Tổng số lượt xem trang

Lời nói dối bẻ cong sự thật trận đánh Gạc Ma sẽ không bao giờ được tha thứ

 Mỗi năm cứ đến ngày tưởng nhớ 64 liệt sỹ Gạc Ma, trong khi nhân dân bồi hồi, xúc động nghe kể lại câu chuyện về trận đánh ngày 14/3/1988, đồng thời bày tỏ niềm tiếc thương đối với các chiến sỹ hy sinh thì một số trang như RFA Tiếng Việt, BBC Tiếng Việt, “Việt Tân”,… lại tiếp tục đăng đàn, xào nấu thông tin sai sự thật do Thiếu tướng anh hùng Lê Mã Lương tung ra từ lâu “Đại tướng Lê Đức Anh ra lệnh cấm nổ súng ở Trường Sa”. Không thể chịu đựng nổi những lời bịa đặt trắng trợn, bẻ cong sự thật về trận đánh Gạc Ma ác liệt với sự nằm lại của 64 chiến sỹ tại nghĩa trang đỏ Trường Sa nên hôm nay, xin nói thẳng một lần thế này.

Không một ai có thể xuyên tạc sự thật về trận đánh Gạc Ma.

Thứ nhất, năm xảy ra trận chiến Gạc Ma, cố Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh khi đó là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Về chức vụ thì ông là lãnh đạo cao nhất của Bộ Quốc phòng nhưng trước một trận chiến ở thực địa thì người quyết định, có quyền ra lệnh nổ súng hay không nổ súng thuộc về người chỉ huy trưởng tại chỗ, là đảo trường ngay tại chiến trường mà khi đó là Đô đốc Giáp Văn Cương chứ không phải cấp cao hơn, càng không phải lãnh đạo Bộ Quốc phòng.

Thứ hai, theo nhân chứng là trung sĩ Lê Hữu Thảo khẳng định thì hoàn toàn không có lệnh cấm nổ súng, chỉ có lệnh từ tướng Giáp Văn Cương là hết sức kiềm chế, tự vệ là chính, không nổ súng trước nhưng kiên quyết táo bạo với phương châm “có người, có đảo, còn người, còn đảo”. Trong bối cảnh lúc bấy giờ, Việt Nam vẫn đang có xung đột ở biên giới phía Bắc và tại Campuchia. Lực lượng của quân ta rất mỏng, do phải bố trí quân đội ở cả biên giới phía bắc, Campuchia và biển đảo. Nếu manh động nổ súng trước mà để xảy ra một cuộc chiến lớn trên biển thì hậu quả rất khôn lường. Do đó, kiềm chế để không nổ súng trước, không để cho đối phương tạo cớ gây xung đột lớn là mệnh lệnh đúng đắn của tướng Giáp Văn Cương.

Tàu HQ – 604 bị Trung Quốc đánh chìm trong trận chiến Gạc Ma.

Thứ ba, mặc dù trên tinh thần là không được nổ súng trước nhưng về nguyên tắc, khi được giao súng tức là được bắn, chỉ có điều phải xác định bắn lúc nào. Thực tế, ở trận Gạc Ma, quân Trung Quốc nã đạn pháo vào đảo, vào các tàu công binh, tàu hải quân Việt Nam để cưỡng chiếm đá Gạc Ma. Thế nên, lời ông Lê Mã Lương nói rất phi lý, trong chiến tranh thì không thể có lệnh cấm nổ súng, dù ở bất cứ mặt trận nào. Đặc biệt là các chiến sỹ đang trấn giữ Trường Sa, phải nổ súng khi bị tấn công để bảo vệ chủ quyền biển đảo là một điều chắc chắn.

Thứ tư, một điểm lấy làm lạ là khi tướng Giáp Văn Cương còn sống thì ông Lê Mã Lương chẳng hề nói đến việc “Đại tướng Lê Đức Anh ra lệnh cấm nổ súng ở Trường Sa”, nay khi ông ấy đã về với đất mẹ thì ông Lương tung tin như vậy. Người đời nói “chết không chứng”, phải có âm mưu gì đó thì ông Lương mới có làm như vậy. Ông là anh hùng quân đội đã được Nhà nước phong tặng, có chế độ đãi ngộ đàng hoàng nhưng nay lại nói dối không chớp mắt, xuyên tạc lịch sử như vậy thì liệu ông có còn xứng đáng với danh hiệu đó nữa hay không? Không cần người đời bàn xét nhưng ông tự vấn lương tâm của mình xem có thấy xấu hổ trước anh linh của 64 chiến sỹ đã hy sinh vì độc lập, chủ quyền biển đảo ở Trường Sa hay không?

Tàu HQ 931 đưa các thương binh và chiến sĩ trong trận Gạc Ma về đất liền.

Lời nói dối của ông Lê Mã Lương gợi nhớ lại câu chuyện về lời nói dối của cậu bé tên Herian trong cuốn sách “Người Do Thái dạy con”. Chuyện kể về cậu bé Herian – con của một thợ giày người Ba Lan, cả gia đình cậu mới dọn về thị trấn cách thủ đô Varsovie của Ba Lan khoảng 170km. Ngày 1/7/1946, cậu bé chưa quen với cuộc sống ở nơi mới này bèn bỏ nhà trốn sang làng bên cạnh chơi với bạn cũ và đến ngày 4/7/1946 mới về. Thấy con về, ông bố giơ cao chiếc roi da chỉ vào mặt chú bé: “Mấy hôm nay mày đi đâu mà bây giờ mới về?”. Herian lúc này sợ quá bèn trả lời bị người Do Thái bắt, nhốt ở nhà số 7 phố Palandi. Ông thợ giày thấy con nói thế vội tức tốc đến báo cho sở cảnh sát. Tin này nhanh chóng lan truyền, một đồn mười, mười đồn trăm, làm dân chúng sục sôi căm hờn. Đông đảo dân chúng chạy ùa ra ngoài đường, cứ gặp người Do Thái là đánh chửi, bắt bớ một phần vì ảnh hưởng của phong trào chống Do Thái còn rất lớn. Nhiều người Do Thái đã bị đánh chết làm nên cuộc tàn sát kéo dài từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều ngày 4/7/1946 và có tới 42 người bị giết, trong đó có cả hai người Ba Lan bị giết nhầm.

Chỉ một lời nói dối của một đứa trẻ chưa đủ nhận thức, vô tư thôi nhưng có thể gây ra một cuộc tàn sát đẫm máu cho người Do Thái và người Ba Lan vô tội. Vậy lời nói dối của ông Lê Mã Lương – một người được cho là “anh hùng” quân đội, có đủ nhận thức chính trị thì lời nói dối xuyên tạc lịch sử của ông ta sẽ gây hậu quả như thế nào? Lời nói dối không chỉ ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của cố Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh, mà nguy hiểm hơn nó không khác gì mũi giáo chĩa về chính quyền khiến người dân Việt Nam hiểu sai về lịch sử, nghi ngờ “chính quyền không dám đụng vào Trung Quốc”, “vì không được nổ súng mới để mất đảo Gạc Ma”. Thậm chí, lời nói xuyên tạc của ông Lê Mã Lương như con dao đâm thẳng vào tướng Giáp Văn Cương, 64 liệt sỹ hy sinh trong trận Gạc Ma và với các chiến sỹ đã chiến đấu ở Gạc Ma vẫn còn sống. Còn gì đau đớn hơn khi bị chính người từng gọi mình là đồng chí, đồng đội nay đâm ngược lại mình? Không biết có thế lực chống phá nào xui khiến ông phản bội đồng đội, Tổ quốc của mình như vậy hay không? Phải chăng ông ta đã “tự diễn biến, tự chuyển hóa”, không còn xứng đáng với cái danh “anh hùng quân đội” nữa?

Hàng trăm người đứng trên boong tàu, mắt ngấn lệ nghe lại câu chuyện những chiến sĩ hải quân đã lấy máu mình nhuộm đỏ cờ Tổ quốc, bảo vệ Trường Sa. Những cành hoa thả xuống “Nghĩa trang đỏ” giữa biển khơi.

Thật đáng lên án khi lời nói dối xuyên tạc của ông Lê Mã Lương đã bị một số đối tượng và trang mạng như RFA, BBC, “Việt Tân”… năm lần bảy lượt lợi dụng để chống phá chính quyền, bôi bẩn lên cuộc chiến bảo vệ chủ quyền biển đảo đầy linh thiêng một thời của đất nước ta. Câu chuyện Gạc Ma với 64 chiến sỹ hy sinh dựng nên mốc chủ quyền sống giữa Trường Sa vẫn còn khắc khoải trong lòng mỗi người dân Việt Nam biết đến trận đánh này, trong những cảm xúc bi thương lại đan xen lòng tự hào về những điều đẹp đẽ. Vì thế, nhân dân Việt Nam sẽ không bao giờ chấp nhận và tha thứ cho bất kỳ kẻ nào vấy bẩn lên lòng tự hào về Gạc Ma, về những cột mốc chủ quyền sống đó.

Đặng Trường 

Bài tiếp theo
« Prev Post
Bài trước
Next Post »

Nghi son