Tổng số lượt xem trang

Đề xuất bỏ bảo hiểm bắt buộc với xe máy: "Bỏ càng sớm càng tốt"!

 

Việc VCCI đề xuất bỏ bảo hiểm bắt buộc với xe máy - vì cho rằng việc này không mang lại nhiều lợi ích cho xã hội khi tỷ lệ chi trả quá thấp - đang nhận được sự đồng lòng, tán thưởng của đại đa số người dân.

Được biết, đề xuất này nằm trong những nội dung Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) góp ý cho dự thảo Nghị định Quy định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc và bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng của Bộ Tài chính.

Hiện Bộ Tài chính quy định giá niêm yết cho một sản phẩm bảo hiểm bắt buộc và yêu cầu doanh nghiệp bán đúng mức giá 66.000 đồng một năm cho xe máy trên 50cc và 55.000 đồng cho xe dưới 50 cc.

Theo VCCI, khác với bảo hiểm tự nguyện, loại bảo hiểm này không chi trả cho người mua bảo hiểm (chủ xe) mà chi trả cho nạn nhân (bên thứ ba) nếu chủ xe không may gây tai nạn. Điều này nhằm đảm bảo cho người bị nạn luôn nhận được quyền lợi bồi thường từ công ty bảo hiểm dù người gây ra tai nạn có điều kiện tài chính hay không.

Nhưng sau hơn 10 năm triển khai, tỷ lệ chi trả bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự với xe máy vẫn ở mức rất thấp, gần 6% năm 2019 (tương đương 45 tỷ đồng chi trả trên 765 tỷ đồng phí bảo hiểm). Tỷ lệ này thấp hơn rất nhiều các loại bảo hiểm bắt buộc khác như tỷ lệ chi trả của bảo hiểm trách nhiệm dân sự của ôtô là khoảng 33%, bảo hiểm cháy nổ là 31%.

Bên cạnh đó, trong thực tế, việc số vụ bồi thường theo dạng này không nhiều cùng với phản ánh khó được chi trả của người dân đã khiến quy định này nhận nhiều phản ứng trái chiều.

Đề xuất bỏ bảo hiểm bắt buộc với xe máy: Bỏ càng sớm càng tốt! - 1

Về bản chất, doanh nghiệp bảo hiểm chỉ thực hiện bồi thường cho bên thứ ba (tức bên bị thiệt hại do tai nạn mà chủ xe cơ giới gây ra). Những thiệt hại về phương tiện và thân thể của chính người mua bảo hiểm gây tai nạn sẽ không được bảo hiểm (Ảnh minh họa).

"Mua bảo hiểm xe chỉ để đủ giấy tờ, để không bị phạt!"

Đại đa số độc giả gửi bình luận về Dân trí đều khẳng định điều này!

Độc giả Lan Thanh cho biết, "Năm nào cũng phải mua, không mua thì CSGT kiểm tra lại bị phạt, mà mua rồi đến khi bị tai nạn va chạm hỏng xe, tìm đến đại lý bán bảo hiểm, họ không giải quyết, và nhiều lý do khác. Hơn nữa nhiều người cũng chẳng biết tìm hãng bảo hiểm ở đâu để giải quyết, thêm nữa nhiều người cũng chẳng rảnh để đi tìm hãng bảo hiểm giải quyết. Bỏ là đúng".

"Nếu đề xuất của VCCI được Bộ Tài chính tiếp thu và bãi bỏ thì người dân vô cùng phấn khởi và cảm ơn Bộ Tài chính! Bởi quy định bắt buộc phải mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự cho xe máy chỉ mang lại quyền lợi cho nhóm lợi ích, trong đó hưởng lợi nhiều nhất là các công ty bảo hiểm, vì gần như các công ty bảo hiểm chỉ thu của dân mà không hề chi vì quá nhiều các thủ tục hành chính rườm rà", độc giả Trần Văn Hùng phân tích.

Một loạt bất cập, những điều vô lý cũng được độc giả đưa ra để "mổ xẻ".

Theo đó, độc giả Hải Phong cho rằng bảo hiểm là vấn đề dân sự, không thể bắt buộc người dân phải mua được: "Nên bỏ ngay bảo hiểm xe máy, phương tiện giao thông bắt buộc vì chẳng đem lại lợi ích gì cho người mua mà chỉ làm lợi cho công ty bảo hiểm. Nên để người có phương tiện tự nguyện mua bảo hiểm toàn bộ phương tiện, thân vỏ xe hay bảo hiểm máy móc, rủi ro và đây là quan hệ dân sự, CSGT không thể và không nên phạt "chưa mua bảo hiểm" vì không liên quan đến An toàn giao thông và Chấp hành Luật GTĐB. Bỏ đi sẽ tiết kiệm hàng trăm tỷ cho dân và ngược lại quyền lợi được nâng cao khi người dân tự nguyện mua bảo hiểm phương tiện, con người là hợp đồng dân sự không bắt buộc".

Độc giả Văn Phong đồng quan điểm và cho rằng, "Bao nhiêu năm nay tôi vẫn chưa thấy một câu trả lời chân thành của các bộ ngành liên quan về việc, tại sao lại biến một bảo hiểm dân sự thành bắt buộc như luật?, trong khi nó không bảo vệ được gì cho chính người mua mà chỉ làm phình to doanh thu cho công ty tư nhân. Quá nhiều khuất tất cho quy định này, tôi mong một ngày nào đó Thanh tra Chính phủ sẽ làm rõ được vấn đề này".

"Không phải bỏ hay không bỏ. Vấn đề ở đây là người mua bảo hiểm họ được gì khi mua nó. Chỉ cần giải quyết tốt vấn đề thanh toán khi có sự cố xảy ra tôi nghĩ chẳng ai tiếc mấy chục ngàn mà không mua bảo hiểm cả", độc giả Tường Vi nêu vấn đề.

Vấn đề nhận bồi thường sau khi bị tai nạn được nhiều độc giả nêu lên, thậm chí có độc giả còn so sánh việc đi đòi tiền bảo hiểm xe máy còn khó hơn doanh nghiệp đi đòi nợ xấu.

Độc giả Giang Giang nêu vấn đề: "Đừng hỏi có nhận được bồi thường chưa, mà hãy hỏi có ai từng thấy được hợp đồng dân sự khi mua và bán bảo hiểm chưa? Khi đụng chuyện tờ giấy bảo hiểm đó như tấm giấy lộn chỉ để đi đường, nếu có đi tìm bồi thường thì ông này đẩy trách nhiệm cho ông kia.

Bên cạnh đó, có ai gây tại nạn mà cầm được biên bản sự việc và biên bản khám nghiệm hiện trường tai nạn không? Bởi khi đi làm thủ tục bồi thường thì bên bảo hiểm sẽ đòi giấy tờ đó, nhưng làm sao lấy được chứ, đi tới đi lui phí thời gian".

Độc giả Hoàng Yên kể câu chuyện bản thân: "Hoan nghênh bỏ bảo hiểm bắt buộc đối với xe máy. Thực tế hàng chục triệu xe máy mua bảo hiểm, được bao nhiêu xe máy nhận được bồi thường khi bị tai nạn? Chưa kể thủ tục nhiêu khê khiến mọi người không mặn mà, mình từng bị tai nạn năm 2008, làm hồ sơ thanh toán bắt chạy tới chạy lui xác minh, chụp hình làm chứng xong được thanh toán 70.000đ (bảy mươi ngàn). Bực quá nên cho luôn bảo hiểm không nhận".

"Bảo hiểm không có lỗi, quan trọng là ở Việt Nam nó chưa được dùng vào đúng mục đích!"

Bên cạnh những ý kiến đồng tình với đề xuất bỏ bảo hiểm bắt buộc với xe máy, nhiều độc giả cho rằng đây là một hình thức văn minh. Tuy nhiên, cái chúng ta cần là hành lang pháp lý để nó phát huy được sức mạnh của mình, do hiện tại loại bảo hiểm này chưa thực hiện được đúng chức năng nên đại đa số người dân vẫn thấy nó khá vô ích.

Độc giả Ý Lan cho biết, chị mới làm một cuộc khảo sát nhanh với 14 bạn nhân viên ngồi cạnh (đều chạy xe máy), và kết quả là hầu hết các bạn đều vẫn chưa hiểu về bản chất của loại bảo hiểm này khi cho rằng bảo hiểm đó để đền bù cho mình khi không may mình bị tai nạn.

"Thực chất, loại bảo hiểm này không chi trả cho người mua bảo hiểm (chủ xe) mà chi trả cho nạn nhân (bên thứ ba) nếu chủ xe không may gây tai nạn. Điều này nhằm đảm bảo cho người bị nạn luôn nhận được quyền lợi bồi thường từ công ty bảo hiểm dù người gây ra tai nạn có điều kiện tài chính hay không.

Nói cách khác, bảo hiểm này liên quan đến quyền lợi của bên thứ 3. Nếu người đi xe máy không mua bảo hiểm rồi gây tai nạn cho người khác mà không có khả năng bồi thường thì người bị nạn ra sao?

Vì vậy tôi cho rằng thay vì bỏ loại bảo hiểm này thì hãy sửa đổi lại điều kiện hưởng bảo hiểm theo hướng đơn giản hơn. Ví dụ bắt buộc công ty bảo hiểm phải chi trả cho nạn nhân khi chỉ cần có bằng chứng xe gây tai nạn đã mua bảo hiểm của họ (ví dụ qua camera ô tô, giao thông, camera nhà dân, video người đi đường, xác nhận của cảnh sát giao thông...). Như vậy bảo hiểm sẽ không phải để mục đích đối phó như hiện nay. Xét cho cùng lợi ích của bảo hiểm là để bảo vệ quyền lợi của nạn nhân".

Cùng quan điểm, độc giả Minh Hà cho rằng không nên bỏ hẳn loại bảo hiểm này bởi "Chẳng qua là nó hoạt động chưa đúng mục tiêu và dân mình thì hay ngại khi yêu cầu thanh toán vì nhiều khi cứ bị soi như là trục lợi. Tôi đã học bảo hiểm nên hiểu rằng hầu hết loại hình bảo hiểm đều có lợi cho người mua. Khi chả may người bị tai nạn do khách quan mà không tìm ra thủ phạm thì họ sẽ được bảo hiểm bồi thường, nghĩa là bao giờ họ cũng có tiền trang trải chi phí do bị tai nạn - cái này rất cần thiết đối với người lao động nhất là những người nghèo, thu nhập thấp".

Khả Vân

Bài tiếp theo
« Prev Post
Bài trước
Next Post »

Nghi son