Tổng số lượt xem trang

Lời bao biện nào cho những người chủ quan khiến cả xã hội vất vả?

 Làn sóng dịch COVID-19 ở Việt Nam đã tạm lắng, khó khăn dần qua đi. Để có thành quả như ngày hôm nay không thể không nhắc đến tấm gương hi sinh cống hiến của bao bác sỹ y tá, bao chiến sỹ Quân đội, Công an và đồng bào cả nước. Nhưng chúng ta cũng không thể quên ghi lại những bài học, sửa chữa triệt để những sai lầm, xử lý nghiêm những cá nhân, tổ chức làm lây lan khiến dịch bệnh bùng phát. Việc Cơ quan CSĐT Công an quận Gò Vấp ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội “Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người” tại Hội thánh Truyền giáo Phục Hưng là một trường hợp như thế, không có gì phải bàn cãi nữa sau quá nhiều mất mát xảy ra.

Ổ dịch tại Hội Thánh Truyền giáo Phục Hưng đã khiến TP.HCM gặp nhiều khó khăn.

Nước ta vừa trải qua những ngày tháng đau thương vì làn sóng dịch COVID-19 lần thứ tư, với hàng nghìn đồng bào đã ra đi, hàng nghìn trẻ em trở thành mồ côi vì mất cha mẹ, cũng những thiệt hại về kinh tế, xã hội không thể đong đếm. Đợt dịch tại TP.HCM khởi phát từ ổ dịch Giáo phái Phục Hưng từ cuối tháng 5, với từ 3 ca nhiễm ban đầu đã tăng nhanh liên tục đến vài trăm F0, hàng chục nghìn F1 và F2 liên quan đến hầu hết các quận huyện tại thành phố, cùng hàng chục tỉnh thành trên cả nước có liên quan đến giáo phái này. Điều đáng nói là ngay khi phát hiện dịch bệnh, công tác truy vết của thành phố gặp vô vàn khó khăn vì nhiều thành viên của giáo phái không hợp tác khai báo, thậm chí gian dối và còn xóa dấu vết. Cơ quan cảnh sát điều tra đã nhanh chóng vào cuộc và ngay từ ngày 29/5 Quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội danh “Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người”.

Mới đây, trên tài khoản cá nhân, Đặng Đình Mạnh đã có bài viết với nhiều “lý lẽ” để bao biện cho giáo phái này. Điều đáng nói, tuy tự coi mình là luật sư đang “bào chữa” cho vụ án, nhưng đối tượng lại có những hiểu biết hết sức hời hợt về bản chất vụ việc, nội dung Quyết định khởi tố của cơ quan Công an, dẫn đến có những lập luận hết sức lòng vòng, thiếu thuyết phục.

Luận điệu chối tội cho Giáo phái Phục Hưng của luật sư Đặng Đình Mạnh.

Để mở đầu, đối tượng nói rằng: “Thời điểm khởi tố vụ án, cơ quan y tế ở Việt Nam vẫn chưa có sự hiểu biết đầy đủ về các đặc điểm của virus COVID-19 chủng Ấn Độ, là chủng virus mà các tín hữu Hội Thánh Truyền Giáo Phục Hưng được cho là những người đầu tiên bị phát hiện lây nhiễm tại địa bàn TP.HCM. Như khả năng, tốc độ lây nhiễm cao hơn. Đáng kể nhất là các triệu chứng phát khởi hoàn toàn khác biệt với chủng Delta cũ.” Thưa ông luật sư, biến chủng Ấn Độ của virus SARS-CoV-2 có tên gọi là Delta, biến chủng cũ tên là Alpha, Beta chứ không hề có “Delta cũ” và “Delta mới”. Việc biến chủng Delta có tốc độ lây nhiễm cao hơn chỉ làm trầm trọng hơn hậu quả xảy ra do các hành vi của giáo phái gây ra, chứ không thể lấy đó làm cớ cho rằng giáo phái hoàn toàn vô tội.

Ngay từ ngày 7/5, tại Hội nghị trực tuyến với Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nói: “Không để một người chủ quan khiến cả xã hội vất vả”. Giáo phái Phục Hưng khai báo tổ chức các buổi sinh hoạt quá 20 người, nhưng khi lực lượng chức năng kiểm tra sổ hoạt động của hội, một hội viên đã cố tình xóa danh sách hội viên chỉ để lại tên 20 người để đủ tiêu chuẩn hoạt động không tập trung đông người. Ông Mạnh nói giáo phái “sinh hoạt đúng quy định, mọi người đeo khẩu trang, giãn cách” nhưng cái ảnh ông chụp thì lại cho thấy rõ một không gian chật hẹp, các ghế ngồi kê sát nhau hoàn toàn không thể đảm bảo giãn cách 2m. Đáng nói hơn, theo các thông tin điều tra thì trong lúc họp hội, hội viên không đeo khẩu trang. Môi trường sinh hoạt không đảm bảo các nguyên tắc phòng chống dịch. Với những nguy cơ trên đã tạo điều kiện cho virus lây lan nhanh. Minh chứng là gần như toàn bộ người tham gia họp hội đều nhiễm bệnh với tốc độ lây lan nhanh, 60% người có triệu chứng.

Ảnh nơi sinh hoạt của giáo phái Phục Hưng, có thể thấy rõ các ghế ngồi kê sát nhau.

Từ cái lập luận “tuân thủ giãn cách” như vậy, ông Mạnh cho rằng các thành viên của giáo phái “chỉ là nạn nhân”, bao gồm cả bà Loan là vợ mục sư. Nhưng ông có biết khi điều tra, cơ quan Công an đã chỉ ra: Vợ mục sư từng đi Hà Nội nhưng lại khai báo không trung thực, giấu giếm và bà ta còn cố tình xoá dấu vết. Sở Y tế đã phải phối hợp cùng lực lượng Công an và ngành hàng không mới xác định được hành trình di chuyển của bà Loan!

Tiếp theo, ông Mạnh còn đổ lỗi cho chính quyền “không ngăn cản các sự kiện đông người như kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5, đổi căn cước công dân, hoặc ngày bầu cử 23/5”. Đặng Đình Mạnh cho rằng như vậy là “chính quyền cũng chủ quan như người dân và việc bùng dịch là khách quan ngoài ý muốn”. Ông Mạnh có lẽ quên rằng các sự kiện đông người nói trên là sự kiện “có kiểm soát”, Nhà nước hoàn toàn nắm được tình hình và có biện pháp truy vết nhanh chóng. Bằng chứng là ngay sau ngày nghỉ lễ 30/4 và 1/5 tuy có vài ổ dịch bùng phát tại một số tỉnh thành, đặc biệt là tại Hà Nội nhưng công tác truy vết giãn cách được thực hiện rất nhanh chóng và các ổ dịch bị không chế hoàn toàn chỉ trong 1-2 tuần. Còn với các vụ tụ tập của Giáo phái Phục Hưng là “ngoài vòng kiểm soát”, khi bị phát hiện giáo phái cũng không hợp tác khai báo để chính quyền nhanh chóng nắm tình hình. Chính quyền làm sao có thể truy vết dập dịch nếu người ta không hợp tác? Và ông Mạnh liệu có tự hỏi tuy cả nước có nhiều ổ dịch bùng phát nhưng không có một ổ dịch nào gây ra hiệu quả nghiêm trọng như ổ dịch giáo phái Phục Hưng và cũng không có tổ chức nào bị cơ quan điều tra ra Quyết định khởi tố như Giáo phái Phục Hưng?Nếu ông Mạnh tìm hiểu thông tin từ cơ quan điều tra, chắc ông sẽ “vỡ mộng” vì quá nhiều sai phạm kinh khủng hơn của nhóm này được làm rõ: Nhóm cam kết số lượng thành viên là 48 nhưng thành phố đánh giá con số có thể cao hơn và nhiều thành viên không khai báo dù được thành phố kêu gọi. Theo BS. Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), quá trình khai thác dịch tễ ở khu vực Hội thánh rất khó khăn do gia đình mục sư không hợp tác, phải nhờ Công an hỗ trợ. Điển hình, một nhà bên cạnh nhà mục sư không chịu lấy mẫu xét nghiệm với lý do “không liên quan đến Hội thánh”, chỉ đến khi có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2, cơ quan chức năng mới phát hiện ra đây là mẹ vợ của mục sư Phương Văn Tân!

Có lẽ, do không có nhiều lý lẽ, ông Mạnh quay sang vấn đề pháp lý: “Chưa kể, điều quan trọng nhất về phương diện pháp lý hình sự, tham chiếu theo hướng dẫn của Tòa án Nhân dân Tối cao về tội danh ‘Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người’ đã khởi tố, thì các thành viên của Hội Thánh cũng không đủ yếu tố để trở thành chủ thể của tội danh theo điều 240 ấy!”. Lại một lần nữa, ông Mạnh có lẽ không tìm hiểu đủ thông tin để đưa ra phát ngôn, vì ngay từ ngày 1/6, trong cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP.HCM, Thứ trưởng Bộ nội vụ Vũ Chiến Thắng đã nói: “Việc khởi tố vụ án, xử lý là liên quan đến các cá nhân thuộc Hội thánh có hành vi sai phạm, không liên quan đến tổ chức tôn giáo”. Quá dễ hiểu phải không ông luật sư Đặng Đình Mạnh?Suy cho cùng, nếu ông Mạnh biết cảm thông hơn cho tình hình của đất nước thì có lẽ ông sẽ không còn tâm trí đâu mà “nặn” ra lý lẽ bao biện cho những sai lầm rõ ràng như thế nữa. Chỉ vài tháng trước đợt dịch COVID-19 lần thứ tư, Việt Nam còn là hình mẫu về chống dịch được cả thế giới ca ngợi. Chiến lược truy vết ca nhiễm, giãn cách xã hội xuất sắc giúp chúng ta giữ được số ca nhiễm và tử vong luôn ở mức thấp, thiệt hại được giảm thiểu trong lúc toàn thế giới phải vật lộn với số bệnh nhân và tử vong vì COVID-19 liên tục tăng. Ấy vậy mà, dù toàn hệ thống chính trị xã hội vẫn cảnh giác, lại đã có nhiều kinh nghiệm từ các đợt dịch trước, nhưng chúng ta vẫn chứng kiến làn sóng giặc COVID-19 xâm lăng đến mức không thể tin nổi. Những sai phạm dứt khoát phải bị trừng trị, để chúng ta không bao giờ còn phải chứng kiến những ngày tháng đau thương như thế nữa.

An Diễm

Theo Canhco.net

Bài tiếp theo
« Prev Post
Bài trước
Next Post »

Nghi son