Tổng số lượt xem trang

Chứng khoán chỉ còn chờ "gió đông"

 

Giới chuyên gia cho rằng thị trường chứng khoán đã "muôn việc đủ cả, chỉ còn chờ gió đông". Quan điểm lạc quan cho rằng "sóng lớn" có thể bắt đầu từ tháng 9, tháng 10.

Chính sách hỗ trợ nhiều, cần thời gian để thẩm thấu

Từ đầu năm đến nay, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, Chính phủ đã đưa ra rất nhiều giải pháp tháo gỡ. Ngân hàng Nhà nước có 4 lần giảm lãi suất điều hành, giảm mặt bằng lãi suất cho vay, tăng dư nợ tín dụng, khả năng tiếp cận tín dụng, cơ cấu lại nợ, gia hạn nợ…

Các chính sách khác như gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất, miễn giảm thuế, phí (tổng quy mô 200.000 tỷ đồng) cũng được triển khai. Bên cạnh đó, Chính phủ chỉ đạo các ban ngành liên quan tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản.

Đồng thời, Quy hoạch điện 8 sau nhiều lần sửa đổi dự thảo cũng đã được thông qua, đưa ra kế hoạch phát triển nguồn điện dài hạn, cho thấy nhu cầu cần thiết phát triển các nguồn năng lượng tái tạo cũng như điện khí. Điều này kỳ vọng các dự án đầu tư lớn của ngành điện và ngành dầu khí sẽ có chuyển biến trong thời gian tới.

Mới đây, Quốc hội đã đồng ý giảm 2% thuế gia trị gia tăng (VAT) với các nhóm hàng, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất giá trị gia tăng 10%. Thời gian áp dụng từ 1/7 đến 31/12. Việc này góp phần giảm giá bán, giảm chi phí của người dân kích thích tiêu dùng. Doanh nghiệp cũng được hưởng lợi giảm giá thành sản phẩm, tăng khả năng phục hồi và mở rộng sản xuất kinh doanh.

Chứng khoán chỉ còn chờ gió đông - 1

Giới chuyên gia nhận định các yếu tố hỗ trợ cho thị trường chứng khoán đã có, chỉ còn chờ "gió đông" để tiến đến vùng 1.200 điểm (Ảnh minh họa: Hải Long).

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng mặc dù Ngân hàng Nhà nước hối thúc giảm lãi suất cho vay nhưng các ngân hàng thương mại chưa vội thực hiện.

Lý do là cuối năm ngoái và đầu năm nay, các ngân hàng thương mại đã phải huy động với lãi suất cao, nếu giảm lãi suất cho vay ngay thì thu nhập lãi thuần (NIM) sẽ bị ảnh hưởng. Hơn nữa, Việt Nam chịu ảnh hưởng lớn của nền kinh tế thế giới, nhu cầu các thị trường chính Mỹ, châu Âu chưa phục hồi nên tình hình đơn hàng của doanh nghiệp Việt chưa cải thiện.

Như vậy, ông Minh cho rằng điều kiện cần chính sách hỗ trợ đã có nhưng điều kiện đủ yếu tố vĩ mô, nội tại doanh nghiệp phục hồi chưa có. Nền kinh tế cần thời gian để thẩm thấu các chính sách.

Điều này thể hiện qua số liệu vĩ mô nửa đầu năm không mấy khả quan. Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 6 đạt 46,2 điểm, tăng so với mức 45,3 tháng 5 nhưng vẫn ở dưới ngưỡng bình quân 50 tháng thứ 4 liên tiếp. Ngành sản xuất Việt Nam tiếp tục gặp khó khăn cuối quý II, sản lượng và số đơn hàng mới sụt mạnh, các công ty giảm việc làm và hoạt động mua hàng tương ứng.

Theo Tổng cục Thống kê, GDP quý II ước tăng 4,14% so với cùng kỳ năm trước, chỉ nhỉnh hơn tốc độ tăng 0,34% của quý II/2020 - đáy của giai đoạn 2011-2023. Lũy kế 6 tháng, GDP tăng 3,72%, cách xa mục tiêu năm là 6,5%; xuất khẩu giảm 12%.

Theo đó, bức tranh kinh doanh của doanh nghiệp cũng chưa thể sáng hơn, đặc biệt là doanh nghiệp chuyên xuất khẩu như dệt may, thủy sản, bán lẻ…

VN-Index tiến đến 1.200 điểm, "sóng lớn" sẽ vào quý III?

Ông Minh cho rằng phải đến quý III lãi suất cho vay của các ngân hàng thực sự giảm, kích thích tăng trưởng tín dụng trở lại. Chi phí lãi vay giảm cùng khả năng tiếp cận vốn tăng giúp doanh nghiệp cải thiện biên lãi ròng.

Về mặt xuất khẩu, số lượng đơn đặt hàng ở các thị trường lớn có tín hiệu hồi phục, lạm phát giảm là yếu tố cơ sở để người dân tăng chi tiêu trở lại. Do vậy, tình hình kinh tế được kỳ vọng sẽ có chuyển biến rõ nét từ quý IV. Mặt khác, quý III và IV năm ngoái kết quả kinh doanh của doanh nghiệp đã xuống thấp nên có thể kỳ vọng vào sự tăng trưởng nửa cuối năm nay khi so sánh cùng kỳ.

Thị trường chứng khoán là "hàn thử biểu" của nền kinh tế. Sau đợt phục hồi tốt tháng 5 và 6, thị trường đi ngang trước thông tin không tích cực về vĩ mô, kết quả kinh doanh. Tuy nhiên, ông Minh kỳ vọng rằng sang quý III xu hướng sẽ thị trường tích cực hơn và VN-Index đạt mốc 1.200 điểm là hoàn toàn có thể.

Ở góc nhìn lạc quan hơn, ông Nguyễn Hồng Điệp, chuyên gia trong lĩnh vực tài chính chứng khoán, nhà sáng lập VICK, dự báo VN-Index từ đây đến cuối năm có thể cán mốc 1.250 điểm, sẽ con sóng lớn từ tháng 9 và 10 trở đi khi mà chính sách thẩm thấu vào nền kinh tế, bức tranh lợi nhuận doanh nghiệp cải thiện.

Mặt khác, ông Điệp cho rằng hiện nay, mức lãi suất 8%/năm gần như biến mất trên thị trường, nếu có ngân hàng áp dụng thì cũng với khoản tiền gửi cao ngất ngưỡng. Lãi suất kỳ hạn 3 tháng đã về vùng 4-4,75%, 12 tháng ở vùng 7-8%, kém thu hút đi rất nhiều so với mức 11-12% thời điểm đầu năm.

Do vậy, vị chuyên gia kỳ vọng rằng người dân có nguồn tiền gửi tiết kiệm dần chuyển sang các kênh đầu tư rủi ro cao hơn nhưng tỷ suất sinh lợi hấp dẫn hơn, trong đó chứng khoán là kênh ưu tiên do các kênh khác như vàng, ngoại tệ, bất động sản đều khó khăn.

"Tính đến cuối tháng 6, thanh khoản đã đạt 15.000 tỷ đồng trên HoSE, đây là mức tốt và phù hợp với điểm số VN-Index quanh 1.125-1.130 điểm. Sớm muộn nhà đầu tư cũng nhận diện được sức hút của thị trường chứng khoán và chuyển tiền nhàn rỗi vào. Tôi kỳ vọng giao dịch trên HoSE có thể có phiên giao dịch 18.000-20.000 tỷ đồng, thúc đẩy điểm số tăng cao", ông Điệp nói.

Hà Ngân (https://dantri.com.vn)

Bài tiếp theo
« Prev Post
Bài trước
Next Post »

Nghi son