Tổng số lượt xem trang

Vạch trần thủ đoạn lấy cái chết của quân nhân để kêu gọi “không đi lính”

 Nếu một đứa trẻ mất đi cha mẹ, thì người ta gọi nó là đứa trẻ mồ côi, đàn ông mất vợ thì gọi là quan phu, phụ nữ mất chồng thì gọi là quả phụ. Nhưng không có tên gọi nào dành cho những người cha, người mẹ bị mất con – vì không có một từ ngữ nào đủ để miêu tả về nỗi đau đó.

Hình ảnh mẹ của quân nhân Trần Đức Đô ngồi khóc bên cạnh quan tài con khiến bao trái tim thổn thức.

Nhìn hình ảnh mẹ của quân nhân Trần Đức Đô ngồi khóc con, nhiều người không kìm được nước mắt, đồng cảm, và xót thương vì nỗi đau mất con của bất kỳ người cha mẹ nào, dù giàu hay nghèo cũng đều là như nhau. Nhất là khi cái chết của con mình chưa có kết quả cuối cùng, đang được 5 cơ quan chức năng điều tra thì khó có người mẹ nào an lòng.

Nhưng nhiều người cũng đã rất bàng hoàng, giật mình và không tin được khi xem clip người mẹ của quân nhân Đô phát biểu, sau mỗi câu nói của bà mẹ mất con là những tràng vỗ tay hoan hô, tung hô, cười đùa vô cảm của những người có mặt. Sự kệch cỡm đó làm sao có thể diễn ra được ở một tang gia – nó đi ngược lại hoàn toàn với truyền thống của người Việt.Thậm chí, trong tang lễ này đây, bất nhẫn hơn, nhiều kẻ nhân danh chính nghĩa và lợi dụng chia sẻ của mẹ quân nhân Đô về nỗi đau mất con, để từ đó đẩy đi những mưu đồ cá nhân kêu gọi tẩy chay đi bộ đội, chống lại nghĩa vụ công dân, “2k3 không đi lính” –  lời kêu gọi đầy hả hê này được những kẻ chống phá tung đi khắp nơi.

Ở đây, chỉ cần tỉnh táo, chúng ta sẽ minh định được hai việc. Thứ nhất, quân đội là một trong những lực lượng vũ trang đóng vai trò nồng cốt bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, bảo vệ biển đảo, biên cương và là lực lượng đi đầu nếu chiến tranh diễn ra. Đi lính là nghĩa vụ, trách nhiệm đồng thời cũng là nhiệm vụ quan trọng thiêng liêng với Tổ quốc.Hành vi kêu gọi chống lại nghĩa vụ công dân, mượn sự việc của quân nhân Đô để lôi kéo, gieo rắc tư tưởng “không tham gia nghĩa vụ quân sự” trong nhân dân là sự phá hoại Tổ quốc. Đây cũng là một trong những “con bài” quá quen thuộc của những thành phần ngày đêm tìm cách đục khoét, ủ mưu phá hoại sức mạnh của đất nước.

Thứ hai, sự việc đang trong quá trình điều tra hình sự, có đến 5 cơ quan chức năng: Phòng Điều tra hình sự Quân khu 1, Cục Điều tra hình sự (Bộ Quốc phòng), Cục Bảo vệ An ninh quân đội Bộ Quốc phòng, Viện Pháp y Quân đội và Công an tỉnh Thái Nguyên thực hiện công tác điều tra độc lập. Nếu có dấu hiệu của tội phạm và cá nhân nào vi phạm sẽ bị truy tố trước pháp luật. Kết quả điều tra từ các cơ quan chức năng mới là câu trả lời chính xác cho tất cả, quá trình này không phải thực hiện trong ngày một, ngày hai và vội vã.

Thực tế cho thấy, đã có quá nhiều bài học từ cuộc sống, khi các thành phần chống phá và “thám tử online” kết hợp với nhau tung tin, xuyên tạc khi các vụ án giết người đang trong quá trình được cơ quan chức năng, điều tra thụ lý, đã đem đến những xáo trộn, bất an như thế nào với xã hội. Hẳn là nhiều người vẫn chưa quên vụ án chấn động “nữ sinh giao gà” phức tạp đã được cơ quan điều tra tháo gỡ từng mắc xích, đưa ra ánh sáng pháp luật như thế nào, và trong quá trình đó biết bao “thám tử online” đã kết tội tùy hứng cho biết bao người.

Nước mắt người mẹ mất con – nỗi đau ai cũng cảm nhận được

Trong những tình huống này, nguời ngoài cuộc như chúng ta càng phải thật tỉnh táo để nhận diện vấn đề, để thấy những diễn biến khác thường và phát hiện những bàn tay nhám nhúa đang lợi dụng nỗi đau của gia đình nạn nhân, lợi dụng sự việc còn đang trong quá trình điều tra, thừa cơ hội nhún tay vào, khuấy động, thực hiện cho các mưu đồ phá hoại, chuyển hóa chính trị.

Hơn lúc nào hết, gia đình của quân nhân Đô cần sự chia sẻ chân tình bằng những yêu thương, họ đã mất mát quá nhiều rồi, và những kẻ bất lương hãy thôi lợi dụng vụ việc này khoét sâu hơn vào nỗi đau của họ, nhân danh công lý để phục vụ cho mưu đồ bất chính. Đừng làm nỗi đau gia đình họ thêm dài, tổn thương hơn nữa.

Thái Thanh 

Bài tiếp theo
« Prev Post
Bài trước
Next Post »

Nghi son