Tổng số lượt xem trang

Vì sao dữ liệu về hộ tịch và căn cước công dân chưa kết nối đồng bộ?

 

Bộ trưởng Công an và Tư pháp thừa nhận dữ liệu thông tin về dân cư, định danh và xác định điện tử chưa đồng bộ. Vấn đề nằm ở Luật Hộ tịch, trong đó có 2 khâu khai sinh và khai tử đối với công dân.

Sáng 10/8, tại phiên chất vấn nhóm vấn đề thuộc trách nhiệm của Bộ Công an, nhiều đại biểu Quốc hội nêu vấn đề kết nối dữ liệu thông tin chưa đồng bộ, thông tin sai trên căn cước công dân khiến người dân phải sửa đi sửa lại nhiều lần và giải pháp ngăn chặn lọt thông tin cá nhân.

Khai sinh, khai tử ra sao?

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) chất vấn tình trạng dữ liệu thông tin về dân cư, định danh và xác định điện tử chưa đồng bộ và đề nghị Bộ trưởng Công an nêu giải pháp khắc phục.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm khẳng định đang triển khai tích hợp thông tin của các ngành lên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về căn cước công dân, thẻ căn cước công dân. Các loại căn cước công dân có gắn chip điện tử có thể tích hợp được thông tin của hơn 30 loại giấy tờ khác nhau như giấy phép lái xe, thẻ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, sổ hộ khẩu, tạm trú, tạm vắng…

Hiện nay, Bộ Công an đã phối hợp với các Bộ, ngành đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện cơ sở dữ liệu để kết nối liên thông, đáp ứng việc khai thác, sử dụng đồng bộ. Ngày 9/8, Ban chỉ đạo thực hiện Đề án 06 của Chính phủ đã đặt ra lộ trình về việc này để có kết nối dữ liệu đồng bộ phục vụ cho công tác quản lý, quản trị của các cơ quan nhà nước; đồng thời cũng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình giao dịch.

Bộ trưởng Công an khẳng định, thời gian tới, khi hệ thống dữ liệu quốc gia đồng bộ với các Bộ, ngành khác, giao dịch của người dân đi làm các thủ tục hành chính khác sẽ thuận lợi hơn rất nhiều.

Vì sao dữ liệu về hộ tịch và căn cước công dân chưa kết nối đồng bộ? - 1

Bộ trưởng Công an Tô Lâm trả lời chất vấn (Ảnh: Quochoi.vn).

Liên quan đến vấn đề cơ sở pháp lý việc ban hành cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, vừa qua, Bộ Công an đã giải quyết các khâu căn cứ trên Luật Căn cước công dân. Tuy nhiên, có hai khâu liên quan đến Bộ Tư pháp theo Luật Hộ tịch, đó là khâu khai sinh và khai tử. Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị nên đồng bộ hai khâu này, để đảm bảo thuận lợi nhất cho người dân.

"Cháu bé trẻ sinh ra, căn cứ trên giấy chứng sinh, bé được cấp mã số định danh cá nhân, chính là số căn cước công dân được nhận khi đủ tuổi. Từ mã số này, bé sẽ có bảo hiểm y tế khi mã số được kết nối với cơ sở dữ liệu bảo hiểm y tế. Hộ tịch, hộ khẩu, các loại thủ tục sẽ đều được thực hiện đồng bộ, giảm thiểu rất nhiều thời gian và công sức cho người dân" - Bộ trưởng Tô Lâm dẫn chứng và cho biết việc kết nối các cơ sở dữ liệu còn một số vướng mắc ở Luật Hộ tịch, Bộ Công an sẽ tiếp tục kiến nghị các cơ quan chức năng để giảm bớt thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân.

Liên quan tới việc kết nối giữa hai cơ sở dữ liệu quốc gia về hộ tịch và cơ sở pháp lý của Quyết định 06 của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long bổ sung thông tin: Quyết định 06 ban hành ngày 26/1/2022, ở phần mũ của quyết định có 3 căn cứ pháp lý trực tiếp là Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Căn cước công dân và các nghị định liên quan tới thủ tục hành chính.

Mục tiêu của đề án là xây dựng, phát triển, kết nối, chia sẻ các cơ sở dữ liệu có liên quan trong phạm vi dịch vụ công và một số giao dịch tư. Qua cơ sở pháp lý trực tiếp cho thấy tính tác nghiệp của Quyết định 06 theo Luật Tổ chức Chính phủ và theo các nghị định về liên thông thủ tục.

Vì sao dữ liệu về hộ tịch và căn cước công dân chưa kết nối đồng bộ? - 2

Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long tham gia trả lời chất vấn (Ảnh: Quochoi.vn).

Ngoài các cơ sở pháp lý được quy định trực tiếp thì các quy trình, thủ tục, thẩm quyền là theo quy định hiện hành. Chính phủ đã có chỉ đạo cần rà soát để sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật có liên quan; tổng số cả Trung ương và địa phương thời gian qua đã rà soát khoảng trên 3.000 văn bản và dự kiến sửa đổi trên 200 văn bản.

"Thực tế chưa có sự kết nối giữa thông tin về hộ tịch và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư như Bộ trưởng Công an đã nói là có thật. Giải pháp xử lý điều này trước hết cần căn cứ vào quy định của pháp luật hiện hành, trong đó có điều 4 của Luật Hộ tịch và Điều 9 của Luật Căn cước công dân, từ đó hai Bộ Tư pháp và Công an cùng rà soát, cùng làm để vì lợi ích chung" - ông Long nói.

Có hay không việc "chạy thành tích" làm căn cước công dân?

Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho biết: Để việc triển khai cấp thẻ căn cước công dân có gắn chip điện tử theo tiến độ, nhiều nơi làm việc cả ban đêm, lực lượng mỏng, làm việc quá sức dẫn đến có rất nhiều sai sót dữ liệu cá nhân nên người dân phải đi điều chỉnh nhiều lần, làm mất thời gian, tiền bạc, gây dư luận không tốt. Có địa phương chạy theo thành tích, báo cáo khống số liệu để chạy theo tiến độ trên. Đề nghị Bộ trưởng cho biết cách xử lý của mình và biện pháp khắc phục vấn đề này?

Về số liệu không chính xác liên quan đến căn cước công dân, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, Bộ đã thực hiện đúng nguyên tắc, tuy nhiên, có những trường hợp thay đổi thông tin cá nhân. Công dân có quyền thay đổi thông tin cá nhân của mình, về tên, họ, quê quán, chỉnh sửa ngày sinh… Ngoài ra, cũng có trường hợp người khai lần đầu không đưa ra thông tin chính xác, hoặc cán bộ thực hiện thiếu trách nhiệm. Tuy nhiên số lượng này không nhiều.

Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, Bộ sẽ tích cực phối hợp, hoàn thiện, cấp đủ giấy tờ cho công dân, trên cơ sở đó, các cơ quan khác căn cứ vào dữ liệu chính xác đó để tiến hành công việc của mình. Đây cũng là việc rất công phu, đòi hỏi công sức và thời gian.

Đại biểu Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng) nêu vấn đề: Một bộ phận dân cư là đồng bào di dân tự phát trên địa bàn Tây Nguyên nói chung và trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng nói riêng từ những năm 1998 đến nay vẫn chưa được xét cấp căn cước công dân. Lý do là bộ phận dân cư này được xếp vào diện tạm trú nhân khẩu đặc biệt và khó xác định nguồn gốc thông tin. Việc này tạo sự bất cập trong công tác quản lý dân cư và đảm bảo quyền, nghĩa vụ công dân và công tác an sinh xã hội. Bộ Công an có giải pháp căn cơ nào để tháo gỡ bất cập nêu trên để xác định lộ trình để cấp căn cước công dân, đối tượng này theo quy định của pháp luật?

Vì sao dữ liệu về hộ tịch và căn cước công dân chưa kết nối đồng bộ? - 3

Đại biểu Nguyễn Tạo - đoàn Lâm Đồng (Ảnh: Quochoi.vn) .

Bộ trưởng Công an cho biết đây là thực trạng, cấp căn cước công dân là cấp cho công dân địa vị pháp lý, đây là việc phải xem xét rất kỹ lưỡng, có đủ pháp nhân để giao dịch trong cuộc sống thông thường.

Nguồn gốc của công dân là việc rất quan trọng. Vừa qua có vấn đề di dân tự do, có những người đi qua rất nhiều địa phương, gốc gác và nơi cư trú của họ ở đâu phải được xác minh, làm rõ. Với nhiều người (không di dân tự do) không rõ quốc tịch, không rõ nguồn gốc nên phải xác minh làm rõ. Với việc cấp căn cước công dân, Bộ Công an phấn đấu tất cả những người cư trú ở Việt Nam đều phải làm rõ địa vị pháp lý của công dân.

Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh (đoàn Vĩnh Phúc) cho biết: Hiện Bộ Công an đã thu thập vào hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống cơ sở dữ liệu căn cước công dân. Trong thời gian tới, Bộ Công an còn kết nối, chia sẻ với các cơ quan, tổ chức bên ngoài. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an nêu rõ các giải pháp để bảo vệ, ngăn chặn việc mất, lộ, lọt thông tin cá nhân?

Về bảo vệ thông tin cá nhân đại biểu Nguyễn Văn Mạnh nêu, Bộ Công an xác định đây là vấn đề hết sức quan trọng. Hiện nay, môi trường mạng đã đi vào các mặt trong đời sống xã hội, vấn đề khó khăn nhất chính là môi trường mạng. Môi trường mạng là vấn đề rất mới, chưa đủ hành lang pháp lý… Đối với các cơ quan, tổ chức nhà nước khi thực hiện quản trị, quản lý xã hội mới bằng cách sử dụng công nghệ thì đương nhiên sẽ có tích lũy, tập hợp dữ liệu trên thông tin mạng.

"Nếu không được đảm bảo an toàn thì đây sẽ là mục tiêu để các cơ quan tình báo, các thế lực thù địch lợi dụng. Đứng ở mặt quốc gia là tài nguyên quốc gia, về mặt cá nhân là bí mật đời tư cá nhân, do đó vấn đề này phải được bảo vệ và quy định nghiêm ngặt" - ông Tô Lâm nhấn mạnh.

Minh Triết

Bài tiếp theo
« Prev Post
Bài trước
Next Post »

Nghi son