Tổng số lượt xem trang

Vài lời gửi Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam về vụ án của Phạm Đoan Trang

 Đối tượng Phạm Đoan Trang đã chính thức bị TAND TP Hà Nội tuyên phạt 9 năm tù giam vì hành vi “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Đây là bản án đúng người, đúng tội nhưng rất tiếc là bên cạnh các trang mạng chống phá như Việt Tân, BBC kêu gào thì mới đây trang mạng xã hội của Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam lại ra Thông cáo bình luận về bản án này.

Cụ thể, Thông cáo của Đại sứ quán Mỹ lặp lại các luận điệu về nhân quyền và quyền tự do ngôn luận. Họ cho rằng Đoan Trang bị xử oan và việc bỏ tù là không đúng. Nếu đây là thông tin từ các trang chống phá như Việt Tân, BBC thì  hoàn toàn có thể bỏ qua, bởi đây là “nghề” của chúng. Nhưng thật đáng tiếc, đây lại là một tổ chức ngoại giao chính thống. Thiết nghĩ nói gần nói xa rồi cũng phải nói thật, chúng ta cần bày tỏ rõ quan điểm của mình để chứng minh những phát ngôn của Đại sứ quán Mỹ là không đúng, và họ nên rút lại.

Đoan Trang vốn là một đối tượng “dân chủ” cộm cán, có mối liên hệ mật thiết hay còn được coi là cánh tay phải đắc lực của các tổ chức lưu vong như “Việt Tân”, “VOICE”. Trang đã tham gia cùng Việt Tân trong nhiều hoạt động, từ việc hình thành Mạng lưới blogger, cho đến việc tham gia đoàn vận động nhân quyền do Việt Tân vẽ ra nhằm phản đối Việt Nam trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền của Liên hiệp quốc. Mục đích là vận động chính giới phương Tây gây áp lực để Việt Nam thay đổi chính sách nhân quyền…

Trang cùng Trịnh Hội – đối tượng cầm đầu VOICE lập ra cái gọi là “Luật khoa tạp chí”. Tiếng là thuần phân tích hệ thống luật pháp các nước nhưng bất cứ bài viết nào liên quan đến Việt Nam đều có xu hướng tấn công vào hệ thống luật pháp. Từ tháng 8/2018 đến nay, Phạm Đoan Trang huy động các đối tượng phản động của VOICE ở trong nước thành lập trang fanpage “Nhà xuất bản Tự do” nhằm xuất bản các đầu sách “nâng cao dân trí” cho giới dân chủ.

Không dừng lại ở đó, Phạm Đoan Trang còn viết hàng trăm tài liệu nội dung xuyên tạc, phản động; Thực hiện trên 50 lượt trả lời phỏng vấn các đài báo nước ngoài. Ngoài ra, Trang thường xuyên cùng các hội, nhóm chống đối sử dụng chiêu trò “phản biện xã hội” để thể hiện chính kiến trước những sự kiện chính trị – xã hội của đất nước, các vấn đề đang được xã hội quan tâm nhưng thực chất là lợi dụng để xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Các thế lực bè cánh của Trang thường cố tô vẽ hình ảnh cô ta là một người yếu ớt, hiền lành, chỉ viết báo một cách ôn hòa, nhưng đó không phải là sự thật. Nơi Trang bộc lộ rõ bản chất quyết liệt mình là trang web cá nhân với hàng trăm bài viết sặc mùi thù nghịch. Đọc những bài viết trong trang web này, người ta có thể bị quá tải với nhiều thuật ngữ như “hèn hạ”, “ác ôn”, ngu xuẩn”, “khủng bố”…Đây liệu có thể là ngôn từ của một nhà báo hiền lành và ôn hòa hay không, hay người ta chỉ thấy trong đó những luận điệu kích động, gây chia rẽ và dường như luôn khuyến khích một sự phản kháng nào đó?

Lâu nay, các khái niệm như “tự do ngôn luận”, “dân chủ, nhân quyền” dường như bị lạm dụng quá nhiều, và thường gắn liền với chiến tranh, kích động bạo loạn và gây chia rẽ. Những cuộc chiến đẫm máu ở Libya, Syria, Iraq dưới ngọn cờ “dân chủ, tự do” đã đẩy những đất nước bình yên biến thành đống đổ nát, nơi người dân đang được sống bình yên bỗng rơi vào cảnh nồi da xáo thịt. Thật lạ là cho đến nay nhiều tổ chức nước ngoài vẫn cứ khăng khăng cho rằng đó là những ngôn từ ôn hòa, bất bạo động, và lấy đó làm cái cớ bênh vực cho những người như Đoan Trang. Có khi nào nước Mỹ nhìn lại kinh nghiệm đã qua ở Libya để nhận ra sai lầm và rút lại những lời lẽ trong Thông cáo hôm nay không?

Xin khẳng định là bản án của Đoan Trang hoàn toàn đúng người, đúng tội, phù hợp Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, vốn đề cao quyền tự quyết dân tộc và tôn trọng tối đa luật pháp của mỗi quốc gia. Việc làm, tàng trữ, lưu hành các lọai sách báo, tranh, ảnh có nội dung chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam (In ấn, phát hành, cất giữ, phân phát những văn hóa phẩm có nội dung kích động chống đối chính quyền, xuyên tạc chế độ XHCN) là vi phạm khoản 1 Điều 88 Bộ luật Hình sự 1999. Điều khoản này cũng phù hợp với Điều 25 Hiến pháp 2013 ghi rõ là các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí phải “do pháp luật quy định.”

An Diễm

Theo Canhco.net

Bài tiếp theo
« Prev Post
Bài trước
Next Post »

Nghi son