát triển và sự xích lại gần nhau của các dân tộc trong thế giới đại đồng.
Chủ nghĩa dân tộc có nhiều biến thể. Từ chủ nghĩa sô-vanh (Chauvinism) phát xít trắng trợn cho đến chủ nghĩa dân tộc tinh tế được che đậy bằng những lời lẽ Marxist sáo rỗng. Nó là chủ nghĩa nước lớn của một dân tộc đi áp bức và khinh miệt các dân tộc khác, lại cũng là chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi của dân tộc bị áp bức, biểu hiện trong khuynh hướng khép kín và không tin vào các dân tộc khác.
Chủ nghĩa dân tộc có điểm lợi thế, đó là phát huy tinh thần yêu nước, và khơi gợi lòng tự hào dân tộc. Nên nhớ, yêu nước là tốt, nhưng chúng ta cần yêu nước với trái tim nóng và cái đầu lạnh, nếu không tỉnh táo rất có thể thành mù quáng. Vậy nên, mặt trái của chủ nghĩa dân tộc là chủ nghĩa/tư tưởng đế quốc, những người này tuyên truyền cho việc hòa tan các dân tộc và các sắc tộc vào trong các dân tộc “kiểu mẫu”, những dân tộc tự cho mình là thượng đẳng và có quyền thống trị các dân tộc khác.
Đó là thứ chủ nghĩa dân tộc cực đoan!
Nếu chủ nghĩa dân tộc là ngọn gió nâng cánh diều vút bay, thì chủ nghĩa dân tộc cực đoan là cơn lốc thổi toác cả cánh diều đứt dây. Vậy nên, chúng ta cần loại bỏ dần những tư tưởng mang “chủ nghĩa dân tộc cực đoan”, tránh việc Việt Nam sẽ biến thành một Việt Quốc Xã trong tương lai.
Tôi lấy ví dụ, có nhiều bạn trẻ ngày xưa luôn ước giá như ngày xưa các cụ “mạnh chân ga” thì chúng ta ngày nay đã đánh chiếm cả Thái Lan. Hay như việc ước sao không nuốt luôn Cambochia chứ giúp gì thứ vô ơn, hay như việc bỉ bôi gọi những người Đông Nam Á khác là Pinoy, Indog, Miên mọi, Thái dúi … đó là một kiểu “thượng đẳng trong tâm tưởng”, một dạng thức của chủ nghĩa dân tộc cực đoan.
Hoặc như một đoạn văn mẫu: “Đế quốc An Nam lại lần nữa gầm ra lửa, Đảng ta minh bạch muôn đời. Dân ta bá chủ thế giới”, từng được rất nhiều bạn trẻ mang ra để đi spam.
Này, nghĩ vui vui thế thì chẳng sao, nhưng thực sự nghĩ như vậy không ổn đâu nhé. Nhớ, chủ nghĩa dân tộc là biết tự hào về những giá trị tốt đẹp và khao khát sửa chữa những yếu kém của nước mình; chủ nghĩa dân tộc cần đi kèm với nhận thức đúng đắn, chúng ta tự hào về dân tộc mình nhưng không ngăn cản việc người khác thừa nhận lòng tự hào của họ về đất nước mình, với những giá trị tốt đẹp của riêng họ.
Tuy nhiên, chủ nghĩa dân tộc cực đoan thì khác, nó luôn thổi phồng những giá trị tốt đẹp lên quá đáng và phủ nhận hầu hết những yếu kém, tiêu cực của nước mình, đồng thời khinh thường những giá trị tốt đẹp của nước khác.
Chủ nghĩa dân tộc cực đoan luôn tự cho dân tộc mình là “vĩ đại nhất”, nhưng một dân tộc không nhất thiết cần phải vĩ đại nhất, chúng ta thấy nó đẹp là đủ.
Sính ngoại và tự nhục không phải một dạng thức của chủ nghĩa dân tộc
Chính nhờ Nho giáo, Phật giáo lẫn nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, người Việt Nam có những nét tính cách truyền thống như lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, coi trọng tình nghĩa, cần cù, hiếu học.
Trong tính cách nói chung của con người Việt Nam và trong từng nét tính cách nói riêng đều ẩn chứa tính hai mặt, cái tốt và cái xấu, giá trị và phản giá trị. Chủ nghĩa yêu nước là sợi chỉ đỏ xuyên suốt toàn bộ lịch sử Việt Nam từ cổ đại đến hiện đại.
Nhận xét về dân tộc Việt Nam, đầu thế kỷ trước cụ Phan Chu Trinh từng nói: “Dân tộc nước Nam, trên lịch sử, có hai đặc tính cực đoan phản đối nhau: một là đặc tính bài ngoại và ỷ ngoại; hai là đặc tính tự tôn và tự ti… rồi trong khi phát hiện lại đều đi tới cực đoan …”
Mà thứ gì đã cực đoan, đều rất là nguy hiểm!
Ví dụ như ỷ ngoại đến phát cuồng, tôi gọi đó là kiểu “cuồng Mỹ, sính Tây, thờ Nhật”, và cho rằng đấy mới là xứ sở văn minh. Nhiều người quan tâm yêu thương con chó còn hơn cả người thân, trong đầu luôn mặc định chỉ có Tây là nhất, là văn minh. Và có những người bài ngoại đến phát khiếp, ví dụ như ra rả lên tiếng chửi Tàu khựa “thâm nho nhọ đít”, bài Tàu tích cực nhưng khi Trung Quốc cựa mình cái là run, kêu gào” sắp mất nước tới nơi rồi”.
Và nếu trước kia có một thứ gọi là “tự ti”, thì giờ nó phát triển thành “văn hóa tự nhục”. Nhờ có Mạng xã hội lan tỏa, nỗi nhục của một người được chia sẻ nhanh chóng trong cả một cộng đồng thích tự nhục. Mà ghê hơn, họ không muốn tự thấy nhục một mình, đằng này họ cứ thích nâng tầm thành “nỗi nhục quốc thể” với mong muốn người khác phải nhục cùng.
Nhắc cho các bạn nhớ, những kẻ luôn cảm thấy Việt Nam chẳng làm được cái gì nên hồn là những kẻ sính ngoại, luôn tự nhục về đất nước. Dĩ nhiên, hầu hết những kẻ này chẳng bao giờ chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa dân tộc cả. Nói tự nhục là một dạng của chủ nghĩa dân tộc là sai lầm, rất sai lầm.
Tự ti về dân tộc, đó chính là trạng thái cảm xúc đau đớn và bất lực khi thấy những điểm tiêu cực và yếu kém của đất nước, đó mới chính là một dạng thức của chủ nghĩa dân tộc, một tư duy nhược tiểu. Vậy nên, thường cái tư tưởng này chỉ xuất hiện nhiều đối với dân của những quốc gia chư hầu, hoặc đói kém lạc hậu, những người yêu nước nhưng cảm giác bản thân bất lực, họ rất dễ tự ti về đất nước mình.
Tự ti quá lâu, rất dễ đâm ra tự huyễn hoặc bản thân, chìm trong tư tưởng AQ u mê không lối thoát.
Cần định vị đúng về tính dân tộc để tự hào Việt Nam đúng cách.
Có một câu nói rất hay như thế này: Thảm họa, là khi lũ ngu bắt đầu yêu nước. Lũ ngu ấy, cư dân mạng hay gọi là “bò đỏ”.
Thật ra yêu nước là đúng, nhưng một đám người hoặc chỉ “đú Đảng và yêu nước theo phong trào”, hoặc là quá tự tôn về dân tộc, xem cái gì của người Việt cũng là thượng đẳng, thì đó lại là không đúng. Chúng ta tự hào thôi, đừng tự tôn thái quá!
Chỉ có điều, với sự phát triển của MXH, nhiều “blogger đỏ rực” định hướng, có không ít những thanh niên Việt Nam đang tự hào dân tộc vì những thứ nhảm nhí, không đáng để tự hào. Và hễ một ai chỉ ra những điểm bất cập còn tồn đọng ở Việt Nam, chúng chụp mũ cho tội tự nhục. Hễ một ai nói rằng nước nào đó hơn Việt Nam ở điểm này điểm kia, lập tức chúng quy là ba que. Hễ mà ai không đồng ý với ý kiến đó, chúng kết tội là phản động. Tư tưởng ấu trĩ và buồn cười không sao chịu nổi.
Tôi nhắc lại, ba điểm then chốt làm nên tính dân tộc đó chính là: Văn hóa, lịch sử và giáo dục.
Có một số học giả, khi nghiên cứu về văn hóa người Việt, họ dùng góc nhìn thứ ba để đánh giá về tính dân tộc của Việt Nam. Lợi thế đó chính là cái nhìn đa chiều, khuyết điểm đó là nhìn sự vật không rõ ràng. Tôi nghĩ, nếu một người Việt Nam nghiên cứu về tính dân tộc, trước tiên phải dùng lập trường của chính người Việt Nam để đánh giá vấn đề. Sau đó mới từ tư nâng cao, suy xét để có cái nhìn đa chiều, khách quan.
Tinh thần dân tộc chính là yếu tố cốt lõi để xây dựng và bồi dưỡng lòng tự hào dân tộc. Một đất nước, một dân tộc có trở nên cường thịnh được hay không, tinh thần dân tộc chính là yếu tố cốt lõi.
3.1 Tự hào về một Việt Nam có cội nguồn bản sắc văn hóa truyền thống sâu sắc
Lịch sử thế giới cho đến nay hầu như tất cả các dân tộc khi bị đô hộ trực tiếp liên tục trong khoảng gần 200 năm thì đều bị đồng hóa; riêng có hai dân tộc không bị như thế là, đó chính là Do Thái và Việt Nam.
Nhiều người không biết rằng, dân tộc Do Thái đã từng mất nước gần 2.000 năm. Trong nhiều quãng thời gian dài họ còn không còn Tổ quốc, công dân tản mát ly tán nhiều nơi, từng đối mặt với nạn diệt chủng của Hitler. Khi kết thúc Thế chiến II, họ kịp tập hợp lại để giành một phần lãnh thổ, lập nên nhà nước Israel. Tôi không thích người Do Thái, nhưng cũng phục tính dân tộc của họ. Sở dĩ người Do Thái làm được điều kỳ diệu đó trước tiên là nhờ gìn giữ được văn hóa, nuôi dưỡng được sức sống của một tinh thần dân tộc.
Việt Nam chúng ta cũng chịu gần ngàn năm Bắc thuộc, chúng ta bị đô hộ trực tiếp bởi dân tộc Hán của Trung Quốc – họ đông và mạnh hơn ta gấp bội về nhiều mặt, họ có một nền văn hóa rất “mạnh” nhưng dân tộc Việt Nam vẫn không bị đồng hóa. Đó là sự bất diệt, một sức sống mãnh liệt, bền bỉ, trường tồn. Đó là tinh thần dân tộc Việt, tinh thần con Rồng cháu Tiên đấy!
Gìn giữ được văn hóa truyền thống sẽ xây dựng được tính dân tộc, còn tính dân tộc thì đất nước ấy mới thực sự tồn tại.
Sau trận Điện Biên Phủ, tướng De Castries – Chỉ huy trưởng tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ khi về Pháp đã phải điều trần trước Ủy ban Điều tra của Bộ Quốc phòng Pháp đã thồn thức trong bất lực: “Người ta có thể đánh bại một quân đội, chứ không thể đánh bại được một dân tộc”.
Neil Sheehan, một nhà báo/kí giả nổi tiếng người Mỹ sau khi trở về từ Chiến tranh Việt Nam đã có bài đăng trên Tờ The New York Times số T10/1966, trong đó có đoạn: “Một đôi quân đánh thuê, dẫu có đông bao nhiêu, trang bị hiện đại bao nhiêu cũng sẽ thua quân đội Bắc Việt. Bởi vì, những người lính Bắc Việt ấy họ chiến đấu vì lý tưởng”.
Không tự hào vì điều này thì tự hào vì điều gì?
3.2 Nhận thức đúng và đủ về tính dân tộc để mà tự hào
Tôi từng đọc một bài viết trên Monster Box, đại khái người ta nói rằng Việt Nam chúng ta không có bất kỳ công trình đồ sộ nào ở cả văn học, khoa học, kiến trúc… cũng chẳng đóng góp vào phát minh mang tính cách mạng nào. Người Việt Nam khá trung tính, chả có gì nổi bật, lại dễ dãi, mê hư vinh.
Họ còn trích dẫn câu nói của Tản Đà: “Dân hai lăm triệu ai người lớn/ Nước bốn ngàn năm vẫn trẻ con.”, sau đó nói rằng dân Việt Nam còn “trẻ con” lắm, thích khen, ảo tưởng rất nặng trong tâm lý.
Tôi không đồng ý với nhận định này. Nó có thể đúng với người Việt 100 năm trước, nhưng nó không đúng với người Việt bây giờ. Bởi tính dân tộc có thể được bồi đắp, phát huy, thích nghi và thay đổi.
Chế độ tốt sẽ sinh ra con người tốt, con người tốt sẽ dần sinh ra sự tích cực trong tính dân tộc. Nói các bạn nghe, chế độ XHCN hiện đang là mô hình/thể chế ưu việt hơn tất cả các chế độ hiện tại. Những kẻ hay chửi cộng sản, chửi XHCN, hay bảo tôi “hủ nho bò đỏ” gì đó, nhiều khả năng còn chưa đọc hiểu hết một quyển Triết, tư tưởng Marx-Lenin, chứ đừng nói nghiên cứu qua quyển Tư Bản của Marx.
Lập trường sẽ quyết định góc nhìn, tư duy sẽ quyết định chiều sâu, thế giới quan sẽ quyết định sự đầy đủ của hình ảnh. Cùng một sự vật hiện tượng, dưới lập trường khác nhau, tư duy khác nhau sẽ cho ra kết quả khác nhau.
Như tôi đã nói, tính dân tộc của Việt Nam nổi bật nhất chính là “kiên cường bất khuất”, nhưng người ta còn có thể hiểu sang được là “húng chó, toxic”. Một nhận định “Việt Nam trung tính, chẳng có gì nổi bật” có thể hiểu sang nghĩa khác đó chính là tính linh hoạt, dễ thích nghi của người Việt Nam. Điều ấy được quyết định bởi góc nhìn, tư duy và kiến thức đấy.
Một đất nước xuất phát điểm là một nước nông nghiệp lạc hậu, một đất nước nổi tiếng vì thời gian chiến tranh còn nhiều hơn hòa bình, một đất nước đã phải từng đương đầu với 4/5 gã đế quốc trong Hội đồng bảo an, bị hầu như cả thế giới cấm vận và ngoảnh mặt, ấy vậy mà vẫn có một Việt Nam như ngày nay – ắt đất nước ấy phải có gì đặc biệt hơn, đúng không?
Đó, tinh thần dân tộc và lòng tự hào chính là yếu tố cốt lõi để làm nên những thành tích ấy đấy!
Chúng ta cần định vị được tính dân tộc của Việt Nam, biết để mà tự hào cho đúng. Việt Nam không nổi tiếng sáng tạo như dân Do Thái, vậy việc gì phải cố gắng để tìm kiếm các phát minh, sáng chế của người Việt ra để so với thế giới. Nhưng một khi có những thứ như thế, điều cần làm là chúng ta phải tự hào chứ, đúng không?
Dân Việt Nam khát khao cầu tiến và học hỏi, nhưng luôn có ý thức về giống nòi khác biệt, luôn tìm cách cải tiến những gì của thế giới, đem hồn Việt nhập vào trong đó. Nhìn lại những gì Việt Nam đã làm được so với bạn bè anh em thế giới, chúng ta cần tự hào chứ, rõ ràng rồi. Nhưng dừng lại ở mức tự hào, đừng nâng nó trở thành tự tôn kiểu thượng đẳng, vì như thế là nó bóp nghẹt sự phát triển của một dân tộc.
Dĩ nhiên rồi, đất nước chúng ta còn thua kém nhiều bạn bè quốc tế về nhiều mặt. Hay người Việt Nam còn có không ít “thói hư tật xấu”, chúng ta cần nhìn nhận cho đúng để mà biết phát huy điểm mạnh, khắc phục điểm yếu. Tự hào dân tộc không phải là cố giấu diếm những điểm yếu kém và tâng bốc lên mây xanh những ưu thế, vì đó là tự tôn sĩ diện quá mức, đó chính là chủ nghĩa dân tộc cực đoan – một con dao hai lưỡi và nguy hiểm.
Chính vì khi Hitler – một người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan lên nắm quyền, nước Đức đã vụt lột xác trở thành một cường quốc khi từng kiệt quệ sau thế chiến thứ I, trở thành nỗi kinh hoàng của cả thế giới trong thế chiến thứ II, nhưng cũng vì thế mà suýt biến thành mồ chôn nước Đức.
Sau mấy trăm năm tồn tại, với xuất phát điểm là “hợp chủng quốc”, nước Mỹ thay vì việc xây dựng tính dân tộc (khó khăn và chông gai) thì họ chọn việc “tự do văn hóa, dân chủ chính trị”, chính vì thế để người Mỹ không có tính dân tộc. Sở dĩ có một nước Mỹ hùng cường như thế ấy là hưởng lợi từ chiến tranh, giầu lên từ bóc lột và ăn cướp, không xuất phát từ giá trị nội tại của đất nước. Theo tôi, “Make America Great Again” của D.Trump sẽ gặp rất rất nhiều khó khăn bởi một đất nước mà đã phân chia giai cấp quá lớn mà người dân còn mạnh ai nấy sống.
Hay nhờ có tự hào dân tộc, Trung Quốc vụt lột xác từ “công xưởng của thế giới” biến thành cường quốc kinh tế số 2 thế giới, trở thành một siêu cường theo đúng nghĩa thực của nó.
Cũng vì tinh thần dân tộc, mới có một nước Nga Xô Viết chiến thắng trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại. Hoặc như Putin, chính nhờ khơi gợi tinh thần dân tộc của người Nga mới có thể vực dậy một đất nước tan hoang và kiệt quệ sau khi Liên bang Xô Viết tan rã.
Cuối bài viết, xin trích dẫn lại một đoạn mà tôi thuộc nằm lòng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Lúc đầu, chính là chủ nghĩa yêu nước, chứ chưa phải chủ nghĩa cộng sản đã đưa tôi tin theo Lenin, tin theo Quốc tế thứ ba. Từng bước một, trong cuộc đấu tranh, vừa nghiên cứu lý luận Marx-Lenin vừa làm công tác thực tế, dần dần tôi hiểu được rằng chỉ có CNXH, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ.”
Tinh thần dân tộc là yếu tố sống còn của một đất nước, một dân tộc. Một khi đánh mất nó, hầu như là mất tất cả!
Đạo Sỹ
Bài tiếp theo
« Prev Post
Bài trước
Next Post »

Nghi son