Tổng số lượt xem trang

"Cứu" lấy môi trường giáo dục, dẹp bỏ bạo lực học đường

 Vì sao lại đến nông nỗi ấy? Chẳng nhẽ đạo đức và trật tự trong môi trường học đường nay đã xuống cấp đến mức độ báo động như vậy?

Cứu lấy môi trường giáo dục, dẹp bỏ bạo lực học đường - 1

Nhấn để phóng to ảnh

Phụ huynh lao vào lớp đánh học sinh. Học sinh ẩu đả, bắt nạt, quay video clip tung lên mạng xã hội. Phụ huynh tấn công giáo viên ngay tại trường học. Giáo viên bạo hành học sinh gây thương tích. Học sinh chống đối nhà trường, rồi mới đây còn có chuyện học sinh tát giáo viên gây tranh cãi…

Quả thực, trong một thời gian dài tôi cảm thấy rất chán nản và bi quan mỗi khi mở báo ra đọc mà phải nhìn thấy những tiêu đề như trên. Bản thân các đồng nghiệp của tôi mỗi lần phản ánh, truyền tải thông tin cũng vô cùng xót xa.

Vì sao lại đến nông nỗi ấy? Chẳng nhẽ đạo đức và trật tự trong môi trường học đường nay đã xuống cấp đến mức độ báo động như vậy?

Đặc biệt là với những phụ huynh có con em đang ở tuổi đi học, họ lo cho an toàn của con và nơm nớp liệu rằng con mình có lúc nào đó sẽ chệch đường ray nhân cách - thứ còn đáng lưu tâm hơn cả việc con họ sẽ học được những kiến thức gì, đỗ qua bao đợt kiểm tra, bao kỳ thi trên lớp.

Và hôm nay, tôi được biết, Chính phủ đã chính thức có quy định mới về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục. Theo đó, với Nghị định số 04/2021, kể từ ngày 10/3, các vi phạm liên quan đến bạo lực học đường có thể sẽ bị xử lý hành chính với mức phạt 5 đến 10 triệu đồng và biện pháp khắc phục hậu quả là yêu cầu xin lỗi công khai.

Người viết đánh giá Nghị định 04 là rất cần thiết!

Chưa bàn đến mức độ nặng - nhẹ của các mức phạt, tôi cho rằng, việc phổ biến thông tin này phần nào sẽ có tác dụng "cảnh báo" đến cộng đồng. Trước khi làm những điều sai trái, từ phụ huynh, học sinh đến người công tác trong lĩnh vực giáo dục sẽ ý thức được phần nào hậu quả mà họ có thể phải gánh chịu trước pháp luật và công luận.

Luật pháp đóng vai trò quan trọng trong điều chỉnh hành vi xã hội. Và cần phải có quy định cụ thể như trên để hướng dẫn người dân hành xử đúng đắn, trước hết là đúng luật, sau đó là không được đi ngược, đi trái với những quy chuẩn cơ bản về đạo đức.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, tôi cho rằng, bản thân ngành giáo dục cũng cần làm tốt hơn vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình.

Nói gì thì nói, giáo dục vẫn là gốc rễ, là căn nguyên của rất nhiều vấn đề trong xã hội. Trẻ con ngày xưa đến trường, điều cần nắm trước hết là "học lễ" rồi mới học kiến thức. Và dù xã hội có thay đổi, thì ý nghĩa, vai trò của giáo dục với sự phát triển của trẻ, sự trưởng thành của một con người hoàn chỉnh, vẫn luôn luôn quan trọng, cần đề cao, chú trọng.

Nay tôi thấy, trẻ học ở trường, làm bài tập ở nhà rồi lại đi học thêm… học rất nhiều thứ, từ kiến thức trên lớp đến phụ đạo, nâng cao. Nhưng, có bao giờ các bậc phụ huynh và thầy cô nhận thấy, trẻ bây giờ nhìn vào màn hình tivi, máy tính còn nhiều hơn đọc sách, để rồi đặt câu hỏi: Những hành vi bạo lực, sự méo mó về thế giới quan, nhân sinh quan của trẻ bắt đầu từ đâu?

Và các nhà "làm giáo dục", các hiệu trưởng, nhà quản lý liệu có nhận thấy rằng, không ít trường học này thiên về "làm kinh tế" và "xây dựng hình ảnh" hơn là chú trọng vào học sinh? Họ cũng yêu cầu quá nhiều bằng cấp, chứng chỉ với thầy cô, thay vì tìm sự nhiệt huyết, yêu trò trong những người đang ảnh hưởng trực tiếp đến nhận thức và nhân cách của trẻ?

Nghị định 04 sẽ có ảnh hưởng tích cực đến việc làm trong sạch và lành mạnh hơn môi trường giáo dục ở ta. Dẫu vậy, để xây dựng một nền giáo dục nhân văn và hiện đại, nâng tầm vóc trí tuệ và rèn luyện nhân cách trẻ, quyết định cuối cùng vẫn chính là nằm ở ngành giáo dục và sự phối hợp giáo dục nhà trường với giáo dục gia đình, xã hội.

Sự nghiệp trồng người dẫu rất dài, nhưng con đường ngay phía dưới chân. Xin làm ngay và đừng chậm trễ!


Bài tiếp theo
« Prev Post
Bài trước
Next Post »

Nghi son