Tổng số lượt xem trang

Sốt cao 2-3 tiếng một lần khi mắc Covid-19, phải xử lý thế nào?

 

Mắc Covid-19 trẻ sốt cao 39-40 độ, tái sốt nhanh 2-3 tiếng một lần khi chưa đủ thời gian uống thuốc khiến bố mẹ lo lắng. PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng hướng dẫn xử trí đúng nhất khi trẻ sốt.

2-3 tiếng sốt cao một lần, có nên dùng hạ sốt kết hợp?

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, trong hơn một tháng qua, tình trạng trẻ sốt cao khi mắc Covid-19 rất phổ biến.

"Rất nhiều trẻ sốt cao 39-40 độ. Nhưng theo dõi, tư vấn hơn một tháng nay, cháu nào sốt nhiều nhất 3 ngày, thường một ngày sau đã hết sốt, chạy nhảy chơi tung tăng, có cháu đến ngày 2, nhiều nhất là 3 ngày", PGS Dũng nói.

Sốt cao 2-3 tiếng một lần khi mắc Covid-19, phải xử lý thế nào? - 1

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng khuyến cáo tuyệt đối không dùng thuốc hạ sốt kết hợp. (Ảnh: Tiến Tuấn).

Về thuốc hạ sốt, chỉ được dùng paracetamol, tuyệt đối không dùng xen kẽ với các loại thuốc khác, trong trường hợp này là Ibuprofen.

"Tại sao chúng tôi nói chỉ dùng paracetamol và không dùng xen kẽ. Chúng tôi đã nói rất nhiều. Khi đứa trẻ có các triệu chứng về hô hấp chúng ta test thấy dương tính SARS-CoV-2 thì chúng ta nghĩ ngay đến Covid-19. Nhưng các bệnh về đường hô hấp lại có rất nhiều nguyên nhân, hiện nay thế giới có tìm được 28 căn nguyên và Covid-19 chỉ là một trong số đó. Vừa rồi trong TPHCM có một trường hợp bệnh nhi dương tính SARS-CoV-2 nhưng xét nghiệm sốt xuất huyết cũng dương tính, đây là trường hợp rất nguy hiểm khi dương tính 2 bệnh một lúc. Trong khi đó giữa Covid-19 và sốt xuất huyết chữa khác nhau hoàn toàn. Nếu Covid-19 chúng ta phải tập trung điều trị ở phổi và không được truyền dịch, trong khi với sốt xuất huyết thì chúng ta phải tập trung truyền nhiều dịch.

Tương tự, khi sốt do sốt xuất huyết, tuyệt đối chống chỉ định dùng Ibuprofen vì thuốc này có tác dụng chống đông máu khiến hiện tượng chảy máu do sốt xuất huyết không cầm được, đặc biệt là xuất huyết tiêu hóa. Do vậy Nếu chúng ta dùng xen kẽ 2 loại thuốc hạ sốt paracetamol và Ibuprofen thì bệnh sốt xuất huyết có thể trầm trọng hơn rất là nhiều (không thể loại trừ trẻ mắc Covid-19 hay sốt xuất huyết ngay ngày đầu có triệu chứng).

Xử trí như thế nào?

PGS Dũng lưu ý, phải từ 38.5 độ trở lên mới dùng hạ sốt và cần đo nhiệt độ ở nách. Việc đo nhiệt độ vùng trán chỉ giá trị sàng lọc, đo ở nách phản ánh nhiệt độ trung tâm nhiều , từ đó chuẩn nhiệt độ hơn để có cách xử trí chính xác.

Từ 4-6 tiếng mới được uống một lần. Loại thuốc được ưu tiên dùng, ít tác dụng phụ với trẻ nhất vẫn là paracetamol với liều 15/kg cân nặng từ 4 - 6 tiếng uống một lần khi trẻ sốt 38,5 độ trở lên.

Khi dùng thuốc đúng liều, các mẹ cũng cần phải kiên nhẫn vì cái gì cũng cần có thời gian. Với thuốc hạ sốt paracetamol sau uống khoảng gần một tiếng thuốc mới bắt đầu phát huy tác dụng và hạ sốt dần.

Hãy chườm nước ấm. Các bà mẹ nên làm điều này nếu thấy bớt lo lắng. Các cách khác gồm cả tắm ấm, lau cồn y tế, chườm lạnh đều không được khuyến khích.

Uống nhiều nước, ưu tiên oresol. Khi trẻ bị sốt cao, việc uống nhiều nước, gồm nước lọc, nước trái cây, nước oresol hỗ trợ rất tốt cho việc hạ sốt. Hãy cho trẻ uống liên tục, uống từng tí một sẽ giúp thẩm thấu oresol được tốt hơn. Đừng đợi đến khi trẻ bắt đầu sốt trở lại mới uống nước mà hãy luôn nhắc nhở trẻ uống từng tí một.

Khi trẻ sốt cao nên mặc ít đồ, phòng thoáng đãng. Tuyệt đối không đắp chăn, ủ ấm cho trẻ vì khi sốt cao sẽ gây hiện tượng co mạch ngoại vi nên có cảm giác lạnh nhưng thực tế nhiệt độ trong người nóng rừng rực, lên đến 40 - 41 độ C, lúc này càng đắp chăn càng lạnh.

Khi dùng thuốc hạ sốt, uống nước nhiều, trẻ tái sốt nhưng thời gian tái sốt dần kéo giãn thì cha mẹ có thể yên tâm theo dõi tiếp. Còn nếu trẻ mệt, li bì nên cho trẻ đi khám để được chẩn đoán đúng nguyên nhân.

Theo báo điện tử dantri.com.vn

Bài tiếp theo
« Prev Post
Bài trước
Next Post »

Nghi son