Tổng số lượt xem trang

Phê phán luận điệu của các thế lực thù địch đòi xóa bỏ chế độ sở hữu toàn dân về đất đai, khẳng định tính đúng đắn của vấn đề đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý

 PGS, TS NGÔ TUẤN NGHĨA

Viện trưởng Viện Kinh tế chính trị học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

 Đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, nguồn lực quan trọng phát triển đất nước, có liên quan đến mọi thành viên trong xã hội, do đó việc xác định quyền sở hữu đất đai luôn là vấn đề trọng đại của các quốc gia. Ở Việt Nam, đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý – đó là phương thức đúng đắn và hiệu quả nhất đối với sự phát triển của đất nước. 

Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý

Xét về loại hình quyền, quyền sở hữu đất đai là quyền sở hữu đặc biệt. Tính chất đặc biệt của quyền sở hữu đất đai thể hiện ở những khía cạnh cơ bản sau đây:

Một là, sự đặc biệt về nguồn gốc hình thành – tiền đề cho việc xác lập tính chất xã hội của quyền sở hữu đất đai.

Đất đai có khởi nguồn và là kết quả của quá trình kiến tạo tự nhiên trên vỏ địa cầu. Về phương diện này, khác với các tài sản, tài nguyên thông thường, đất đai không có nguồn gốc từ sự sáng tạo lao động của con người. Tuy vậy, để có thể biến đất đai từ trạng thái tự nhiên thành tư liệu sản xuất, tư liệu sinh hoạt hay không gian sinh tồn, lại đòi hỏi hao phí sức lao động, trí tuệ, thậm chí là sinh mạng của con người. Do đó, quyền sở hữu đất đai có tính chất xã hội bao trùm và rộng lớn hơn các quyền về tài sản khác. Đây là điều đặc biệt, song ít được chú ý vì trong xã hội hiện đại, người ta thường chỉ quan tâm tới tính năng có thể sử dụng của đất đai, còn nguồn gốc xuất phát của nó lại bị che mờ theo thời gian. Theo đó, quyền sở hữu đất đai, từ bản thân nó đã thuộc về xã hội, không phải là một loại quyền tư nhân điển hình, thuần túy như quyền sở hữu các loại tài sản khác. Đây cũng là căn cứ để xác lập các trình độ xã hội của quyền sở hữu đất đai.

Trình độ xã hội của quyền sở hữu đất đai phụ thuộc vào trình độ phát triển của phân công lao động xã hội và chịu sự tác động bởi trình độ phát triển của lực lượng sản xuất. Ở trình độ phát triển đầy đủ nhất, đất đai thuộc sở hữu toàn dân. Sở dĩ như vậy là vì, đất đai là không gian sinh tồn, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất, là kết quả của sự cống hiến, hao phí trí và lực một cách lâu dài, là sinh mệnh của toàn dân, của xã hội. Do đó, sở hữu toàn dân về đất đai sẽ phản ánh được hết sự đóng góp của tất cả thế hệ thành viên trong xã hội trong việc tạo nên loại tài sản đặc biệt này. Trong chế độ sở hữu toàn dân về đất đai, mọi thành viên trong xã hội đều được hưởng dụng đầy đủ các quyền thuộc về cấu trúc quyền sở hữu. Điều này sẽ không thể xảy ra trong điều kiện sở hữu tư nhân về đất đai. Sở hữu tư nhân về đất đai làm mờ đi nguồn gốc xã hội của đất đai, đồng nhất nguồn gốc tự nhiên, nguyên thủy của đất đai với nguồn gốc lịch sử – xã hội của đất đai khi đất đai đã trở thành tư liệu sản xuất, tư liệu sinh hoạt, không gian sinh tồn của con người. Với ý nghĩa đó, quyền sở hữu đất đai phải được đặt trong mối quan hệ lịch sử – xã hội của sự hình thành đất đai. Thoát ly khỏi mối quan hệ này, cách tiếp cận quyền sở hữu đất đai sẽ mang tính phi lịch sử và giống như việc tiếp cận tài sản trong môi trường chân không.

Hai là, sự đặc biệt về mức độ và phạm vi ảnh hưởng của quyền sở hữu đất đai.

Trong quá trình sinh tồn và lao động, sản xuất, các thành viên trong xã hội dù là chủ thể quản lý, sản xuất, kinh doanh hay là người dân bình thường, đều liên quan trực tiếp tới vấn đề đất đai – với tư cách là tư liệu sản xuất, tư liệu sinh hoạt hay là cương vực quốc gia, lãnh thổ, không gian sinh tồn của các dân tộc. Với ý nghĩa đó, mối quan hệ giữa con người với con người liên quan tới đất đai là một trong những mối quan hệ thường xuyên, thiết thân với mọi thành viên trong xã hội, và việc giải quyết mối quan hệ này là một trong những vấn đề hệ trọng với mọi quốc gia. Lịch sử giải quyết các quan hệ xã hội liên quan tới đất đai của loài người từ thời cổ đại đến nay luôn chứng kiến những bối cảnh phức tạp, khi công khai, khi âm thầm. Chế độ sở hữu đất đai, quyền sở hữu đất đai luôn được xác lập dựa trên những điều kiện lịch sử – xã hội nhất định. Vì thế, việc bảo hộ quyền sở hữu đất đai của các quốc gia cũng là vấn đề thực tiễn lịch sử. Quan hệ đất đai không thể vượt ra ngoài khuôn khổ chế độ chính trị, con đường phát triển của xã hội và ý chí của giai cấp cầm quyền. Lô-gíc tất yếu đó là bằng chứng thép khẳng định cho tính tương thích giữa quan hệ sở hữu đất đai với chế độ chính trị – xã hội tương ứng.

Ba là, sự đặc biệt về tính chính trị, tính thiêng liêng của quyền sở hữu đất đai.

Ngay sau khi chuyển hóa thành tư liệu sản xuất, tư liệu sinh hoạt, không gian sinh tồn, cương vực quốc gia, đất đai là sự kết tinh bởi trí tuệ, sức lực của những tập đoàn người dưới những chế độ chính trị nhất định. Công cuộc khẩn hoang hay phòng, chống thiên tai không thể là của một số ít người, của một thế hệ, mà là của các thế hệ nối tiếp nhau. Với tính chất đó, quyền sở hữu vốn đã mang tính chất xã hội rộng khắp, lại mang ý nghĩa chính trị, tính thiêng liêng sâu sắc. Bất kỳ sự hy sinh chính nghĩa nào của các thế hệ đi trước để bảo vệ bờ cõi, chế ngự thiên nhiên, đều rất thiêng liêng và là trách nhiệm, bổn phận đối với các thế hệ tiếp nối trong xã hội.

Trong cấu trúc quyền sở hữu đất đai, có đầy đủ quyền năng để các chủ thể được giao quyền có thể sử dụng và khai thác lợi ích từ đất đai. Vì thế, trong xã hội hiện đại, đôi khi người ta lầm tưởng, đồng nhất quyền sở hữu và quyền sử dụng, từ đó không nhận biết đủ sâu sắc về tính chính trị, tính thiêng liêng của quyền sở hữu đất đai. Mọi kết tinh hao phí sức lao động của con người đều thiêng liêng, nhưng đối với đất đai, sự kết tinh đó lớn hơn gấp nhiều lần so với các loại tài sản khác. Tính thiêng liêng của quyền sở hữu đất đai, vì thế, cũng tăng lên gấp bội.

Có thể thấy, tính chất đặc biệt của quyền sở hữu đất đai nổi bật hơn cả là, ngay từ tiền đề hình thành, nó đã thuộc về xã hội và do tính xã hội quy định. Quan hệ sở hữu là quan hệ xã hội từ trong bản chất của nó, song, đối với các loại tài sản thông thường, quyền sở hữu có thể thuộc về tư nhân và thể hiện tính chất tư nhân. Việc khai thác lợi ích của quyền sở hữu tài sản thông thường có thể được thực hiện một cách đầy đủ trong cấu trúc quyền sở hữu tư nhân. Trái lại, đối với quyền sở hữu đất đai, việc khai thác lợi ích của quyền sở hữu này chỉ có thể thực hiện được một cách đầy đủ trong cấu trúc quyền sở hữu xã hội, đầy đủ hơn cả là ở tính chất toàn dân của quyền sở hữu.

Sở hữu toàn dân về đất đai là phương thức để thực hiện một cách đầy đủ quyền tài sản và hưởng dụng lợi ích lớn nhất từ quyền sở hữu. Trong cấu trúc quyền sở hữu tư nhân về đất đai, lợi ích và sự hưởng dụng lợi ích từ quyền sở hữu vẫn có thể được thực hiện, tuy nhiên đó không phải là lợi ích lớn nhất, chưa phải là sự tối đa hóa lợi ích, bởi vì, với quyền sở hữu này, hàng loạt quyền mang tính lịch sử của các thế hệ người đã bị tước bỏ. Trong chế độ sở hữu toàn dân về đất đai, không những các quyền sở hữu của thế hệ hiện tại được bảo hộ, mà các quyền sở hữu của các thế hệ từ trong lịch sử cũng được tôn trọng. Như vậy, tính chất đặc biệt của quyền sở hữu đất đai lại được thể hiện rõ hơn so với bất kỳ loại hình tài sản nào và các quyền sở hữu tài sản thông thường nào.

Chế độ sở hữu toàn dân về đất đai là một trong những tiền đề vững chắc cho việc thực hiện chế độ dân chủ của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân

Lịch sử phát triển của xã hội loài người từng chứng kiến những nấc thang khác nhau gắn với các chế độ sở hữu ruộng đất khác nhau. Trong chế độ chiếm hữu nô lệ, quyền sở hữu ruộng đất và nô lệ thuộc về chủ nô. Trong chế độ phong kiến, quyền sở hữu ruộng đất chủ yếu thuộc về tầng lớp địa chủ và quý tộc, người dân mặc dù được tự do hơn chế độ chiếm hữu nô lệ trước đó, song có quyền sở hữu đất đai rất hạn chế. Chế độ tư bản chủ nghĩa tiến bộ hơn chế độ phong kiến ở chỗ, người dân được tự do hơn, quyền sở hữu tài sản đa dạng hơn. Tuy nhiên, quyền sở hữu đất đai thuộc về tư nhân tạo cơ sở kinh tế cho sự phân phối dựa trên quyền sở hữu và thúc đẩy sự phân hóa về kinh tế. Sự phân hóa về kinh tế, đến lượt nó, dẫn tới sự phân hóa về cơ hội thụ hưởng các thành tựu phát triển của xã hội. Mặc dù chế độ tư nhân tư bản chủ nghĩa bao gồm trong nó sở hữu tư nhân về đất đai đã tạo ra những thành tựu văn minh vật chất và văn minh tinh thần rất cao, song, từ trong lòng xã hội tư bản chủ nghĩa vẫn ẩn chứa nhiều mâu thuẫn mà nhân loại còn tiếp tục phải nỗ lực giải quyết. Xã hội tư bản chủ nghĩa, như vậy, xét theo quan điểm lịch sử, không phải là đích cuối cùng trong lịch sử phát triển của xã hội loài người. Sở hữu tư nhân về đất đai trong xã hội tư bản chủ nghĩa đương đại chưa là tiền đề để nhân dân thực sự làm chủ. Việc tuyên bố chế độ dân chủ của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân được thực thi ngay trong lòng xã hội tư bản chủ nghĩa là mang nặng tính hình thức, thiếu đi nền tảng kinh tế vững chắc toàn diện, trong đó có các quyền sở hữu của người dân về đất đai.

Như ở trên đã chỉ ra, trong sở hữu tư nhân về đất đai, tính chất lịch sử – xã hội của sự hình thành đất đai bị làm lu mờ đi. Thực chất, chủ nghĩa tư bản không đặt trọng tâm vào vấn đề này, các nhà tư bản chỉ quan tâm tới lợi nhuận và sự hiện hữu lợi ích từ các quyền tư nhân. Tính chất lịch sử, sự thiêng liêng của đất đai nếu không đem lại lợi nhuận sẽ bị gạt ra ngoài quá trình sản xuất. Xét về khía cạnh xã hội của vấn đề, lợi ích như vậy chưa phải là lớn nhất đối với các quyền sở hữu tư nhân về đất đai.

Ở trình độ phát triển đầy đủ nhất, sở hữu toàn dân về đất đai đem lại sự thụ hưởng và khai thác lợi ích lớn nhất, toàn diện nhất. Mỗi thành viên trong xã hội đều có quyền lợi và trách nhiệm đối với hình thức sở hữu này. Đây là tiền đề để các thành viên trong xã hội có được cơ sở kinh tế để thực hiện quyền làm chủ của mình. Theo cách tiếp cận như vậy, sở hữu toàn dân về đất đai là cơ sở kinh tế của chế độ dân chủ của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân – hình thức dân chủ cao và toàn diện nhất, trong đó người dân trở thành chủ thể đích thực của nền dân chủ. Diễn đạt theo cách khác, sở hữu toàn dân về đất đai là cơ sở vững chắc cho việc xây dựng chế độ dân chủ của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, là phương thức để thực hiện con đường phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Sở dĩ như vậy là vì, việc hướng tới xác lập chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa chính là hướng tới xác lập chế độ dân chủ của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân – chế độ xã hội mà trong đó, nhân dân thực sự làm chủ, là chủ và lợi ích của quá trình phát triển là của nhân dân, do nhân dân định đoạt. Cần có nhiều nội dung để đạt được trình độ phát triển như vậy, nhưng nhất định không thể thiếu phương thức sở hữu toàn dân về đất đai. Sở hữu toàn dân về đất đai là nguyên tắc, là căn cứ vững chắc để bảo đảm đúng định hướng xã hội chủ nghĩa trong quá trình phát triển. 

Bác bỏ luận điệu đòi bỏ quy định sở hữu toàn dân về đất đai

Tại Đại hội XIII, Đảng ta đề ra nhiều chủ trương mới đối với sự phát triển đất nước và tháo gỡ những vướng mắc của quá trình phát triển, trong đó có những vướng mắc về thể chế quản lý đất đai và giải quyết quan hệ đất đai. Đảng ta chủ trương tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế về quản lý, sử dụng đất đai cho phù hợp với tình hình phát triển mới. Cụ thể hóa tinh thần Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 16-6-2022, “Về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển, có thu nhập cao”, trong đó nêu rõ quan điểm: “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý”.

Trước tình hình nêu trên, lợi dụng một số hạn chế trong quá trình tổ chức thực hiện quản lý và sử dụng đất đai, các thế lực thù địch ra sức truyền bá các luận điệu sai trái, đòi bỏ quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân, đi ngược lại lợi ích của nhân dân.

Trước hết, cần thấy rõ rằng, luận điệu đòi bỏ quy định sở hữu toàn dân về đất đai không nằm ngoài mưu đồ thâm độc của các thế lực thù địch là gây chia rẽ trong tư tưởng, nhận thức của nhân dân về sự đúng đắn, khoa học của chế độ sở hữu toàn dân về đất đai. Họ biết rằng, xóa bỏ được quan điểm sở hữu toàn dân về đất đai sẽ góp phần xóa bỏ cơ sở vững chắc của việc thực hiện chế độ dân chủ của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Khi đất đai được tư nhân hóa sẽ dẫn tới tình trạng đầu cơ, các thế lực có thể thâu tóm, tích tụ đất đai ở một số ít thành viên trong xã hội và do đó, làm gia tăng sự phân hóa, rối loạn xã hội, nhất là ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Từ đó, gây hoang mang, chia rẽ trong nội bộ nhân dân, gieo rắc nghi ngờ và làm giảm sút niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam, hòng từng bước tiến tới xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

Có thể nói, âm mưu đòi xóa bỏ chế độ sở hữu toàn dân về đất đai không nằm ngoài tổng thể chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, hòng phá hoại sự phát triển của đất nước ta. Không những thế, việc kêu gọi tư nhân hóa đất đai còn là thủ đoạn để xóa nhòa lịch sử, làm phai nhạt truyền thống dựng nước và giữ nước của cha ông ta. Các thế lực thù địch muốn lợi dụng vấn đề đất đai để tạo ra những “điểm nóng” phức tạp, nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chia rẽ các tôn giáo, gây rối loạn, bất ổn ở nhiều nơi. Từ đó, tạo cớ để móc nối với các phần tử cơ hội, phản động ở trong nước cũng như các phần tử phản động lưu vong ở nước ngoài, gây dựng thanh thế và đánh lạc hướng dư luận quốc tế, làm giảm sự ủng hộ của bạn bè quốc tế đối với sự phát triển ổn định của Việt Nam. Luận điệu đòi xóa bỏ chế độ sở hữu toàn dân về đất đai của các thế lực thù địch còn nhằm mục đích gây hoang mang trong một bộ phận người dân đang chịu tác động không mong muốn trong quá trình huy động nguồn lực đất đai cho sự phát triển kinh tế – xã hội. Đồng thời, lợi dụng sự hiểu biết chưa thấu đáo của một số ít người dân đối với chính sách, pháp luật về đất đai của Nhà nước để gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Trong những luận điệu xuyên tạc và đòi xóa bỏ chế độ sở hữu toàn dân về đất đai, các thế lực thù địch viện dẫn một số ít hạn chế, yếu kém và sai phạm của cán bộ, công chức nhà nước trong quản lý, sử dụng đất đai, hay một vài hiện tượng khiếu kiện vượt cấp, khiếu kiện kéo dài của nhân dân về đất đai… để xuyên tạc rằng, chính chế độ sở hữu toàn dân về đất đai đã gây ra những hệ lụy như vậy. Họ thực hiện các kỹ nghệ thổi phồng một số hiện tượng cá biệt để xuyên tạc bản chất của vấn đề, nhập nhèm giữa biểu hiện và nội dung của sự việc, đánh đồng một số hạn chế, yếu kém trong quản lý nhà nước về đất đai với bản chất của cả hệ thống chính trị. Không dừng lại ở đó, họ còn tranh thủ lợi dụng một số “điểm nóng” trong quản lý, sử dụng đất đai do lịch sử để lại, đất đai liên quan đến cơ sở tôn giáo, tâm linh để câu móc với các phần tử bất mãn chế độ, các phần tử cơ hội ở trong nước cũng như lưu vong ở nước ngoài, lôi kéo các đài phát thanh, các kênh truyền thông xã hội vào vòng xoáy mập mờ, nhằm tạo ra cơn bão nhiễu thông tin và các cú sốc truyền thông, kích động gây bức xúc trong dư luận xã hội. Với nhiều thủ đoạn như vậy, họ cố tình làm phức tạp tình hình quản lý và sử dụng đất đai ở nước ta.

Gượng gạo thay các luận điệu đang ra sức kêu gọi xóa bỏ chế độ sở hữu toàn dân về đất đai! Những thành tựu phát triển kinh tế – xã hội, sự ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước là bằng chứng đanh thép bác bỏ các luận điệu này. Trong giai đoạn vừa qua, xảy ra hiện tượng một số ít cán bộ, công chức mắc sai phạm trong quản lý đất đai, là do bản thân cán bộ, công chức đó không thực hiện đúng nguyên tắc đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Thực tế cho thấy, ở nơi nào, khi nào vận dụng đúng nguyên tắc đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý, tách bạch rõ quyền sở hữu và quyền sử dụng đất đai, thì ở đó, khi đó có sự phát triển ổn định và sự tin tưởng của nhân dân. Điều đó có ý nghĩa rất rõ ràng rằng, sở hữu toàn dân về đất đai là một chế độ sở hữu tiến bộ và toàn diện, phù hợp với sự phát triển của xã hội Việt Nam mà không thể bác bỏ, không thể thay đổi. Vì vậy, các thế lực thù địch dù có cố gắng đưa ra các luận điệu sai trái, xuyên tạc về vấn đề này thì cũng sẽ bị vạch trần và bác bỏ một cách triệt để./.

Bài tiếp theo
« Prev Post
Bài trước
Next Post »

Nghi son