Tổng số lượt xem trang

Bộ Ngoại giao nói về thông tin thương lượng mua lại ấn vàng vua Bảo Đại

 

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao chính thức lên tiếng về thông tin cho rằng hãng MILLON ở Pháp đã tạm hoãn đấu giá ấn vàng của Vua Bảo Đại và cho phép Việt Nam thương lượng để được mua trực tiếp.

Tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao chiều 3/11, báo giới đề cập đến thông tin ngày 1/11 vừa qua, hãng đấu giá MILLON ở Pháp có thông báo hoãn đấu giá ấn vàng của vua Bảo Đại trong 10 ngày để cho phép Việt Nam thương lượng mua trực tiếp. Báo giới đề nghị Bộ Ngoại giao thông tin về kế hoạch "hồi hương" chiếc ấn này.

Bộ Ngoại giao nói về thông tin thương lượng mua lại ấn vàng vua Bảo Đại - 1

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng tại cuộc họp báo thường kỳ chiều 3/11 (Ảnh: Minh Nhật).

Trả lời, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết, việc tạm hoãn đấu giá đã được báo chí Việt Nam đưa tin.

Trong những ngày qua, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, phái đoàn Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cùng các Bộ, ngành liên quan trao đổi với Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa Pháp, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam, lãnh đạo tổ chức UNESCO và công ty tổ chức đánh giá để xác minh thông tin, tạm dừng cuộc đấu giá.

Vào ngày 31/10 vừa qua, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp cho biết, phiên đấu giá đã được dời lại vào ngày 10/11 tới đây.

"Trong thời gian tới, Bộ Ngoại giao sẽ chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, phái đoàn Việt Nam tại UNESCO phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tìm kiếm các khả năng và triển khai các biện pháp cần thiết để có thể đưa cổ vật về nước" - Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng thông tin thêm.

Bộ Ngoại giao nói về thông tin thương lượng mua lại ấn vàng vua Bảo Đại - 2

Trước đó, chiếc ấn vàng được niêm yết giá từ 2 triệu đến 3 triệu Euro (48,1 tỷ đồng đến 72,2 tỷ đồng) (Ảnh: Millon).

Trước đó, món bảo vật triều Nguyễn được MILLON thông báo sẽ đưa lên sàn đấu giá vào ngày 31/10/2022, với giá khởi điểm từ 2-3 triệu Euro (48,1 tỷ đồng đến 72,2 tỷ đồng).

Nguyên nhân dời lịch đấu giá được hãng đưa ra là do "chiếc ấn vàng nhận được sự quan tâm đặc biệt từ Chính phủ Việt Nam". Nhưng chi tiết cụ thể không được hãng MILLON giải thích rõ trong thông báo.

Thông tin về món cổ vật của triều Nguyễn được hãng đấu giá đăng tải rằng, chiếc ấn trở thành biểu tượng của sự cai trị tuyệt đối dưới triều Nguyễn. Sau đó, món cổ vật này trở thành biểu tượng của sự chuyển giao quyền lực.

"Chiếc ấn được chuyển giao nhiều lần. Đặc biệt vào thời điểm vua Bảo Đại thoái vị và trao nó cho chính quyền cách mạng Việt Nam, nơi nó được vua giao cho đại diện chính quyền cách mạng tại Quảng trường Ngọ Môn vào ngày 30/8/1945", một phần bản thông báo nêu ra.

Thông tin mô tả của đơn vị tổ chức đấu giá cho biết, đây là kim ấn triều Nguyễn được làm bằng vàng quý hiếm, đúc vào năm 1823 triều Minh Mạng (1820-1841), gồm một đế vuông kép xếp chồng lên nhau. Kích thước của cổ vật cao 10,4cm, mặt ấn hình vuông (13,8cm x 13,7cm), nặng 10,78kg. Quai ấn đúc hình con rồng uốn khúc, đầu ngẩng cao, mắt nhìn về phía trước, tư thế vững vàng. Trán rồng có khắc chữ, vây lưng và đuôi rồng dựng đứng. Bốn chân rồng đúc hiển thị rõ năm móng.

Mặt trên của ấn và hai bên quai ấn có khắc chìm hai dòng chữ Hán "Minh Mạng tứ niên, nhị nguyệt, sơ tứ nhật, cát thời chú tạo", (tạm dịch: Đúc vào giờ lành ngày 4 tháng 2 năm Minh Mạng thứ 4) và "Thập thành hoàng kim, trọng nhị bách bát thập lạng, cửu tiền nhị phân" (tạm dịch: Làm bằng vàng ròng, có trọng lượng 280 lạng, 9 tiền và 2 phân, tương đương với trọng lượng 10,7kg).

Phần mặt dưới khắc nổi 4 chữ triện "Hoàng đế chi bảo" (tạm dịch: Báu vật của Hoàng đế). Đây vốn là một trong những chiếc ấn quan trọng nhất của triều Nguyễn, chỉ được sử dụng cho sắc phong quan trọng nhất.

Việc công khai thông tin đấu giá kim ấn thu hút sự quan tâm của giới sưu tầm cổ vật trong nước và quốc tế, bởi đây được xem là một trong những cổ vật quý giá nhất Việt Nam.

Nguyễn Trường

Bài tiếp theo
« Prev Post
Bài trước
Next Post »

Nghi son