Tổng số lượt xem trang

10 năm Mùa xuân Ả Rập: Hy vọng về nền dân chủ, hòa bình, ổn định và cuộc sống tốt đẹp hơn đang tan vỡ

 Mùa xuân Ả Rập, một trong những sự kiện quan trọng nhất đầu thế kỷ 21, đã làm thay đổi đáng kể toàn bộ khu vực Trung Đông-Bắc Phi.

10 năm Mùa xuân Ả Rập: Hy vọng về nền dân chủ, hòa bình, ổn định và cuộc sống tốt đẹp hơn đang tan vỡ

Cách đây đúng mười năm, ngày 17/12/2010, phong trào “Mùa xuân Ả Rập” bùng nổ. Các cuộc biểu tình chống chính quyền tràn qua Trung Đông và Bắc Phi. Những cuộc biểu tình hoà bình này nhanh chóng leo thang thành bạo loạn và xung đột vũ trang với các nhân viên thực thi pháp luật và quân đội. Kết quả là, một số chế độ đã sụp đổ. Mười năm đã trôi qua, nhưng tác động của Mùa xuân Ả Rập đối với khu vực và thế giới vẫn chưa chấm dứt.

Mùa Xuân Ả Rập bắt đầu như thế nào?

Sáng ngày 17/12/2010 tại Tunisia, Mohammed Bouazizi, một thanh niên 26 tuổi bán hàng rong trên đường phố hầu như không đủ sống, đã tranh cãi với một cảnh sát. Anh đã bị viên cảnh sát tát vào mặt và tịch thu tất cả hàng hóa. M. Bouazizi đã đến văn phòng thị trưởng thành phố để tìm kiếm sự giúp đỡ, nhưng những cán bộ ở đây đã không thèm nghe anh ta trình bày sự việc. Do quá tuyệt vọng, trên đường trở về anh đã lấy một can xăng ở trạm xăng bên đường, quay trở lại tòa thị chính và tự thiêu. M. Bouazizi bị bỏng 90% và qua đời sau đó hai tuần. Câu nói cuối cùng của anh trước khi trút hơi thở cuối cùng: “Các bạn nghĩ tôi phải kiếm sống bằng cách nào ?”

Cả đất nước Tunisia, trước hết là tầng lớp thanh niên nghèo đói cùng cảnh ngộ như M. Bouazizi cảm thấy mệt mỏi và căm phẫn đối với sự tùy tiện của chính quyền, đã vùng lên và chẳng mấy chốc biến thành các cuộc biểu tình rầm rộ chống chính phủ. Làn sóng biểu tình này đã làm rung chuyển xã hội Tunisia, vốn từ lâu đã tích tụ sự bất mãn đối với sự cai trị lâu dài của Tổng thống Zine Al-Abidine Ben Ali. Những người biểu tình giương cao các biểu ngữ phản đối nạn thất nghiệp và nghèo đói, đòi Tổng thống Ben Ali từ chức. Cuối cùng, ngày 14/1/2011, lo sợ cho tính mạng của mình, Ben Ali buộc phải từ chức và bỏ chạy khỏi Tunisia sau 24 năm cầm quyền.

Đây là nơi được coi là điểm khởi đầu của tình trạng hỗn loạn và bất ổn lan rộng sang các nước Ả Rập tiếp theo đó vào năm 2011. Các cuộc nổi dậy này được các nước phương Tây gọi là “Mùa xuân Ả Rập”. Vào lúc đó, nhiều người đã tỏ hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn.

10 năm Mùa xuân Ả Rập: Hy vọng về nền dân chủ, hòa bình, ổn định và cuộc sống tốt đẹp hơn đang tan vỡ - Ảnh 1.

Phong trào chống chính phủ lan rộng, nhiều chính quyền Ả Rập sụp đổ

Những người biểu tình giận dữ đã xuống đường ở Algeria, Libya, Yemen, Ai Cập, Morocco, Bahrain. Các cuộc bạo loạn thậm chí còn diễn ra ở Oman, Sudan, Kuwait, Tây Sahara, Ả Rập Saudi và Iran. Kết quả là, chính quyền ở một số nước tiến hành cải cách, ở một số nước khác tuyên bố giải tán chính phủ.

Chỉ trong vòng 18 tháng từ tháng 12/2010 đến tháng 5/2012, bốn nguyên thủ quốc gia đã bị lật đổ. Ngày 14/1/2011, Tổng thống Tunisia Zine el-Abidine Ben Ali đã phải chạy trốn sang Ả Rập Saudi. Ngày 11/2/2011, sau 18 ngày diễn ra các cuộc biểu tình lớn, Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak đã buộc phải từ chức sau hơn 30 năm cầm quyền và tháng 6/2012, ông bị kết án tù chung thân. Ngày 23/8/2011, nhà lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi bị lật đổ và bị giết vào ngày 20/10/2011. Ngày 27/2/2012, Tổng thống Yemen Ali Abdullah Saleh từ chức sau 34 năm cầm quyền và chuyển giao quyền lực cho Tổng thống mới được bầu trong các cuộc bầu cử trước hạn. Ông bị giết ngày 4/12/2017.

10 năm Mùa xuân Ả Rập: Hy vọng về nền dân chủ, hòa bình, ổn định và cuộc sống tốt đẹp hơn đang tan vỡ - Ảnh 2.

Các nhà phân tích chính trị cho rằng, phong trào “Mùa xuân Ả Rập” được bắt đầu từ rất lâu. Việc Bouazizi tự thiêu thực chất chỉ là cái cớ để mở đầu cho một cuộc cách mạng màu được các nước phương Tây, thông qua các tổ chức phi chính phủ (NGO) chuẩn bị kỹ lưỡng, bằng việc cung cấp tiền bạc, thiết lập mối liên hệ với các tổ chức đối lập chống chính phủ. Mục tiêu của họ là chuẩn bị các điều kiện cho sự bùng nổ của nhà nước từ bên trong.

Tại thời điểm đó, các nhà lãnh đạo các quốc gia ở khu vực này cũng đã nhận thấy thể chế chính trị của họ đã lỗi thời, không còn phù hợp nữa và cần phải có sự thay đổi. Các khả năng chuyển giao chính quyền một cách hòa bình đã được đề cập đến. Ở Ai Cập đã xuất hiện cơ hội tiến hành đối thoại giữa các lực lượng chính trị. Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak lúc đó đã có kế hoạch tổ chức đối thoại với các lực lượng đối lập. Các nhà phân tích chính trị cho đây là khả năng có thể tránh được những “cơn sóng thần” tràn vào khu vực.

Tác động tiêu cực của phong trào Mùa Xuân Ả Rập

Phong trào Mùa xuân Ả Rập đã đánh đổ được các chế độ độc tài, tham nhũng, nhưng đã và đang tác động hết sức tiêu cực đến khu vực Trung Đông-Bắc Phi. Nó phá vỡ sự ổn định và các thể chế nhà nước đã được thiết lập và tồn tại ở đó hàng chục thập kỷ nay.

Các phong trào nổi dậy không chỉ làm thay đổi chế độ mà còn kéo theo cả những hậu quả hết sức nặng nề mà các quốc gia bị ảnh hưởng không dễ gì khắc phục. Những gì đã và đang diễn ra tại Syria, Tunisia, Libya, Yemen, Sudan… chính là hệ quả của phong trào Mùa Xuân Ả Rập.

Ngày 20/10/2011, nhà lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi đã bị giết trong một chiến dịch quân sự. Libya là một trong ba quốc gia Bắc Phi bị ảnh hưởng nặng nề của Mùa xuân Ả Rập vẫn đang phải sống trong một cuộc nội chiến. Ở phía Đông, tại thủ đô Tripoli, Chính phủ Hoà hợp Dân tộc (GNA) được thành lập dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Fayez Al-Sarraj. Ở phía Tây, tại thành phố Tobruk, Quốc hội với sự hỗ trợ của Quân đội Quốc gia Libya (LNA) do tướng Thống chế Khalifa Haftar đứng đầu, kiểm soát toàn bộ phía Tây của đất nước không công nhận chính quyền của F. Al-Sarraj. Cuộc chiến huynh đệ tương tàn giữa hai phe kéo dài gần mười năm nay vẫn chưa thấy hồi kết.

Tại Syria, các cuộc biểu tình leo thang thành một cuộc nội chiến toàn diện. Tổng thống Bashar Al-Assad cầm quyền từ năm 2000 trở thành nhà lãnh đạo duy nhất có thể cầm cự được trước sự tấn công của các lực lượng đối lập nhờ sự giúp đỡ của Nga.

Cuộc nội chiến đang tiếp tục leo thang ở Yemen giữa người Houthis theo dòng Shia và người Sunni kể từ năm 2014 vẫn chưa thấy khả năng kết thúc sớm.

10 năm Mùa xuân Ả Rập: Hy vọng về nền dân chủ, hòa bình, ổn định và cuộc sống tốt đẹp hơn đang tan vỡ - Ảnh 4.

Mùa xuân Ả Rập đã dẫn đến việc củng cố ảnh hưởng của các phần tử Hồi giáo cực đoan. Tại Ai Cập, Syria, Libya và Yemen, các lực lượng Hồi giáo cực đoan, đứng đầu là tổ chức Al-Qaida, và tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tăng cường hoạt động. Ở một số nước như Yemen, Libya, các phần tử Hồi giáo đã lên nắm chính quyền. Tại Ai Cập, thủ lĩnh của tổ chức Anh em Hồi giáo (IB) Mohammed Mursi đã từng giữ ghế Tổng thống trong vòng một năm (2012-2013).

Các cuộc biểu tình đã tác động tiêu cực đến kinh tế. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), thiệt hại của các nước liên quan đến các cuộc xung đột của Mùa Xuân Ả Rập lên tới hơn 55 tỷ USD, trong khi thiệt hại do mức tăng trưởng kinh tế suy giảm từ năm 2011 đến nay vượt quá 614 tỷ USD.

Ảnh hưởng của Mùa Xuân Ả Rập đã vượt ra ngoài khu vựcTrung Đông được coi là một trong những khu vực địa-chính trị có tầm quan trọng bậc nhất trên thế giới. Bất cứ biến động nào xảy ra tại đây cũng đều tác động đến đời sống chính trị toàn cầu.

Việc phá vỡ các thể chế chính trị, xã hội cũ, tác động của nó không chỉ giới hạn trong phạm vị khu vực, mà còn lan rộng sang các quốc gia khác, trước tiên là các quốc gia Châu Âu. Làn sóng di cư không được kiểm soát với hàng triệu người tràn qua châu Âu, các hành động khủng bố… mà những nước này đang phải gồng mình gánh chịu là kết quả của sự sụp đổ của các quốc gia Trung Đông-Bắc Phi. Các tổ chức khủng bố trước đây hoạt động đơn lẻ, nay trở thành một mạng lưới liên kết chặt chẽ với nhau đang trở thành nguy cơ to lớn đe dọa an ninh và ổn định toàn cầu.

Do tình hình bất ổn tại khu vực, dòng vốn đầu tư nước ngoài giảm mạnh. Các số liệu thống kê gần đây cho thấy, lĩnh vực du lịch thua lỗ vài tỷ USD, các nhà máy, xí nghiệp chỉ sản xuất được 50% công suất. Sản lượng khai thác dầu trong khu vực giảm 30 – 35%. Thiệt hại chính đối với sản xuất dầu là do Liên minh châu Âu (EU) đưa một số doanh nghiệp trong nước, bao gồm cả những doanh nghiệp khai thác, vào “danh sách đen”. Các công ty dầu mỏ lớn của châu Âu và Nga đã ngừng hoạt động ở Syria. Sự gia tăng tỷ lệ bù đắp rủi ro trong giá dầu đã làm cho giá năng lượng tăng kỷ lục, có lúc lên tới 126 USD/thùng.

Mùa xuân Ả Rập, một trong những sự kiện quan trọng nhất đầu thế kỷ 21, đã làm thay đổi đáng kể toàn bộ khu vực Trung Đông-Bắc Phi. Những thay đổi này là rất lớn, nhưng chúng không thực hiện được những khát vọng và mục tiêu ban đầu của những người biểu tình.

Nhân dịp kỷ niệm 10 năm Mùa xuân Ả Rập, tờ The Guardian của Anh đã tổ chức một cuộc khảo sát tại 9 quốc gia của thế giới Ả Rập bị tác động nhiều nhất. Phần lớn người dân tin rằng, tình hình hiện nay tồi tệ và nghèo khổ hơn nhiều so với 10 năm trước đây. Năm nghìn người được phỏng vấn đã nói với các nhà xã hội học rằng, trong những năm gần đây họ cảm thấy ngày càng thất vọng. Ở những nước chiến tranh đang diễn ra: Syria (75%), Yemen (73%) Libya (60%) số người được hỏi cho rằng, Mùa Xuân Ả Rập đã tàn phá đất nước và cuộc sống yên lành của họ. Ở Algeria, Ai Cập, Iraq và Tunisia, gần một nửa số người được hỏi nói rằng, cuộc sống của họ đang trở nên tồi tệ hơn.

Ngay cả Tunisia, nơi được coi là “câu chuyện thành công” nhất của Mùa Xuân Ả Rập cũng chỉ có 27% số người được hỏi cho rằng tình hình được cải thiện. Trong khi đó, một nửa số người dân Tunisia tin rằng, cuộc sống của họ đã trở nên tồi tệ hơn. Tại Ai Cập, 50% số người được hỏi cho rằng, tự do, dân chủ thậm chí còn giảm hơn thời kỳ trước năm 2010.

Các cuộc chiến ở Libya, Syria, Yemen… tạm thời lắng xuống với các lệnh ngừng bắn mong manh, có thể bùng phát trở lại bất cứ lúc nào. Cuộc chiến chống khủng bố mặc dù đã đạt được một số kết quả nhất định, nhưng các tổ chức khủng bố vẫn chưa bị tiêu diệt hoàn toàn. Cuộc xung đột Palestine-Israel, bất đồng giữa Iran với các quốc gia vùng Vịnh, cuộc khủng hoảng hạt nhân Iran… đang là những vấn đề ẩn chứa nguy cơ đẩy khu vực vào một vòng xoáy bạo lực mới. Mùa Xuân Ả Rập còn kéo dài và chưa biết đến bao giờ mới kết thúc.

Theo Tổ Quốc

Bài tiếp theo
« Prev Post
Bài trước
Next Post »

Nghi son