Tổng số lượt xem trang

Căn bệnh 50% người mắc khó qua khỏi sau 5 năm, cao hơn cả ung thư

 

Bác sĩ cho biết, ước tính khoảng 200 triệu người trên thế giới mắc căn bệnh này. Đáng chú ý, có đến 40-50% người bệnh tử vong sau 5 năm chẩn đoán, cao hơn so với nhiều loại ung thư.

ThS.BS Lý Văn Chiêu, Phó Giám đốc Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) cho biết, suy tim là hậu quả sau cùng của nhiều bệnh lý tim mạch - chuyển hóa như: Tăng huyết áp, bệnh tim thiếu máu cục bộ, đái tháo đường, bệnh thận mạn, bệnh van tim, bệnh tim bẩm sinh, bệnh cơ tim…

40-50% bệnh nhân không qua khỏi sau 5 năm

Hiện nay, với sự ảnh hưởng của nhiều lối sống tiêu cực trong nền kinh tế thị trường (như ít vận động, rượu bia nhiều, tiêu thụ nhiều thức ăn nhanh...), số lượng bệnh nhân suy tim không ngừng gia tăng.

Theo thống kê, ước tính tỷ lệ mắc bệnh suy tim hiện tại trên toàn cầu là 2,4% dân số (khoảng 200 triệu dân). Theo một báo cáo từ năm 2010, chi phí điều trị dành cho bệnh nhân suy tim vào khoảng 108 tỷ USD (60% chi phí trong đó là do nằm viện).

Căn bệnh 50% người mắc khó qua khỏi sau 5 năm, cao hơn cả ung thư - 1

Khoảng 200 triệu người trên toàn cầu bị suy tim (Ảnh: Bệnh viện cung cấp).

Đáng chú ý, số lượng bệnh nhân suy tim liên tục tăng, tỷ lệ tử vong cao. Có 10-15% tử vong sau 1 tháng phát hiện bệnh, 20-30% tử vong sau 1 năm. Và sau 5 năm chẩn đoán, có đến 40-50% bệnh nhân không qua khỏi, cao hơn nhiều so với các bệnh lý ung thư thường gặp như ung thư vú (cao hơn 10%), ung thư máu (30%) và ung thư đại trực tràng (34%).

Theo bác sĩ Chiêu, trên thực tế vẫn còn tồn tại các khoảng trống trong chiến lược điều trị suy tim. Đó là sự thiếu hiểu biết về bệnh, triệu chứng và tiên lượng của thân nhân và bệnh nhân suy tim; vấn đề tư vấn giáo dục bệnh nhân còn buông lỏng. Ngoài ra, việc điều trị nội khoa suy tim chưa đạt tối ưu, vấn đề phục hồi chức năng tim mạch chưa được quan tâm, cũng như điều trị can thiệp bệnh suy tim chưa đồng bộ, thống nhất.

Bắt nguồn từ những thực tế nói trên, Trung tâm Tim mạch của Bệnh viện Chợ Rẫy đã xây dựng và triển khai chương trình quản lý bệnh nhân suy tim đa phương diện. Theo đó, một chuỗi hệ thống bao gồm các khoa thuộc Trung tâm Tim mạch - khoa Phục hồi chức năng - khoa Dinh dưỡng - khoa Dược ra đời.

Căn bệnh 50% người mắc khó qua khỏi sau 5 năm, cao hơn cả ung thư - 2

40-50% bệnh nhân suy tim không qua khỏi sau 5 năm phát hiện bệnh (Ảnh: Bệnh viện cung cấp).

Đến nay, bệnh viện tiếp tục đưa vào hoạt động phòng khám Suy tim, với các chức năng:

Phát hiện các bệnh nhân nguy cơ mắc suy tim và tiền suy tim nhằm phòng ngừa nguyên phát.

Tư vấn, đem lại kiến thức cơ bản và nâng cao hiểu biết về bệnh suy tim cho bệnh nhân.

Tối ưu hóa điều trị bệnh nhân suy tim cho đội ngũ y bác sĩ.

Với các bệnh nhân suy tim giai đoạn tiến triển sẽ được tiếp cận điều trị chăm sóc giảm nhẹ, ghép tim, thiết bị cơ học hỗ trợ tim…

ThS.BS Lý Văn Chiêu khẳng định, phòng khám Suy tim hoạt động sẽ góp phần đáp ứng mục tiêu giảm tỷ lệ tử vong, giảm tỷ lệ tái nhập viện và cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân suy tim.

Phòng ngừa suy tim thế nào?

GS.TS.BS Trương Quang Bình, Phó Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cho biết, tình trạng tim đập nhanh do rung nhĩ về lâu dài có thể thúc đẩy suy tim tiềm tàng hoặc suy tim tăng nặng. Hậu quả nghiêm trọng nhất chính là hình thành cục máu đông (huyết khối) trong tâm nhĩ, dẫn đến các biến chứng vô cùng nguy hiểm, đặc biệt là đột quỵ.

Căn bệnh 50% người mắc khó qua khỏi sau 5 năm, cao hơn cả ung thư - 3

Bác sĩ thăm khám cho một cụ ông bị đột quỵ (Ảnh: Bệnh viện cung cấp).

Người bệnh rung nhĩ khi đã phát triển các biến chứng như suy tim, đột quỵ thì rất khó điều trị dứt điểm. Cách cải thiện tốt nhất chính là chấp nhận sống chung với bệnh và xây dựng kế hoạch phòng ngừa tối đa các biến chứng. Trong đó, sử dụng thuốc kháng đông là phương pháp phổ biến, giúp ngăn ngừa sự hình thành huyết khối trong tim.

Để đạt được hiệu quả tối đa, người bệnh cần tuân thủ điều trị, dùng thuốc theo đúng liều lượng được yêu cầu hàng ngày và tái khám đầy đủ để được Bác sĩ theo dõi và điều chỉnh thích hợp.

Bên cạnh đó, cần xây dựng và duy trì chế độ dinh dưỡng khoa học, thói quen sinh hoạt lành mạnh.

Mạnh Thắng

Bài tiếp theo
« Prev Post
Bài trước
Next Post »

Nghi son