Tổng số lượt xem trang

Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân Việt Nam Kostas Sarantidis qua đời

 Chiến sĩ Cộng sản Kostas Sarantidis, tên tiếng Việt là Nguyễn Văn Lập, người nước ngoài duy nhất được phong tặng Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân Việt Nam, đã qua đời ở tuổi 94.

Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân Việt Nam Kostas Sarantidis qua đời - 1

Nhấn để phóng to ảnh

Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân Việt Nam Kostas Sarantidis - Nguyễn Văn Lập khi còn trẻ (bên trái) và khi đã già (Ảnh: Idcommunism).

Theo trang Idcommunism, ông Sarantidis đã từ trần vào ngày 25/6 (giờ địa phương) ở tuổi 94 tại quê nhà Hy Lạp. Ông là chiến sĩ Cộng sản từng tham gia vào cuộc kháng chiến chống lại chủ nghĩa thực dân để giành lấy độc lập, tự do của Việt Nam và là người nước ngoài duy nhất được phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân.

Ông Sarantidis sinh năm 1927 ở Thessaloniki, Hy Lạp. Năm 16 tuổi, ông bị bắt trong thời kỳ phe Trục chiếm đóng Hy Lạp và bị đưa đến các trại lao động cưỡng bức của Đức quốc xã. Tuy nhiên, ông đã trốn thoát được trên đường đi và cải trang thành một người Đức cho tới khi cuộc chiến tranh kết thúc.

Sau Thế chiến II, ông không thể về Hy Lạp vì không có giấy tờ tùy thân. Sau đó, ông tham gia quân lê dương của Pháp, rồi được điều động tới Algeria, và Đông Dương vào năm 1946.

Tại Đông Dương, ông và những người lính lê dương khác được hứa hẹn rằng họ sẽ tham chiến trong thời gian ngắn và nhiệm vụ của họ là giải giáp phát xít Nhật và khôi phục lại trật tự.

Tuy nhiên, sau khi tới Việt Nam, ông Sarantidis đã chứng kiến tính chính nghĩa của cuộc kháng chiến chống lại chủ nghĩa thực dân của người Việt Nam và quyết định liên lạc với Việt Minh để xin gia nhập hàng ngũ. Sau khi đưa ra quyết định này, ông cùng một người bạn cùng đơn vị đã giải thoát cho 25 tù binh, và giao nộp vũ khí gồm súng trường và súng máy cho bộ đội Việt Nam.

Kể từ đó, ông được gọi bằng cái tên tiếng Việt Nguyễn Văn Lập và đã đảm nhiệm nhiều vị trí, tham gia nhiều trận đánh và lập được nhiều chiến công trong tác chiến và công tác địch vận. Năm 1949, ông trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

Sau khi cuộc kháng chiến chống Pháp kết thúc vào năm 1954, ông tập kết ra Bắc và hoạt động thêm một thời gian, trước khi rời quân ngũ.

Ông trở về Hy Lạp vào những năm 1960, ông đã gia nhập Đảng Cộng sản Hy Lạp (KKE) và trở thành một trong những cầu nối trong mối quan hệ hữu nghị Việt Nam và Hy Lạp.

Năm 2010, ông Lập được nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trao quyết định công nhận là công dân Việt Nam. Tháng 5/2013, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân cho ông. Ngoài ra, ông còn nhận được rất nhiều các bằng khen, huân huy chương công nhận sự đóng góp của ông cho Việt Nam như Huân chương Hữu nghị năm 2011, Huân chương Chiến công hạng Ba và Huân chương Kháng chiến hạng Nhì.

Tình yêu với Việt Nam - Tổ quốc thứ 2

Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân Việt Nam Kostas Sarantidis qua đời - 2

Nhấn để phóng to ảnh

Ông Nguyễn Văn Lập (bên phải) trong một cuộc gặp với Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Ảnh: Idcommunism).

Khi còn sống, ông Lập thích được gọi bằng tên tiếng Việt hơn là tên Hy Lạp vì ông cho biết cái tên này gắn liền với những kỷ niệm không thể quên với đất nước Việt Nam. Các con của ông với người vợ Việt cũng đều được đặt tên bằng tiếng Việt và truyền thống này tiếp tục được duy trì tới đời cháu ông.

Sau khi trở về nước, ông đã nhiều lần quay trở lại Việt Nam vì ông rất yêu nơi mà ông gọi là "Tổ quốc thứ 2". Mỗi khi về Việt Nam, ông đều đứng lên kêu gọi ủng hộ đồng bào bị bão lụt, hay các nạn nhân chất độc da cam. Ông cũng từng quyên góp tiền để tặng cho các mẹ liệt sĩ ở Quảng Nam.

Ông Lập từng chia sẻ, trái tim ông luôn hướng về Việt Nam và ông luôn muốn về Việt Nam để chứng kiến sự phát triển của đất nước từng ngày từng giờ. Sinh thời, ông cũng muốn trở về Việt Nam sinh sống nhưng vì còn con cháu và gia đình ở Hy Lạp nên ước mong này đã không thể trở thành hiện thực.

Một trong những điều vinh dự và thiêng liêng nhất với ông Nguyễn Văn Lập là ông đã được gặp Bác Hồ. Ông coi Bác Hồ là lãnh tụ của ông và Việt Nam là quê hương thứ 2 của con, cháu ông.

Trong một bài trả lời phỏng vấn báo chí Việt Nam hồi năm 2013, ông Lập từng nói rằng: "Việt Nam, trái tim cứ gọi tôi về, vì Việt Nam là Tổ quốc của tôi".

Đức Hoàng

Bài tiếp theo
« Prev Post
Bài trước
Next Post »

Nghi son