Tổng số lượt xem trang

Công danh sự nghiệp có thể đạt được bằng cầu xin?

 Trở lại với nhịp sống "bình thường cũ" sau đại dịch Covid-19, mùa xuân năm nay trở nên sôi động hơn với những hoạt động lễ hội sau Tết. Các đền chùa tấp nập khách thập phương, kể cả những nơi cổ kính hay là các công trình lớn thuộc quần thể du lịch và tâm linh mới được xây dựng.

Với nhiều người Việt, việc đi lễ đầu năm là một nghi thức không thể thiếu. Có người lặn lội ra Bắc, có người khăn gói vào Nam không quản đường xa vất vả, lại cũng có những người sẵn sàng dành cả tháng trời để đi lễ Phật, lễ Thánh. Thông thường, người ta sẽ cầu an, cầu lộc, cầu may. Bên cạnh đó, cũng có một số người chỉ đơn thuần là đi vãn cảnh.

Công danh sự nghiệp có thể đạt được bằng cầu xin? - 1

Người dân hành lễ ở Phủ Tây Hồ - nơi thờ Bà chúa Liễu Hạnh, một nhân vật trong truyền thuyết, và là một trong bốn vị thánh bất tử trong tín ngưỡng của người Việt (Ảnh: Toàn Vũ).

Bản thân tôi là người rất thích không gian đền chùa, tuy nhiên, tôi lại thường ghé thăm vào những dịp thấp điểm trong năm, lúc đó cảnh sắc, không gian tĩnh lặng và sẽ có nhiều thời gian hơn để trò chuyện, đàm đạo với trụ trì hoặc với các sư thầy, sư cô. Thỉnh thoảng, như năm nay, tôi đến ngôi đền gần nhà trong ngày đầu năm mới nhằm cảm nhận rõ hơn không khí Tết, để thấy mình như một phần nhỏ bé hòa vào giữa bao la đất trời và mênh mông dòng người vậy.

Có thể nói, đi lễ là một nét đẹp văn hóa tâm linh những ngày đầu xuân. Mọi người đến những nơi linh thiêng để tìm giây phút bình yên và đưa ra ước nguyện cho bản thân, gia đình và đất nước. Bởi vậy, tất cả chúng ta đều cần tôn trọng nét văn hóa này. Tuy nhiên, cách hành xử sao cho phù hợp, có lẽ vẫn là điều cần bàn và góp ý để xây dựng văn hóa cộng đồng, sao cho ngày một tốt đẹp hơn. Chẳng hạn như việc rải tiền lẻ khi đi lễ, dù đã được các nhà văn hóa đề cập nhiều lần, song vẫn còn tồn tại. Hay như việc đốt vàng mã không đúng nơi đúng chỗ, không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn tiềm ẩn nguy cơ gây ra hỏa hoạn. Thậm chí, tại nhiều lễ hội còn xảy ra tình trạng xô đẩy nhau cướp lộc…

Ai đó có thể đi hành lễ từ chùa này sang chùa khác, đền này qua đền nọ, miễn là không ảnh hưởng đến người khác, không bỏ bê việc công sở, không thâm dụng, không đánh cắp thời gian của Nhà nước, của cơ quan đơn vị.

Ngẫm cho cùng, ai cũng đều có những mong cầu riêng và không phải ai cũng đều có cơ hội để nói ra điều mình mong muốn. Khi thổ lộ ra được điều sâu kín từ tâm can thì đã tiến được một bước để đạt mục đích, để hiểu rõ mình và con đường sẽ đi. Song chậm lại một chút, ai cũng sẽ thấy rằng, nếu thần thánh dễ mua chuộc bằng lễ vật, tiền bạc; nếu địa vị, công danh sự nghiệp có thể đạt được bằng cầu xin, thì liệu rằng cuộc sống có quá dễ dàng và đơn giản hay không? Sẽ đâu ai còn nỗ lực, đâu còn ai cố gắng học hành, lao động? Trước nay có kinh sách hay giáo lý nào chấp nhận việc không làm mà vẫn có ăn hay cổ súy con người ta phải đút lót thần linh trong tâm thế sợ hãi?

Phật giáo hướng con người ta đến với từ bi, giác ngộ, đề cao con đường trí tuệ. Ngay những bậc chân tu cũng trải qua quá trình tu tập gian nan, khổ hạnh mới đạt được thành công. Các Thánh được thờ cúng cũng đều là những bậc đức hạnh, tài giỏi, sáng suốt hoặc có công trạng - họ chính là những tấm gương để người đời soi vào, hướng con người đến với chân, thiện, mỹ.

Bởi vậy, đáng quý thay phút giây nhẹ nhõm mỗi chúng ta lắng lòng bày tỏ những nguyện cầu, mong ước cho năm mới, buông bỏ những phiền muộn, âu lo năm cũ. Nhưng hi vọng rằng, sẽ không ai phải mệt mỏi, tổn hại sức khỏe thân tâm để chen chúc hành lễ, chờ đợi sự ban phát và khiến cuộc sống bản thân bị lệ thuộc vào may rủi.

Nếu quan sát kỹ có thể thấy rằng, thời gian gần đây, ở các khuôn viên đền, chùa đều gắn thêm bảng, biển hướng dẫn cụ thể nơi thắp hương, nơi đặt lễ, nơi hóa vàng mã. Khói hương lan tỏa nhẹ nhàng dễ gợi nên cảm giác thanh thản và tạo bầu không khí linh thiêng, song cũng có những lúc khách viếng quá đông, người chen chúc và khói bay nghi ngút, cảnh tượng trở nên hỗn loạn và ngột ngạt, không gian đền chùa bởi vậy mất đi sự yên tĩnh.

Một mùa lễ hội nữa lại đến, mong cho mỗi người trong chúng ta sẽ tìm được cho mình sự bình yên trong những chuyến đi lễ thay vì sự hành xác và xô bồ.

Tác giảBích Diệp tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế Đối ngoại trường Đại học Ngoại thương; gia nhập báo Dân Trí từ năm 2012 và chuyên đưa tin về kinh tế, hoạt động doanh nghiệp, thị trường chứng khoán.

Bài tiếp theo
« Prev Post
Bài trước
Next Post »

Nghi son