Tổng số lượt xem trang

Phớt lờ sự thật

  Lâu nay, các đài BBC, RFA, RFI, VOA tiếng Việt và các tổ chức phi chính phủ như Phóng viên không biên giới – RSF, Tổ chức Theo dõi nhân quyền – HRW hoặc Tổ chức Ân xá quốc tế – AL…, đã và đang vào hùa với một số tổ chức, cá nhân phản động, cơ hội chính trị để tìm cách xuyên tạc, bịa đặt và vu khống về tình hình tự do báo chí tại Việt Nam. Trên trang facebook của Đài RFI và VOA ngày 3-5-2023 cho biết, RSF vừa công bố cái gọi là báo cáo về “Chỉ số tự do báo chí thế giới năm 2023”. Trong bảng xếp hạng này, RSF tự cho mình cái quyền đánh giá về tình hình hoạt động báo chí ở các quốc gia có chủ quyền. Cụ thể, RSF đã xếp 3 nước đứng cuối bảng đều ở châu Á, trong đó xếp Việt Nam ở hạng 178. Tuy nhiên, lập luận của RSF có sự đánh tráo khái niệm giữa tự do báo chí với báo chí tự do.

Đánh tráo bản chất

Mọi người đều hiểu tự do là quyền cơ bản của con người, nhưng cùng với đó là nhận thức và phương thức hành xử phù hợp với cộng đồng quốc tế, quốc gia, dân tộc, để tôn trọng quyền tự do của người khác và tuân thủ pháp luật. Điều 29 trong Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền năm 1948 của Liên hợp quốc đã nêu rõ: “Mỗi người đều có nghĩa vụ đối với cộng đồng, trong khi hưởng thụ các quyền về tự do cá nhân, phải chịu những hạn chế do luật định nhằm mục đích duy nhất là bảo đảm việc thừa nhận và tôn trọng đối với các quyền tự do của người khác và phù hợp với những đòi hỏi chính đáng về đạo đức, trật tự công cộng và phúc lợi chung trong một xã hội”. Tuy lấy Điều 19 của Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền làm cơ sở để hành động, nhưng từ khi ra đời đến nay, RSF lại “hát theo người cho bánh mì” bằng những việc xuyên tạc, nói xấu, bôi nhọ thực tế ở các quốc gia có chủ quyền nhưng không phải là đồng minh của phương Tây. 

Điều này vô cùng dễ hiểu vì RSF sống được là hoàn toàn dựa vào nguồn hỗ trợ kinh phí của một số chính giới phương Tây. Vì vậy, trong các bảng xếp hạng tự do báo chí hằng năm, RSF thường tuân theo sự sắp đặt một cách có chủ ý từ các quốc gia tài trợ cho tổ chức này tồn tại. Đây là nguyên nhân dẫn đến những thông tin được tổ chức này sử dụng để đánh giá mức độ tự do báo chí của những quốc gia mà phương Tây không có thiện chí đều thiếu khách quan, vì không có hoạt động khảo sát, kiểm chứng thực chất…, mà đó là những đánh giá vô căn cứ hoặc được suy diễn, phóng đại, chụp mũ. Cụ thể, đối với Việt Nam, RSF không sử dụng thông tin chính thống từ chính phủ để đưa ra đánh giá mà dựa vào những thông tin do một số tổ chức phản động, thù địch và cá nhân cơ hội chính trị, thậm chí là tội phạm cung cấp. Do đó, mọi nhận định của RSF về tự do báo chí ở Việt Nam đều dựa vào những thông tin xuyên tạc, bịa đặt.

Trước việc làm sai trái của RSF, Việt Nam đã nhiều lần kịch liệt phản đối quan điểm cũng như cách tiếp cận phi thực tế của tổ chức này về tự do báo chí ở Việt Nam. Tuy nhiên, với bản chất của một con rối sống bằng nghề “cố đấm ăn xôi”, RSF đã xếp Việt Nam trong nhóm các quốc gia đứng gần cuối “Bảng xếp hạng chỉ số tự do báo chí thường niên” năm 2023. Sau khi thông tin vô căn cứ được RSF phát tán, thì ngay lập tức các tổ chức “ăn theo nói leo” BBC, RFA, RFI, VOA tiếng Việt và một số tổ chức, cá nhân phản động lao vào quy kết, vu khống rằng ở Việt Nam không có tự do báo chí. Chưa hết, chúng còn bịa đặt, xuyên tạc rằng Đảng, Nhà nước Việt Nam quản lý báo chí theo chế độ “đăng ký”, “bị kiểm duyệt”, “hà khắc”… Mục đích của thủ đoạn này nhằm thực hiện âm mưu kích động các phần tử xấu đòi thay đổi thể chế chính trị, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, thay đổi chính sách cho phép báo chí tư nhân hoạt động…

Sự thật về tự do báo chí tại Việt Nam

Thực tế từ khi thành lập nước đến nay, Việt Nam luôn là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, luôn tuân thủ Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền: “Mọi người đều có quyền tự do ngôn luận và biểu đạt; bao gồm tự do giữ ý kiến mà không bị can thiệp, cũng như tự do tìm kiếm, thu nhận và truyền bá thông tin và tư tưởng bằng bất cứ phương tiện truyền thông nào và không giới hạn về biên giới”. Bằng chứng là trong Hiến pháp hiện hành có quy định rõ tại Điều 25: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Và cụ thể hóa quy định nêu trên của Hiến pháp, tại khoản 1 Điều 3 Luật Tiếp cận thông tin năm 2016 đã khẳng định: “Mọi công dân đều bình đẳng, không bị phân biệt đối xử trong việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin”. Bên cạnh đó, Luật Báo chí cũng quy định rõ trách nhiệm của Nhà nước trong việc tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí.

Theo đó, báo chí ở Việt Nam có chức năng là diễn đàn của nhân dân, là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, để nhân dân trình bày những tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của mình, thông qua đó báo chí thực hiện chức năng phản biện xã hội, đề xuất những ý kiến đối với Đảng, Nhà nước. Đồng thời, báo chí ở Việt Nam có nhiệm vụ định hướng dư luận trong quá trình xây dựng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và có trách nhiệm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng, trật tự và an toàn xã hội. Chính những quy định này đã thể hiện rõ về quyền con người, quyền công dân trên các lĩnh vực đời sống xã hội, trong đó có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí luôn được Nhà nước ta bảo đảm, phù hợp với thực tiễn phát triển đất nước và thông lệ quốc tế. Như vậy, ở Việt Nam mọi công dân không chỉ có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí mà còn có quyền tự do tiếp cận thông tin. Và chính điều này đã khẳng định ở Việt Nam, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và tự do tiếp cận thông tin là những quyền cơ bản của mọi công dân và được Nhà nước bảo hộ. 

Chính vì thế, các cơ quan báo chí và đội ngũ người làm báo ở Việt Nam liên tục tăng theo yêu cầu phát triển của đất nước. Tính đến nay, cả nước có 127 cơ quan báo in, 670 cơ quan tạp chí, 72 đài phát thanh – truyền hình, 77 kênh phát thanh cùng 194 kênh truyền hình trong nước và 57 kênh truyền hình nước ngoài. Nhân sự hoạt động trong lĩnh vực báo chí hiện có khoảng 41.000 người. Bên cạnh đó, hiện có gần 40 hãng truyền thông quốc tế có mặt tại Việt Nam, trong đó có nhiều hãng lớn như CNN, Reuters, AP, AFP, Kyodo, Hãng thông tấn Asia (Hàn Quốc)… Và điều đáng ghi nhận là các cơ quan truyền thông quốc tế như CNN, TV5, NHK, DW, Australia Network, KBS, Bloomberg… đều đến được với công chúng Việt Nam dễ dàng, thuận tiện mà không có bất kỳ rào cản công nghệ hay pháp lý nào. Các nhà báo quốc tế được Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi để tác nghiệp…

Chưa hết, Việt Nam hiện là 1 trong 20 quốc gia có số người sử dụng internet cao nhất thế giới, với 72,1 triệu người, đạt 73,2% dân số. Thông qua các trang mạng xã hội Facebook, YouTube, Lotus, Viber, Zalo, Twitter, Instagram…, người dân Việt Nam có thể chia sẻ thông tin, hình ảnh, clip, bày tỏ quan điểm, ý kiến cá nhân của mình về mọi vấn đề của đời sống xã hội. Như vậy, từ những cơ sở pháp lý đã phân tích và thực tiễn đã khẳng định quyền tự do báo chí ở Việt Nam luôn được tôn trọng, bảo đảm. Điều này đã minh chứng, bác bỏ những luận điệu xuyên tạc, sai trái của RSF cũng như các thế lực thù địch về bảo đảm quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận ở Việt Nam.

Nhật Minh (BPO)

Bài tiếp theo
« Prev Post
Bài trước
Next Post »

Nghi son