Tổng số lượt xem trang

Tạm ứng niềm tin và kinh doanh… danh tiếng

 Nghệ sĩ quảng bá tiền ảo không phù hợp với pháp luật. Nghệ sĩ livestream giới thiệu sản phẩm kém chất lượng, không có nguồn gốc. Nghệ sĩ thiếu minh bạch khi kêu gọi tiền từ thiện…

Tạm ứng niềm tin và kinh doanh… danh tiếng - 1

Nhấn để phóng to ảnh

Những câu chuyện lùm xùm này chẳng phải đến bây giờ mới rộ lên trên báo chí hay qua loạt clip mang tính chất "bóc trần" của một nữ doanh nhân đang thu hút dư luận gần đây trên mạng xã hội.

Nghệ sĩ hiện nay có những người rất "đa năng", thiết nghĩ, đó cũng là điều đáng mừng. "Có thực mới vực được đạo", nếu như người nghệ sĩ có thêm nhiều nguồn thu nhập thì họ cũng sẽ có thêm điều kiện để đầu tư cho hoạt động nghệ thuật, tạo ra những sản phẩm có giá trị, cống hiến tốt hơn cho khán giả và pháp luật không ngăn cấm việc này. Tuy nhiên, mọi hoạt động dù là nghệ thuật hay phi nghệ thuật cũng phải là hợp pháp.

Với tính chất "người của công chúng" và danh tiếng của từng cá nhân, các nghệ sĩ còn hoạt động rất hiệu quả ở những nghề mà trước đây khi chưa có internet, mạng xã hội ít ai hình dung nổi, như KOLs; Influencer (người có ảnh hưởng tới cộng đồng)… Một dòng trạng thái (status) đơn giá lên cả trăm triệu đồng, người bình thường khó mà tưởng tượng, chưa nói tới livestream quảng cáo.

Đơn giản là chẳng ai nghĩ người nghệ sĩ - thần tượng (idol) trong lòng họ lại đi lừa dối họ cả. Tên tuổi, gương mặt của người nghệ sĩ đó chính là bảo chứng cho chất lượng sản phẩm.

Tương tự, việc nghệ sĩ kêu gọi quyên góp làm từ thiện, thông thường sẽ kêu gọi rất nhanh, có người chỉ ít ngày đã phải xin dừng nhận ủng hộ vì tiền chuyển đến quá nhiều, lên tới hàng chục tỷ đồng. Mới thấy công chúng yêu quý và tin tưởng nghệ sĩ nhường nào!

Dẫu vậy, niềm tin là thứ cần được trân trọng, nâng niu và phát triển lên chứ không nên đưa ra để kinh doanh mạo hiểm hay làm vật tín chấp "năm ăn, năm thua".

Dù phải thừa nhận tính thương mại hóa trong lĩnh vực nghệ thuật ngày càng phổ biến, song khi một người nghệ sĩ trở thành một chuyên gia tiếp thị, một nhân vật PR cho nhãn hàng, sản phẩm mà không ý thức đến quyền lợi người tiêu dùng thì vấn đề lại là "đạo đức kinh doanh" và pháp luật chứ không còn chỉ dừng ở phạm vi hoạt động nghệ thuật nữa.

Mới đây, Ban Tuyên giáo TPHCM đã phải gửi công văn tới các hội Văn học Nghệ thuật TP nhằm chấn chỉnh việc một số nghệ sĩ tham gia quảng cáo trên các trang mạng xã hội sai quy định của pháp luật.

Nội dung công văn của Ban Tuyên giáo nêu rõ, một số nghệ sĩ tại TPHCM bị phản ánh có tham gia bằng nhiều hình thức như đăng bài viết, video clip trên mạng xã hội, trực tiếp giới thiệu quảng cáo về hiệu quả sử dụng một số mặt hàng tiêu dùng, thực phẩm chức năng, thuốc chữa bệnh, tiền ảo… không đúng với quy định pháp luật, làm ảnh hưởng sức khỏe, tính mạng, tài sản, niềm tin của người tiêu dùng và hình ảnh của các nghệ sĩ.

Nghệ sĩ tựa những người chèo con thuyền nghệ thuật để đưa tâm hồn con người ta đến với bến bờ chân - thiện - mỹ. Thế nên khi nghệ sĩ đi ngược lại với những giá trị đó cũng chính là đang quay lưng lại với khán giả, với người hâm mộ và hủy hoại đi danh tiếng của chính mình vậy.

Có câu "Mua danh ba vạn, bán danh ba đồng". Danh tiếng người nghệ sĩ được gây dựng trong lòng khán giả phải bằng chính tài năng và nỗ lực công hiến cho nghệ thuật và công chúng. Danh tiếng đó phải đổi bằng mồ hôi, nước mắt, không thể trong ngày một, ngày hai. Nếu chỉ vì cái lợi trước mắt mà xô đổ sự nghiệp thì đáng tiếc lắm thay!

Khán giả rất dễ "tạm ứng niềm tin" cho nghệ sĩ, nhưng một khi đã không còn tín nhiệm thì khán giả cũng không còn, sự nghiệp cũng dễ tiêu tan. Đã hi sinh cho nghệ thuật, cống hiến cho khán giả thì tuyệt nhiên đừng dễ dàng "mua danh, bán phận"…

Bích Diệp

Bài tiếp theo
« Prev Post
Bài trước
Next Post »

Nghi son