Tổng số lượt xem trang

Bài toán trách nhiệm khi Luật Trật tự ATGT đường bộ được thông qua

 Khi dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ được công bố, một bộ phận chuyên gia, người dân cho rằng dự thảo này mang tới nhiều quyền hạn hơn đối với lực lượng CSGT khi thi hành công vụ. Liệu ý kiến này có đúng và đủ với thực tế hiện nay?

Tất nhiên khi dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ được thông qua thì lực lượng CSGT sẽ tiếp nhận thêm một số nhiệm vụ mới. Đó là quản lý việc đăng ký, cấp biển số phương tiện; đào tạo, sát hạch lái xe; cấp giấy phép lái xe, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông; thiết lập, quản lý hệ thống đèn hiệu, biển báo,… Nhưng tổng quan chung nhiệm vụ và quyền hạn của lực lượng CSGT không hề thay đổi, đó vẫn là theo dõi, điều phối, giám sát người tham gia giao thông, đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

Không ít người mang suy nghĩ tiêu cực để mặc định việc nắm trong tay quyền đào tạo, sát hạch, cấp bằng lái xe là “miếng ăn ngon”, dễ thu nhặt lợi ích nhưng họ lại không nhìn về trách nhiệm đi theo nhiệm vụ, quyền hạn. Một số câu hỏi về trách nhiệm chưa thực sự được quan tâm như: Ai chịu trách nhiệm trước việc tồn tại các điểm đen giao thông? Ai chịu trách nhiệm trước tình trạng ùn tắc giao thông? Ai chịu trách nhiệm trước việc xảy ra tai nạn giao thông liên tục? Ai chịu trách nhiệm trước việc cấp bằng cho người có trạng thái tâm thần, thậm chí sử dụng bằng lái xe giả? Hàng loạt trách nhiệm kèm theo mà cả Bộ Giao thông vận tải tải và Bộ Công an gần như vẫn chưa thể phân định được.

Nếu chuyển công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cho Bộ Công an, tức là việc quản lý cấp phép gắn chung với công tác quản lý sau cấp phép đối với người dân thì trách nhiệm đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ của lực lượng CSGT càng lớn. Một khi đã quy về một mối để dễ quản lý mà vẫn không hạn chế được tình trạng vi phạm, số lượng vụ tai nạn thì chính Bộ Công an phải chịu trách nhiệm tất cả các vấn đề kể trên trước Chính phủ, Quốc hội và nhân dân.

Nếu quan sát một chút sẽ thấy thời gian gần đây, không có nhiều lực lượng CSGT dừng xe, kiểm tra hành chính, xử phạt trực tiếp trên đường nữa mà thay vào đó là phạt nguội. Mấy năm nay, Bộ Công an đã chỉ đạo tăng cường sử dụng công nghệ hỗ trợ một cách tối đa CSGT làm nhiệm vụ. Thậm chí, thời gian gần đây, CSGT làm nhiệm vụ phải gắn camera trước ngực hoặc mũ nhằm ghi hình chính xác các trường hợp vi phạm, đồng thời theo dõi, giám sát và xác định được trách nhiệm của lực lượng CSGT một cách minh bạch nhất.

Thời gian qua, lực lượng CSGT hạn chế dừng xe, kiểm tra, xử lý vi phạm mà thay vào đó là tăng cường sử dụng công nghệ để xử lý vi phạm.

Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ được hình thành dựa trên ý kiến đóng góp của hàng trăm chuyên gia, giới chuyên môn, nhà khoa học. Nhiều vấn đề được xem xét kỹ lưỡng để đảm bảo tính thực tiễn. Vì thế, chúng ta có cơ sở để tin tưởng dự thảo Luật này được thông qua thì tình trạng an toàn giao thông của nước ta sẽ được cải thiện rõ rệt. Còn nếu cứ mãi nhìn nhận tiêu cực mà không nghĩ về những điều tích cực, những lợi ích to lớn mà người dân có thể nhận được thì chúng ta chỉ mãi là người nhỏ bé, ngại thay đổi và chậm tiến bộ mà thôi.

Đặng Trường

Theo Canhco.net

Bài tiếp theo
« Prev Post
Bài trước
Next Post »

Nghi son