Tổng số lượt xem trang

Hơn 10.000 USD "bay" khỏi tài khoản vì tin nhắn lừa đảo

 Một nữ tiếp viên hàng không đã mất hơn 10.000 USD trong tài khoản sau khi bám vào đường link từ tin nhắn mạo danh ngân hàng.

Hơn 10.000 USD bay khỏi tài khoản vì tin nhắn lừa đảo - 1

Nhấn để phóng to ảnh

Irish Geronimo trở thành nạn nhân của trò lừa đảo qua tin nhắn ngân hàng (Ảnh: SCMP).

Irish Geronimo, 29 tuổi, tiếp viên hàng không Cathay Pacific, hoảng sợ khi ngân hàng gửi tin nhắn cho biết khoảng 83.000 đô la Hong Kong (10.640 USD) trong số tiền tiết kiệm của cô đã được chuyển cho một người lạ.

Vài giờ trước đó, Geronimo đã bấm vào một đường link được gửi kèm trong một tin nhắn điện thoại, có vẻ như từ ngân hàng HSBC - nơi cô gửi tiền. Tuy nhiên thực chất, tin nhắn này đã được gửi bởi một kẻ lừa đảo.

Geronimo cho biết cô đã bị lừa vào khoảng nửa đêm ngày 10/6, khi đang cách ly tại một khách sạn ở Lantau sau một chuyến bay từ Mỹ.

Nữ tiếp viên hàng không nhận được một tin nhắn, trông giống như được gửi từ ngân hàng HSBC, với nội dung: "Một người nhận thanh toán mới đã được thêm vào hôm nay. Nếu đó không phải là bạn, hãy truy cập đường link sau".

Geronimo không thêm bất kỳ người nhận thanh toán mới nào trong ngày hôm đó, nên cô rất bối rối và đã bấm vào đường link.

Geronimo sau đó nhận ra rằng cô đã trở thành nạn nhân của một trò lừa đảo trực tuyến. "Tôi vẫn còn bị sốc. Lúc đó tôi không biết phải làm gì", nữ tiếp viên hàng không cho biết.

Sau đó, Geronimo được yêu cầu nhập thông tin cá nhân, bao gồm thông tin đăng nhập ngân hàng điện tử, mật khẩu và mã xác nhận.

Tuy nhiên, vào khoảng 13 giờ ngày hôm đó, HSBC thông báo với Geronimo rằng 83.000 đô la Hong Kong đã được chuyển từ tài khoản của cô cho một người lạ thông qua 2 giao dịch trực tuyến.

"Tôi ngay lập tức gọi cho HSBC, nhưng phải mất 20 phút tôi mới liên lạc được với bên đó và khi ấy đã quá muộn", Geronimo nói.

Nhân viên ngân hàng nói với cô rằng các giao dịch gian lận đã được chấp thuận và không thể làm gì được. Nhân viên này khuyên cô nên gọi cảnh sát.

"Tôi đã vô cùng tức giận. Tôi đã khóc một mình trong khách sạn", Geronimo kể lại.

Cô đã đến ngân hàng ngay sau khi thời gian cách ly kết thúc, nhưng được thông báo rằng một cuộc điều tra đang được tiến hành và sẽ mất vài tuần.

Mãi đến ngày 13/7, ngân hàng mới cho Geronimo biết đối tượng lừa đảo một chủ tài khoản HSBC khác. Ngân hàng đã đóng băng tài khoản này và cảnh sát đang điều tra vụ việc.

Chỉ kiếm được khoảng 12.000 đô la Hong Kong mỗi tháng trong bối cảnh Covid-19, Geronimo cho biết cô vẫn đang phải trả một khoản vay sinh viên, cùng với số tiền thuê nhà 5.000 đô la Hong Kong mỗi tháng.

Geronimo là một trong số nạn nhân khi những kẻ lừa đảo yêu cầu nạn nhân cung cấp dữ liệu cá nhân và sau đó được sử dụng để lấy cắp tiền từ tài khoản ngân hàng của họ.

Theo Cơ quan Tiền tệ Hong Kong, 111 khách hàng của các ngân hàng đã mất tổng cộng 22 triệu đô la Hong Kong trong nửa đầu năm 2021, trong khi không có trường hợp nào như vậy vào năm ngoái.

Tính đến ngày 18/6, cảnh sát đã nhận được 51 đơn trình báo về các vụ lừa đảo liên quan đến các trang web ngân hàng giả mạo, dẫn đến thiệt hại 10 triệu đô la Hong Kong. Trong vụ việc gây thiệt hại lớn nhất, nạn nhân mất 880.000 đô la Hong Kong.

Các ngân hàng cũng phát hiện 169 trang web, ứng dụng di động và tin nhắn và email lừa đảo trong nửa đầu năm nay, tăng 145% so với 69 trường hợp trong nửa đầu năm ngoái.

Cơ quan quản lý tiền tệ khuyến cáo người dân nên cẩn trọng với bất kỳ đường link nào được gửi bởi các ngân hàng, đồng thời giữ an toàn cho mật khẩu và thông tin đăng nhập ngân hàng trực tuyến.

Thành Đạt

Theo SCMP

Bài tiếp theo
« Prev Post
Bài trước
Next Post »

Nghi son