Tổng số lượt xem trang

Dẹp nạn bằng giả, cách nào?

 Để giải quyết vấn nạn bằng giả cần xử lý từ gốc và mạnh tay truy cứu trách nhiệm hình sự thì người dùng sẽ biết sợ.

Hiện tượng "chạy" bằng giả không phải là chuyện mới nhưng tình trạng này diễn ra càng ngày càng nhiều và gây tác động rất xấu đến tình hình kinh tế - xã hội.

Bán bằng giả thu hàng tỉ đồng

Nhận thấy nhiều người có nhu cầu lấy văn bằng 2 chính quy tiếng Anh, từ tháng 4-2018 đến 3-2019, lãnh đạo Trường Đại học Đông Đô cùng cấp dưới đã cấp 429 văn bằng và 2 giấy chứng nhận giả. Trong số người được Trường Đại học Đông Đô cấp bằng đại học và chứng nhận giả, có 67 người dùng các loại giấy tờ này để làm nghiên cứu sinh, học thạc sĩ, kê khai hồ sơ, thi công chức hoặc thi thăng hạng.

Với hành vi này, cựu hiệu trưởng, hiệu phó cùng hàng loạt cán bộ của Trường Đại học Đông Đô vừa nhận mức án từ 12 tháng tù cho hưởng án treo đến 12 năm tù giam.

Vào tháng 9-2021, qua kiểm tra, ngành chức năng phát hiện 20 giáo viên tại Đắk Lắk sử dụng bằng giả và 20 trường hợp sử dụng bằng cao đẳng, đại học chưa hợp lệ. Do muốn có việc làm với thu nhập ổn định, những người sử dụng bằng giả đã liên hệ nhờ người làm giả bằng tốt nghiệp THPT. Sau đó, nộp hồ sơ xin lên cấp học cao hơn rồi lấy bằng đi tìm việc làm.

Trong số này, những người vi phạm chủ yếu là giáo viên đang dạy học tại các trường trên địa bàn huyện. Theo lãnh đạo Phòng An ninh Chính trị nội bộ Công an tỉnh Đắk Lắk, những người sử dụng bằng giả, bằng không hợp lệ đã gây ảnh hưởng lớn đến uy tín của các cơ quan, tổ chức nhà nước; gây bất công bằng trong cán bộ, công chức, viên chức và ảnh hưởng lớn đến chất lượng của công việc.

Dẹp nạn bằng giả, cách nào? - 1

Phiên tòa xét xử vụ án Trường Đại học Đông Đô cấp bằng giả, ngày 23-12-2021 (Ảnh: NGUYỄN HƯỞNG).

 Trước đó, UBND TP Buôn Ma Thuột cũng đã có quyết định buộc thôi việc, xử phạt hành chính người mới học hết lớp 8 nhưng mượn bằng cấp III của người khác rồi "mượn tên" người này đi học và đi dạy suốt 25 năm nay tại một trường THCS.

Theo hồ sơ của cơ quan chức năng, bà Lê Thị Ngọc Châu tên thật Lê Thị Nga, sinh ngày 12-5-1975 (quê quán xã Thiệu Minh, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa), trình độ 8/12 đã mượn bằng tốt nghiệp THPT của bà Lê Thị Ngọc Châu để đi học trung cấp, cao đẳng, đại học và xin việc làm (đi dạy) dưới tên của bà Châu suốt 25 năm tại Đắk Lắk.

Hồi tháng 2-2021, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Bộ Công an phối hợp với Công an TP HCM cũng đã triệt phá đường dây làm giả con dấu, tài liệu của các cơ quan, tổ chức với số lượng cực lớn. Tang vật làm giả gồm 3.600 phôi bằng các loại (đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, THPT), 110 học bạ, 1.300 con dấu cao su, 1.800 miếng dán phôi các loại, 2.505 tem chống giả, 340 bảng điểm, 200 bản sao tốt nghiệp các loại, 195 văn bằng các loại, 115 chứng chỉ các loại... Đáng chú ý, trong số bằng cấp, chứng chỉ giả thu giữ được, công an phát hiện nhiều bằng bác sĩ y khoa, đại học sư phạm đã được in sẵn tên, chưa kịp chuyển cho người mua.

Tháng 10-2020, tại huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu, các ông Lê Văn Hồng và Phan Văn Luân đã bị kỷ luật khai trừ ra khỏi Đảng vì sử dụng bằng tốt nghiệp THPT không hợp pháp để tham gia xét tuyển, học tập trong lực lượng công an và kê khai trong hồ sơ cán bộ, hồ sơ đảng viên. Hai người này đều là đảng viên Chi bộ CSGT, Đảng bộ Công an huyện. Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Than Uyên, tỉnh Lai Châu cũng quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Hoàng Mạnh Hà - đảng viên Chi bộ Cảnh sát hình sự, Đảng bộ Công an huyện Than Uyên - do vi phạm rất nghiêm trọng trong thực hiện quy định về sử dụng văn bằng, chứng chỉ...

"Chạy" bằng để thăng tiến

Lý giải hiện tượng bằng giả và "chạy" bằng cấp đang gây nhiều bức xúc trong xã hội, PGS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho rằng khi xã hội tồn tại và đặt nặng tiêu chí bằng cấp, danh hiệu thì sẽ có không ít người dùng mọi cách "chạy" để có được hư danh, học hành gian lận để có bằng cấp.

"Cần thẳng thắn nhìn nhận rằng có cung thì có cầu. Cơ chế đã quy định có bằng cấp a, b, c sẽ vào chức nọ, chức kia thì những người muốn ngồi ở vị trí đó tìm mọi cách để có bằng cấp, kể cả đi "mua". Có cầu sẽ có cung. Mà bên cầu thì tham lam, chỉ nghĩ đến lợi nhuận, không nghĩ đến những tác hại đối với xã hội" - PGS Trần Xuân Nhĩ nhấn mạnh.

TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học - Bộ Giáo dục và Đào tạo, phân tích có nhiều nguyên nhân của nạn bằng giả. Đầu tiên là từ nhu cầu của những người mua bằng giả. Một nguyên nhân đáng buồn khác là tâm lý xã hội "nặng" về chạy theo bằng cấp.

Khi xã hội đặt nặng tiêu chí bằng cấp thì sẽ có không ít người dùng mọi cách "chạy" để có được những tấm bằng này. Thêm vào đó, việc xử lý các đối tượng sử dụng bằng giả chưa kiên quyết. Phần lớn cán bộ khi bị phát hiện sử dụng bằng giả vẫn chỉ dừng lại ở việc xử lý kỷ luật cảnh cáo, cao nhất là buộc thôi việc.

"Cán bộ nhà nước phải là người học hành đến nơi đến chốn, phải trải qua thi cử nghiêm túc, tri thức phải được rèn luyện, bồi đắp theo thời gian. Học giả, bằng thật, năng lực kém, thiếu kỹ năng chuyên môn dẫn đến rất nhiều hệ lụy, tổn hại" - TS Lê Viết Khuyến khẳng định.

Cũng chung quan điểm này, PGS Trần Xuân Nhĩ nhấn mạnh cán bộ phải là những người vừa có đức vừa có tài và phải tuân thủ pháp luật. Người có quyền mà lừa dối, không trung thực thì sẽ làm hại nước, hại dân. "Trao quyền vào tay người không đủ tài, không đủ đức là một mối nguy hại, kéo lùi sự phát triển của đất nước. Người trong bộ máy nhà nước phải là người trung thực thì mới có thể điều hành được đất nước" - PGS Trần Xuân Nhĩ nói.

PGS TRẦN XUÂN NHĨ: Phải có chế tài mạnh

Dân gian có câu "quan đần thì dân khổ". Nếu người sử dụng bằng giả đi làm quan, chức vụ càng to thì dân càng khổ.

Nạn bằng giả dai dẳng là do chế tài đối với những người vi phạm chưa đủ mạnh. Nếu đủ mạnh thì không ai dám làm. Nếu kiên quyết cách chức, cho nghỉ việc, phạt tiền hay thậm chí là xử lý hình sự, phạt tù thì người dùng bằng giả sẽ biết sợ. Muốn ngăn nạn bằng giả thì phải có chế tài rất mạnh.

Luật sư TRỊNH ĐỨC TIẾN, Văn phòng Luật sư Phúc Thọ (TP Hà Nội):

Kiểm tra thường xuyên văn bằng, chứng chỉ

Để giải quyết vấn nạn bằng giả này cần xử lý từ gốc. Hiện nay, việc xác minh văn bằng, chứng chỉ chủ yếu thực hiện ở các cơ quan nhà nước, còn đối với các công ty, doanh nghiệp tư nhân ít khi xác minh giả - thật. Đây là kẽ hở cho người sử dụng bằng giả. Lãnh đạo các cơ quan quản lý nhà nước cần chỉ đạo kiểm tra, kiểm soát thường xuyên và chặt chẽ, xử lý nghiêm những trường hợp dùng bằng giả, "chạy" bằng cấp. Nếu tất cả doanh nghiệp, đơn vị đều chủ động xác minh kỹ bằng cấp giả thì vấn nạn làm bằng giả tự khắc sẽ biến mất, vì mua bằng giả chẳng giải quyết được gì.

Bên cạnh đó, cần phải xử lý mạnh tay. Việc người sử dụng bằng cấp, giấy tờ giả, dù với bất kỳ mục đích gì đều trái pháp luật và tùy theo từng trường hợp cụ thể sẽ xử lý. Ở mức độ nhẹ thì xem xét lại việc đã tuyển dụng cán bộ trong cơ quan nhà nước hoặc tuyển dụng người lao động tại doanh nghiệp, hủy việc cấp các văn bằng đã cấp vì căn cứ giấy tờ giả. Theo quy định tại điều 341 Bộ Luật Hình sự, khi sử dụng giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, nếu bị phát hiện, khởi tố về tội danh sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức, có thể chịu hình phạt tiền từ 30 triệu đồng, cải tạo không giam giữ, đến tù giam từ 6 tháng đến 7 năm, tùy mức độ hành vi phạm tội.

 TS LÊ VIẾT KHUYẾN: Tuyển chọn theo năng lực, không đặt nặng bằng cấp

Đối tượng sử dụng bằng giả chủ yếu là cán bộ, chính vì thế, theo tôi, nên tuyển chọn theo năng lực chứ không phải đặt nặng vấn đề bằng cấp. Việc đặt nặng vấn đề bằng cấp khiến nhiều người phải "chạy" bằng cấp để đối phó.

Qua vụ cấp văn bằng giả ở Trường Đại học Đông Đô, các cơ quan quản lý nhà nước nên lắng nghe ý kiến người dân, chuyên gia trước khi đưa ra những quy định, yêu cầu về bằng cấp. Những yêu cầu không đưa ra từ thực tế có thể dẫn đến nhiều hậu quả khôn lường.

Yến Anh

Bài tiếp theo
« Prev Post
Bài trước
Next Post »

Nghi son