Tổng số lượt xem trang

Vận mệnh của dân tộc Việt Nam không phải nằm trong tay một nhóm người lưu vong

 Những lập luận của các đối tượng “rân chủ” đưa ra là hoàn toàn vô căn cứ, nhất là chiêu trò “sắp xếp nhân sự” Đại hội. Thật nực cười khi vận mệnh của một đất nước, một dân tộc lại có thể nằm trong sự sắp đặt của một nhóm người lưu vong ở hải ngoại. 

Công tác nhân sự Đại hội XIII tiếp tục bị các thế lực thù địch xuyên tạc

Thế lực thù địch luôn chơi trò “sắp xếp nhân sự” Đại hội

Đại hội XIII ngày đến gần thì càng xuất hiện rất nhiều lời bàn tán, nhận định về nhân sự. Điều này là  tín hiệu đáng mừng cho thấy người dân ngày càng quan tâm đến tình hình chính trị, vận mệnh của đất nước trong vòng 5 năm tới.Tuy nhiên, bên cạnh đó, các đối tượng chống phá thù địch cũng lợi dụng sự quan tâm này để tung ra những thông tin xuyên tạc, những đồn đoán về đấu đá nội bộ, đặc biệt là Hội nghị 15, những tin tức xuyên tạc sẽ ngày càng dồn dập hơn.

Sáng 16/1, Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã khai mạc trọng thể tại Thủ đô Hà Nội. Thông thường, các thế lực thù địch, phản động lại tiếp tục chơi trò “sắp xếp nhân sự” cứ  như thể họ là người nắm trong tay vận mệnh của Đảng, của đất nước, dân tộc Việt Nam vậy.

Thực tế, đã và đang xuất hiện một số phỏng đoán các “kịch bản” đối với bốn vị trí quan trọng nhất, hay còn gọi là “Tứ trụ”. Các kịch bản đều dự đoán Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ tiếp tục ở lại ghế Tổng Bí thư và nhường cho Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghế Chủ tịch Nước..v..v.Trên mạng xã hội phản động của Việt Tân xuất hiện nhiều bài viết mang tính phỏng đoán một chiều từ các nhà “rân” chủ như: ‘Đại hội XIII: ‘Tứ trụ’ mới có được đồng thuận tại Hội nghị Trung ương 15’ của tác giả Phạm Qúy Thọ; hoặc ‘Sới chọi khốc liệt’ của Đỗ Ngà – một cây bút mang mác dân chủ gần đây rất hăng máu trong việc xuyên tạc những vấn đề xung quanh Đại hội XIII nói riêng và các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước nói chung.

Cụ thể, tác giả Phạm Quý Thọ viết trong bài ‘Đại hội XIII: ‘Tứ trụ’ mới có được đồng thuận tại Hội nghị Trung ương 15’ rằng: “Khi chiến dịch chống tham nhũng được quảng cáo là “không vùng cấm” vẫn đang được đẩy mạnh, nhiều người cho rằng chế độ độc đảng của Việt Nam chưa thể ngăn chặn được mức độ nghiêm trọng của tình hình khủng hoảng chế độ”.

Và “nội dung quan trọng nhất của Hội nghị là “chốt” được “các trường hợp đặc biệt” để trình Đại hội. Danh sách các nhân sự này là “tuyệt mật”, nhưng có nguồn tin đồn đoán rằng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ là hai trường hợp đặc biệt, quá tuổi theo quy định, sẽ tiếp tục ở lại với tư cách “tứ trụ” mới được Bộ Chính trị giới thiệu”.Nói mạnh miệng hơn, xuyên tạc về công tác nhân sự nhiều nhất phải kể đến cái tên Đỗ Ngà. Từ bài ‘Sới chọi khốc liệt’, cây bút này phán rằng: “Thực ra Đại hội XIII vào ngày 25/1 tới đây chỉ là cuộc liên hoan công bố kết quả thôi chứ mọi thứ đã ngã ngũ hết rồi. Kể từ Hội nghị Trung ương 8 tháng 10/2018 – cái ngày mà Nguyễn Phú Trọng thu chiến lợi phẩm sau khi hạ Trần Đại Quang thì cái chợ mua quan bán tước đã sôi động. Đối với những nhóm lợi ích gộc, họ chiến nhau nảy lửa để giành lợi thế trước khi đem nó “lên bàn đàm phán”. Đây chính là “vừa đánh vừa đàm”, chiến thuật mà cộng sản đã dùng trong chiến tranh trước đây”.

Đỗ Ngà tiếp tục nói: “Phía miền Bắc đã giành được 11/16 vào Bộ Chính Trị, còn phía Miền Nam chỉ biết chống đỡ nên chỉ có 5/16 vị trí trong Bộ Chính Trị và không còn ai trong 5 vị trí chủ chốt gồm: Tổng bí thư, Thường trực Ban bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội”…

Tức là, các đối tượng chống phá này vu khống một cách trắng trợn rằng, trong thể chế chính trị một Đảng lãnh đạo như tại Việt Nam, việc lựa chọn nhân sự sẽ không bảo đảm dân chủ, không thể lựa chọn được người đủ năng lực và đạo đức để lãnh đạo đất nước. Ngoài ra, những kẻ này còn tung ra luận điệu rằng, cơ chế lựa chọn cán bộ tại Việt Nam thiếu minh bạch nên đã tạo ra chỗ trống cho những “chuyên gia hối lộ” ngồi vào vị trí lãnh đạo.Có thể nói, cán bộ cũng là người lãnh đạo chỉ đạo, đồng thời trực tiếp tổ chức thực hiện để đưa đường lối vào thực tiễn cuộc sống. Đường lối đó có tổ chức thực hiện tốt hay không phụ thuộc chính vào cán bộ. Nếu có cán bộ tốt, thậm chí đường lối chưa cụ thể, chưa toàn diện, chúng ta có thể bổ sung vào. Nhưng đường lối có đúng đến mấy, tổ chức bộ máy có khoa học, phù hợp đến mấy mà đội ngũ cán bộ không đáp ứng yêu cầu thì còn làm hỏng cả đường lối. Chính vì thế, công tác nhân sự của Đại hội là vấn đề cực kỳ quan trọng.

Vì lẽ đó, các đối tượng chống phá lợi dụng công tác nhân sự cho Đại hội để xuyên tạc âu cũng là điều dễ hiểu khi mà chúng không từ bỏ mọi thủ đoạn, phương thức nào.

Nhân dân quan tâm đến vận mệnh đất nước, nhưng cần cảnh giác trước luận điệu xuyên tạc

Thực tế cho thấy, một trong những nội dung quan trọng thu hút nhiều sự chú ý của đông đảo nhân dân, dư luận trong nước trước thềm Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đó là công tác cán bộ, công tác nhân sự. Đặc biệt đó là những nhân sự cấp cao, cấp chiến lược của Đảng.

Tại Hội nghị lần thứ 14 (tháng 12.2020) Ban Chấp hành Trung ương khoá XII đã biểu quyết giới thiệu nhân sự tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư khoá XIII. Trước đó, tại Hội nghị Trung ương 13 (tháng 10.2020), đã bỏ phiếu biểu quyết giới thiệu nhân sự Trung ương khoá XII tái cử và nhân sự mới lần đầu được dự kiến giới thiệu tham gia Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII.

Nói cách khác, công tác nhân sự trước thềm Đại hội Đảng được tiến hành một cách rất bài bản, qua nhiều bước sàng lọc để có thể chọn được đúng cán bộ, đặc biệt đội ngũ cán bộ cấp cao, cấp chiến lược của Đảng.

Cử tri, nhân dân quan tâm đến vấn đề chính trị và vận mệnh đất nước là điều tốt. Bởi vì, bên cạnh công tác lựa chọn nhân sự mà Đảng tiến hành, thì nhân dân, cử tri cũng muốn được biết quá trình phát huy dân chủ… phải làm sao lựa chọn cho được những người “học và hành”, “nói và làm” tốt nhất, bằng các tiêu chí cụ thể có tính chất là “thước đo” căn bản.

Nói vậy vì, thời điểm chuẩn bị nhân sự cho Đại hội XIII của Đảng đúng vào thời kỳ chuyển giao thế hệ“từ lớp cán bộ sinh ra, lớn lên, được rèn luyện, trưởng thành trong những năm tháng kháng chiến, chủ yếu được đào tạo ở trong nước và tại các nước xã hội chủ nghĩa trước đây, sang lớp cán bộ sinh ra, lớn lên, trưởng thành trong hòa bình và được đào tạo từ nhiều nguồn, nhiều nước có thể chế chính trị khác nhau.

Theo đó, nhân dân mong muốn, thế hệ nhân sự mới được chuyển giao nhiệm vụ lãnh đạo cách mạng trong giai đoạn mới phải là những người kiên định; Có phẩm chất đạo đức, tư cách tốt, có cuộc sống lành mạnh, trong sáng. Đặc biệt, trước hết và trên hết là bản thân phải tuyệt đối không tham nhũng; Có tri thức khoa học, biết nhìn xa, trông rộng, có tầm hiểu biết sâu sắc nhiều mặt; Phải là những người biết giữ gìn và phát huy cao độ tinh thần đoàn kết, thống nhất, vì đoàn kết là sức mạnh và là một truyền thống quý báu và tốt đẹp của dân tộc ta;…

Đây là công việc hệ trọng, đòi hỏi các tổ chức, cá nhân liên quan phải nghiêm túc thực hiện bằng tinh thần trách nhiệm cao nhất với đất nước. Phải thực hiện cho được “4 đúng”: Đánh giá đúng cán bộ, lựa chọn đúng người, sắp xếp đúng việc, bố trí đúng chỗ.

Và như đã nói, tại các Hội nghị Trung ương, các phương án nhân sự nhận được sự đồng thuận rất cao là cả một quá trình chuẩn bị công phu, cẩn trọng về công tác cán bộ. Bởi đội ngũ cán bộ cấp cao, cấp chiến lược này sẽ có ảnh hưởng rất lớn trong việc quyết định sự phát triển của đất nước trong nhiệm kỳ 5 năm tới.

Chính vì vậy, không phải tự dưng mà các đối tượng thù địch sẵn sàng công kích công tác nhân sự trước thềm Đại hội. Đơn giản một điều, chúng là những thế lực thù địch, phản động lưu vong, sống ảo vọng vào chế độ cũ, hoài niệm về “một thời đã xa”, dẫn đến bất mãn với chế độ hiện tại mà Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đang theo.

Điều này cũng có nghĩa, những lập luận của các đối tượng “rân chủ” đưa ra là hoàn toàn vô căn cứ, nhất là chiêu trò “sắp xếp nhân sự” Đại hội. Thật nực cười khi vận mệnh của một đất nước, một dân tộc lại có thể nằm trong sự sắp đặt của một nhóm người phản bội, lưu vong ở hải ngoại.

Dẫu vậy,  trước sự dẫn dắt, hướng lái thông tin theo kiểu “dây cà ra dây muống”, “lập lờ đánh lận con đen”, những luận điệu này đã tiếp cận, tác động đến không ít người. Nên dư luận, nhân dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác là điều không bao giờ thừa.

Sông Trà

Bài tiếp theo
« Prev Post
Bài trước
Next Post »

Nghi son